Hạ tầng

Vượt khó thi công, tăng ca đẩy tiến độ cầu Xóm Bóng

25/06/2023, 13:51

Khó khăn địa hình, địa chất phức tạp không cản được bước thi công cầu Xóm Bóng (TP Nha Trang, Khánh Hòa).

“Bẫy đá” dưới lòng sông

Giữa cái nắng gay gắt, cộng hưởng cái nóng phả ra từ sắt thép, cấu kiện bê tông, những tấm lưng đẫm mồ hôi vẫn miệt mài gấp rút thi công cầu Xóm Bóng bắc qua dòng sông Cái.

Có mặt tại mố cầu phía Bắc, trên địa phận phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) PV Báo Giao thông thấy, nơi đây có nhiều kỹ sư, công nhân cùng máy móc, thiết bị đang tất bật thi công để sớm thông xe kỹ thuật, đáp ứng sự mong mỏi của người dân ở 2 bên bờ sông Cái.

img

Công nhân "đội nắng" thi công công trình cầu Xóm Bóng

Quệt vội mồ hôi trên trán, kỹ sư Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Ban công nghệ, Tập đoàn Cienco4 cho biết, quá trình thi công địa chất gặp một số vấn đề, có những cọc nhồi bình thường chỉ cần 2 ngày là đóng xong nhưng ở đây, có những cọc phải đóng mất gần nửa tháng, anh em phải bố trí thợ lặn điều chỉnh nhiều lần. Vị trí có gặp khó nhất là trụ cầu số 7. Loay hoay cả tháng trời mà vẫn không hoàn thành bao trụ, bởi đá và bê tông cũ chìm dưới bùn lâu ngày không thể trục vớt.

img

Vị trí trụ cầu số 7 được đơn vị thi công cho là "xương" nhất vì dưới đáy sông có nhiều chướng ngại vật

Cầu Xóm Bóng nằm trên QL1C, nối phường Vĩnh Phước với Xương Huân của TP Nha Trang. Dự án có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng do Ban QLDA 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Liên danh Samwhan - Cienco 4. Theo thiết kế, cầu Xóm Bóng mới dài gần 330m, rộng 19m, 8 nhịp, với 4 làn xe, cách cầu cũ 6m về phía hạ lưu sông Cái.

Theo Ban QLDA 2, sự sai khác về địa chất và đặc biệt tính chất đá tại khu vực sông Cái nơi dự án đang thi công rất phức tạp, chủ yếu là đá gốc, nhà thầu đã đưa vào các dây chuyền khoan cọc nhồi tiên tiến hiện nay, nhưng không đáp ứng và bắt buộc phải sử dụng phương pháp giã đá thủ công. Vì vậy, tiến độ thi công cọc khoan nhồi bị kéo dài.

img

Mặt bằng thi công chật hẹp, phần đầu cầu bờ phía Nam ảnh hưởng đến tiến độ của các dây chuyền thi công, khó thi công đồng loạt các hạng mục

Để thực hiện thi công công trình cầu Xóm Bóng, nhà thầu đã huy động đến công trường một khối lượng vật tư, thiết bị rất lớn. Cùng với đó, triển khai đồng loạt 4 mũi thi công dưới nước (ở trụ 4, 5, 6 và số 7), 2 mũi thi công trên bờ (mố A2, đường đầu cầu và tường chắn, cống hộp bờ phía Nam) và 1 mũi thi công đúc dầm. Tổng nhân lực đã huy động khoảng 120 công nhân, đảm bảo thi công 3 ca liên tục.

Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành lắp đặt phiến dầm và hoàn thành bản mặt cầu của 3 nhịp, lao lắp nhịp dầm số 4, hoàn thành mố A1, đang thi công trụ 5,6,7. Riêng trụ số 7 hoàn thành 10/12 cọc nhồi, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023. Đơn vị cũng đã đúc 40/64 phiến dầm đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra.

“Từ nay đến hết tháng 6, nhà thầu tiếp tục huy động nhân lực và thiết bị triển khai đồng loạt các mũi thi công, đảm bảo thi công liên tục 3 ca 4 kíp theo yêu cầu tiến độ của hợp đồng. Trong đó, chúng tôi tập trung thi công móng cọc tại mố A2 và trụ số 7, lao dầm nhịp số 4. Dự kiến, sản lượng thực hiện đến ngày 30/6, đạt 75% giá trị hợp đồng”, kỹ sư Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Ban Công nghệ, Tập đoàn Cienco4 nói.

Thông xe kỹ thuật công trình vào tháng 9

Đại diện Ban QLDA 2 cho biết, trong quá trình thi công cầu gặp nhiều khó khăn, việc thi công cọc khoan nhồi tại mố A2 (bờ phía Nam) gần khu vực các hộ dân nên việc thi công ảnh hưởng rung, gây tiếng ồn, các hộ dân đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh biện pháp và thời gian thi công dẫn đến tiến độ bị ảnh hưởng do thực hiện vào ban ngày, thi công cọc khoan nhồi bị kéo dài.

Trong quá trình thi công trụ số 5 và số 7, Ban QLDA 2 phát hiện nhiều chướng ngại vật dưới lòng sông nằm trong phạm vi thi công nên đã cho thợ lặn khảo sát, rà soát và trục vớt để thanh thải đảm bảo đủ điều kiện thi công.

img

Cầu Xóm Bóng sớm thông xe kỹ thuật sẽ đáp ứng sự mong mỏi của người dân ở 2 bên bờ sông Cái

Cùng với đó, mặt bằng thi công chật hẹp, phần đầu cầu bờ phía Nam gồm nhiều hạng mục công trình (mố cầu, tường chắn, cống hộp, đường gom), nhưng do vị trí công trình nằm sát khu vực đông dân cư nên không thể mở rộng. Do đó, mặt bằng phục vụ thi công rất chật hẹp, ảnh hưởng đến tiến độ của các dây chuyền, khó thi công đồng loạt các hạng mục.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Ngọc Lân, Phó giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, rất nhiều đá gốc, nhiều tảng bê tông từ cầu cũ bị bom đạn sập xuống, lặn sâu dưới bùn đáy sông. Việc thi công gần cửa biển mỗi khi có sóng biển đánh vào làm sà lan dịch chuyển nên cần cẩu đặt trên để đóng cọc nhồi lại bị rung lắc.

Hiện, nhà thầu đã lao được 7 dầm với 4/8 nhịp, đầu tháng 7/2023 sẽ lao dầm nhịp thứ 5. Với mục tiêu đến tháng 9 tới sẽ thông xe kỹ thuật và hoàn thiện vỉa hè, lan can, đấu nối hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện…

img

Cầu Xóm Bóng hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho cầu Trần Phú, hiện là độc đạo nối trung tâm với phần phía Bắc của TP Nha Trang

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, Sở đã đề nghị Ban QLDA 2 chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát nghiên cứu xây dựng thi công đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường máy móc, thiết bị và nhân lực; bổ sung thêm các mũi thi công để rút ngắn thời gian thi công bù, đạt mục tiêu đến ngày 2/9 đủ điều kiện thông xe dự án.

Cầu Xóm Bóng cũ nằm trên tuyến QL1C có chiều dài 309m, gồm 15 nhịp, được đưa vào sử dụng từ năm 1969. Tháng 4/1975, cầu bị trúng bom ở nhịp số 10. Sau đó, cầu được sửa chữa nhưng chỉ đi được một làn xe về phía Đông, tải trọng qua cầu giảm. Năm 1985, Bộ GTVT cấp vốn, vật tư, Sở GTVT Khánh Hòa thiết kế và thi công, sửa chữa cầu hoàn chỉnh. Đến ngày 25/1/1986, cầu Xóm Bóng chính thức thông xe.

Công trình cầu Xóm Bóng mới được xây dựng để thay thế cầu cũ nhằm đáp ứng lưu lượng xe cộ và người qua lại ngày một tăng trên tuyến QL1C. Tạo cảnh quan và diện mạo mới khang trang cho khu vực xung quanh Tháp Bà Ponagar là địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.