Kinh tế

Xử lý 15.212 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới

29/06/2016, 18:24

“Chạy” theo mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn trước...

16

Đường nông thôn mới tại xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên - Ảnh: Tạ Tôn 

Sáng 28/6, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình NTM) đã tổ chức hội nghị sơ kết kết quả 6 tháng đầu năm 2016 và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.

Chưa có giải pháp xử lý nợ đọng

Tới dự hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình NTM nhận định: Ít có chương trình quốc gia nào lại đi nhanh vào cuộc sống, trở thành phong trào như xây dựng NTM. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã tạo sự đột phá lớn về công trình hạ tầng nông thôn, nâng cao vật chất và tinh thần của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình NTM, tính đến hết tháng 5/2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 22%); còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,65%); 23 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Về nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, báo cáo nhanh của các địa phương đạt khoảng 263.127 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư đã bố trí 7.374 tỷ đồng, phần còn lại vốn địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.

Không chỉ nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, theo Ban Thi đua khen thưởng T.Ư, hiện nay, ngân sách còn đang “nợ” thưởng các địa phương theo Quyết định 1620 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng NTM”. Cụ thể, số tiền nợ đối với 57 huyện, 521 xã, hiện khoảng 1.482 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Chương trình NTM hiện đang xuất hiện tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương. Theo đánh giá, đây là vấn đề lớn, tới nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Cụ thể, tới thời điểm hiện tại, tổng số nợ đọng tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khoảng 15.212 tỷ đồng. Để giải quyết tình trạng này, mới đây, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình NTM đã thành lập ba đoàn công tác do ba thứ trưởng của các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT làm trưởng đoàn công tác đi khảo sát kỹ tại một số địa phương tập trung tại ba khu vực có mức nợ đọng cao nhất (Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc), để nắm bắt tình hình và có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng cùng Trưởng ban chỉ đạo xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để xảy ra tình trạng nợ đọng trên do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Theo đó, thủ tục giải ngân các phần việc, công trình xây dựng hiện vẫn còn rườm rà, phức tạp. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải đẩy nhanh tiến độ, rút gọn các thủ tục đừng để kéo dài thực trạng “có tiền mà... không tiêu được”. Về phía địa phương, tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu 22% xã chuẩn NTM, nhiều nơi, chính quyền đã kêu gọi doanh nghiệp ứng trước, trong khi kinh phí phân bổ trung hạn, huy động vốn xã hội lại chưa đạt như mong muốn...”. Nhìn lại, tình trạng nợ đọng vốn chỉ tập trung tại một số tỉnh, không nên cào bằng cần có phân tích rút kinh nghiệm để xử lý. Nếu phát hiện địa phương nào cố tình chạy theo thành tích, huy động vốn không đúng... cần phải xử lý quyết liệt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng đề án riêng cho các xã khó khăn, miền núi

Nói về mục tiêu của Chương trình NTM từ nay tới năm 2020 với 50% xã đạt chuẩn NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Những địa phương có khả năng triển khai, chúng ta đã làm xong, số còn lại đa phần là những xã thuộc vùng khó khăn, miền núi. Vì vậy mục tiêu đề ra là hết sức khó khăn”.

Được biết, để đạt chuẩn NTM, các xã đều phải đáp ứng bộ tiêu chí bao gồm 19 nội dung. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế T.Ư) hiện nay, cả nước vẫn còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc. “Đối với khu vực khó khăn, nên có đề án riêng để bố trí nguồn vốn, đảm bảo công bằng bởi khả năng đóng góp của các xã ven đô, đồng bằng cao hơn, trong khi người dân miền núi thu nhập thấp, gặp khó khăn trong việc xây dựng NTM”, ông Tiến kiến nghị.

Để tránh hình thức, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá lại bộ tiêu chí xây dựng NTM cho phù hợp hơn với yếu tố vùng, miền. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Thanh Long cho biết, không phải nơi nào cũng có quỹ đất, kinh phí để xây nhà văn hóa hay sân vận động... Chính vì thế mới có tình trạng những xã đã đạt chuẩn NTM, hiện trạng “nợ tiêu chí” vẫn còn. “Đạt chuẩn rồi nhưng vấn đề duy trì các tiêu chí ra sao, theo hướng như thế nào... vẫn chưa được đánh giá cụ thể. Đặc biệt, đối với những tiêu chí biến động như thu nhập hay môi trường, cần có những cập nhật sát sao hơn”, ông Long nói.

Lắng nghe những kiến nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đề ra tiêu chí như thế nào thì cũng phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng mà Chương trình NTM hướng tới là nâng cao đời sống, gia tăng việc làm và thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Ngay sau đây, cần phải tập trung rà soát bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, xây dựng cơ chế đặc thù cho các vùng khó khăn, nhất là miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ...”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.