Thị trường

Vướng mặt bằng đường dây 500kV: Một số hộ dân đòi bồi thường quá cao, có dấu hiệu trục lợi

26/03/2024, 10:11

Đó là báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng về tình hình thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3.

Nội dung này là những vướng mắc được nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban kiểm điểm tiến độ và công tác thi công các dự án đường dây 500 kV mạch 3 do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì sáng 26/3.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo, đến nay, dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1177/1177 (100%) vị trí móng cột và 218/503 ( gần 43,34%) khoảng néo, còn 285 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng. 

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình còn 10/10 khoảng néo chưa bàn giao; Hà Tĩnh còn 78/112; Nghệ An còn 68/88; Thanh Hóa còn 70/138; Ninh Bình còn 5/9; Nam Định còn 24/54; Thái Bình còn 11/47; Hải Dương còn 13/31; Hưng Yên còn 6/14.

Vướng mặt bằng đường dây 500kV: Một số hộ dân đòi bồi thường quá cao, có dấu hiệu trục lợi- Ảnh 1.

Vướng mắc giải phóng mặt bằng đe dọa tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Phải khảo sát tuyến đường khác để vào thi công

Về công tác thi công xây dựng, hiện đang triển khai đồng loạt trên toàn tuyến được 1176/1177 vị trí (đạt 99,99%), còn 1 vị trí 127 đang thỏa thuận chi phí đền bù với hộ dân để làm đường vào thi công. Hoàn thành đúc móng được 321/1177 vị trí. Đã nhận và bàn giao đến công trường 104/1177 cột thép. Hoàn thành lắp dựng 23/1177 cột thép, đang lắp dựng 49/1177 cột thép.

Đến nay, vướng mắc lớn nhất liên quan đến giải phóng mặt bằng tại vị trí 127 thuộc Xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hộ dân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng phần diện tích đất vĩnh viễn, nhưng chưa thể triển khai thi công được do hộ dân yêu cầu giá bồi thường làm đường tạm thi công quá cao so với quy định và các vị trí khác trên cùng một địa bàn, có dấu hiệu "trục lợi". 

Tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý theo hướng khảo sát tuyến đường khác để vào thi công, trường hợp không còn đường nào khác sẽ có những biện pháp quyết liệt với hộ dân này.

Ngoài ra, hiện có 691 trường hợp liên quan đến phá dỡ công trình, di dời hoặc tái định cư tại các tỉnh cũng gặp khó khăn. Trong đó, tỉnh Nam Định có 146 trường hợp; tỉnh Thái Bình 79 trường hợp; tỉnh Ninh Bình 19 trường hợp; tỉnh Hải Dương 30 trường hợp; tỉnh Hưng Yên 19 trường hợp; tỉnh Thanh Hóa có 182 trường hợp; tỉnh Nghệ An 64 trường hợp; tỉnh Hà Tĩnh 150 trường hợp; tỉnh Quảng Bình có 5 trường hợp. 

"Nếu không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng đến công tác dựng cột, kéo dây các dự án", Ban chỉ đạo nêu.

Không nhập kịp nguyên vật liệu sản xuất cột thép

Ban chỉ đạo cũng cho biết, hiện dự án đang gặp khó khăn về cung cấp cột thép. Tổng khối lượng thép của 4 dự án mạch 3 là gần 140 nghìn tấn thép và chế tạo thành 1.177 cột trong thời gian rất ngắn (105 ngày). 

Vì vậy, nhiều đơn vị không nhập kịp nguyên vật liệu đầu vào, đồng thời bị quá tải so với năng lực sản xuất trong một số thời điểm, gây chậm tiến độ cung cấp cột thép. 

Vướng mặt bằng đường dây 500kV: Một số hộ dân đòi bồi thường quá cao, có dấu hiệu trục lợi- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An kiểm tra trực tiếp nhà máy sản xuất cột thép Việt Vương ở Hưng Yên.

Đối với thép khổ lớn, chỉ một số ít nhà sản xuất trong nước có thể đáp ứng được, còn lại phải nhập khẩu từ các nước khác.

Khó khăn khác là việc thi công các vị trí móng cọc. Đây là phần công việc đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, thời gian thi công dài, phải có máy thi công chuyên ngành như robot ép cọc, máy đóng cọc. Việc đồng thời huy động số lượng lớn các máy thi công này cho 240 vị trí móng cọc trên toàn tuyến đường dây trong thời gian ngắn là rất khó khăn.

Trong khi đó, tại nhiều địa phương không có máy ép cọc/đóng cọc công suất lớn nên phải huy động từ các vùng miền khác gây chậm tiến độ. Ngoài ra máy ép cọc có tải trọng lớn (200 tấn/1 máy), nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là ao - đầm - kênh - sông, nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Mặt khác, theo quy trình thiết kế - thi công, thời gian thi công móng cọc trung bình là 100 ngày (hơn 3 tháng) nên tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án...

Khó khăn về địa hình, địa chất và ảnh hưởng của thời tiết cũng được Ban chỉ đạo chỉ ra: Tuyến đường dây đi qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều vị trí qua địa hình đồi núi cao, hiểm trở, điều kiện thi công khó khăn. Nhiều vị trí đi qua vùng ven biển, đầm lầy cũng là yếu tố khó khăn trong quá trình thi công. 

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua có mưa nên công tác vận chuyển vật tư, thiết bị và thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.