Quản lý

“Vượt gió ngược” nhờ đột phá hạ tầng giao thông

Với hơn 95.000 tỷ đồng vốn giao thông được giải ngân trong năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm được khởi công, khánh thành.

Theo các đại biểu Quốc hội, đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong năm qua chính là điểm sáng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh rất khó khăn.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Nhiều cơ chế đặc thù đẩy tiến độ dự án

“Vượt gió ngược” nhờ đột phá hạ tầng giao thông- Ảnh 1.

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ luôn sát sao, nỗ lực và đồng hành cùng ngành GTVT, các địa phương để các dự án giao thông được triển khai thuận lợi, hiệu quả nhất có thể.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách đặc thù tài chính tiền tệ để phục hồi kinh tế xã hội, bổ sung hơn 113.000 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ nhằm tháo gỡ vướng mắc khi triển khai một số dự án giao thông với những chính sách đột phá (vốn Nhà nước trong dự án PPP được vượt quá 50%; địa phương được đầu tư cao tốc, quốc lộ; cơ chế đặc thù khai thác vật liệu làm cao tốc)…

Đây là những chính sách mang tính đột phá, gỡ nút thắt để thực hiện các dự án giao thông nhanh chóng, chất lượng và hiệu quả.

Năm qua cũng chứng kiến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT trong việc giải ngân vốn đầu tư công và kịp thời đưa vào khai thác nhiều dự án cao tốc.

Gần 95.000 tỷ đồng vốn giao thông trong năm 2023 là một con số khổng lồ. Việc giải ngân số vốn này là dấu ấn cực kỳ ấn tượng.

Trong năm 2023, Thủ tướng liên tục chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, cùng đó là rất nhiều chuyến thị sát các công trình, nắm bắt và tháo gỡ các vướng mắc từng dự án cụ thể.

Tới thời điểm này, có thể khẳng định, chúng ta đã có một năm thành công trong phát triển hạ tầng giao thông. Tôi tin rằng, năm 2024 cũng sẽ là một năm mà ngành giao thông sẽ tiếp tục có nhiều bứt phá.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Dấu ấn kỷ lục giải ngân vốn giao thông

“Vượt gió ngược” nhờ đột phá hạ tầng giao thông- Ảnh 2.

Giao thông là lĩnh vực có tính chất quyết định trong việc cải thiện điểm nghẽn của hạ tầng, mà hạ tầng lại là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhìn nhận điều đó, Quốc hội đã luôn sát cánh cùng Chính phủ để tạo những đột phá phát triển hạ tầng giao thông.

Cùng với đó là sự quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để thực hiện việc giải ngân và hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm.

Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729km đường bộ cao tốc, nâng tổng số kilomet đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892km; đang thi công khoảng 1.700km. Đằng sau thành quả này là sự nỗ lực rất lớn.

Tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 ngày 11/1/2022, trong vòng chưa đầy một năm, Bộ GTVT đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng được khởi công như dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 ở Tân Sơn Nhất, các tuyến cao tốc khu vực phía Nam…

Việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn giao thông nói riêng không chỉ trực tiếp tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng ở thời điểm hiện tại mà còn tạo tiền đề cho tương lai. Điều đó cũng góp phần giúp kinh tế vượt "cơn gió ngược" một cách ngoạn mục.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Chỉ đạo sát sao, phối hợp nhịp nhàng

“Vượt gió ngược” nhờ đột phá hạ tầng giao thông- Ảnh 3.

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã có đến hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, đặt ra hàng loạt khó khăn khi triển khai các công trình, dự án và cả các ngành công nghiệp hỗ trợ cho đầu tư xây dựng giao thông. Song cuối cùng, chúng ta vẫn đạt được kết quả tích cực và đột phá.

Việc chỉ sau nửa nhiệm kỳ đưa vào sử dụng 729km đường cao tốc, bằng một nửa tổng số kilomet cao tốc đã hoàn thành và đưa vào vận hành trong hàng chục năm qua rõ ràng là thành tích rất lớn.

Có thể nói, với các chủ trương của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành GTVT đã thể hiện tinh thần quyết liệt, sáng tạo trong phát triển hạ tầng giao thông, là điểm nhấn rất quan trọng trong thành tựu chung của đất nước.

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là vai trò chủ công của Bộ GTVT trong phối hợp với các địa phương để triển khai trong thời gian vừa qua.

Trong suốt thời gian thực hiện các dự án, mỗi khi có khó khăn vướng mắc, Thủ tướng cùng các Phó thủ tướng cũng luôn sát sao với những chỉ đạo, quyết liệt kịp thời, giao thời hạn cụ thể để các cơ quan, bộ, ngành liên quan thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng có cách tiếp cận mới, năng động, sáng tạo.

Mặt khác, để có bước đột phá này không thể không kể đến sự chủ động, phản ứng kịp thời của Quốc hội. Điều đó thể hiện ở những kỳ họp bất thường hay việc ban hành những cơ chế đặc thù, dành cho dự án giao thông.

Có thể khẳng định, việc phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Điều đó đã giúp nền kinh tế đất nước vượt qua nhiều khó khăn, đạt nhiều thành tựu, trong đó hạ tầng giao thông có đóng góp rất lớn.

Hiện nay, dù rất ưu tiên cho các dự án giao thông trọng điểm, song cũng phải nhìn nhận rằng ngân sách là có hạn. Vì thế, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đầu tư các dự án mới, cần tiếp tục sửa đổi thể chế, đề ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư, làm sao có thể thu hút nhiều nhất các nguồn lực xã hội đầu tư vào dự án giao thông.

Không chủ quan, say sưa với thắng lợi

Ngày 28/12/2023, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành, nhiều ủy ban của Quốc hội đã tới dự.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn thách thức, nhiều diễn biến phức tạp vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành GTVT.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng cho biết, năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Nhờ tập thể đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.

Cho rằng bên cạnh những thành tựu vẫn còn những vấn đề hạn chế cần giải quyết, Thủ tướng nhấn mạnh, không được say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan, luôn nỗ lực, cố gắng hơn nữa.

Trong năm 2024, Thủ tướng cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ GTVT, đồng thời nêu rõ một số vấn đề trọng tâm cần ưu tiên tập trung, gợi mở cách làm để ngành GTVT tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.