Hàng hải

Xây dựng quy định riêng quản lý hoạt động du thuyền

09/11/2023, 20:32

Bộ GTVT nhận định, du thuyền là loại hình phương tiện có những đặc thù riêng, cần phải có quy định cụ thể về chứng chỉ chuyên môn, chương trình đào tạo.

Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hàng hải VN đang được Bộ GTVT lấy ý kiến việc quản lý hoạt động du thuyền.

Theo Bộ GTVT, du thuyền là một loại phương tiện thủy đã được sản xuất đưa vào khai thác từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, phục vụ hoạt động du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí ở trên biển, ven biển, hồ, đầm, vịnh…

Nghiên cứu xây dựng quy định về quản lý hoạt động du thuyền - Ảnh 1.

Bến du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang.

Tại các quốc gia, du thuyền cá nhân và hiệp hội du thuyền đã phát triển rất lớn mạnh. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, du thuyền có thể đăng ký theo quy định là tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa và chịu sự quản lý của Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa hoặc Sở Giao thông vận tải tương ứng với hình thức đăng ký.

Theo thống kê, số lượng du thuyền hiện nay đăng ký là tàu biển có 3 du thuyền (du thuyền Hòa Bình Carrara, du thuyền My Little Princess, du thuyền Sunshine). Các du thuyền còn lại đăng ký phương tiện thủy nội địa tại Sở GTVT.

Bộ GTVT nhận định, du thuyền là loại hình phương tiện có những đặc thù riêng, cần phải có quy định cụ thể về chứng chỉ chuyên môn, chương trình đào tạo, quy hoạch bến du thuyền... cho loại hình này.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Bộ luật và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể mà đang áp dụng những quy định, tiêu chuẩn, chứng chỉ vận hành như đối với tàu khách.

"Nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên và tạo môi trường pháp lý cho loại hình du thuyền hoạt động, đảm bảo an toàn, việc nghiên cứu, xây dựng quy định về quản lý hoạt động du thuyền trong vùng biển Việt Nam là cần thiết và phù hợp trong tình hình hiện nay", dự thảo nhấn mạnh.

Trước đó, Cục Hàng hải VN đã có báo cáo gửi Bộ GTVT liên quan tới loại hình du lịch bằng du thuyền.

Cụ thể, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền (QCVN 81: 2014/BGTVT và Sửa đổi 1: 2017 QCVN81: 2014/BGTVT), du thuyền được định nghĩa là "Tàu vui chơi, giải trí là bất kỳ dạng tàu nào không được sử dụng vào mục đích thương mại và dự định chỉ sử dụng để phục vụ giải trí".

Ngoài ra, "Du thuyền là tàu vui chơi giải trí, có boong và tự hành ngoại trừ tàu sử dụng bơi chèo, dự định để di chuyển trên mặt nước với người ở trên và có không gian kín đủ cho toàn bộ số người trên tàu được chứng nhận chở".

Như vậy du thuyền là loại không được sử dụng vào mục đích thương mại và dự định chỉ sử dụng để phục vụ giải trí. 

Trong khi đó, các quy định về quản lý không có quy định riêng cho loại hình du thuyền không tham gia thương mại, dẫn đến nhiều quy định với loại hình du thuyền bị bất cập trong quản lý do được áp dụng như các tàu thương mại.

Về bến cảng du thuyền, theo Cục Hàng hải VN, hiện mới có Bến cảng công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina do Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang đầu tư, khai thác và được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung cầu cảng B thuộc Bến cảng công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4.

Từ đây, Cục Hàng hải VN kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Hàng hải VN chủ trì phối hợp với Cục Đăng kiểm VN, Cục Đường thủy nội địa VN nghiên cứu xây dựng Đề án quản lý du thuyền trong năm 2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.