An ninh hình sự

Xử lý hành vi báo chốt, livestream CSGT làm việc thế nào?

15/11/2023, 18:43

Đăng lên mạng xã hội vị trí và cảnh làm việc của cảnh sát có thể bị phạt tiền hoặc có thể bị xem xét xử lý hình sự.

Công an Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, nhiều nhóm trên mạng xã hội có hành vi đăng tải nội dung thông báo vị trí các chốt làm việc của các lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), cảnh sát 141. 

Đáng chú ý, một số thanh, thiếu niên còn tụ tập xung quanh các chốt của các tổ CSGT chéo địa bàn hay tổ công tác 141, dùng điện thoại phát trực tiếp (livestream) lên mạng xã hội.

Cơ quan chức năng khẳng định, kế hoạch làm việc của các lực lượng này được giữ bí mật để đấu tranh, trấn áp tội phạm trên đường phố, ngăn chặn các hành vi có dấu hiệu phát sinh tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Livestream nơi làm việc của CSGT lên mạng xã hội bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều thanh niên có dấu hiệu gây rối trật tự tại nơi cảnh sát lập chốt.

Theo quy định, người dân có quyền giám sát các hoạt động của lực lượng CSGT hay tổ công tác 141. Tuy nhiên, Công an Hà Nội khuyến cáo việc giám sát phải tuân thủ pháp luật.

Còn hành vi thông báo chốt, đăng bài lên mạng xã hội (kể cả việc báo chốt kiểm tra nồng độ cồn bằng tiếng lóng) về vị trí làm việc của cảnh sát là hành vi có dấu hiệu gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của lực lượng thực thi công vụ. 

Thậm chí, báo chốt cảnh sát lên mạng xã hội còn gây ảnh hưởng đến công tác của lực lượng công an khi cần đấu tranh, mở rộng các vụ án, có thể tạo điều kiện cho tội phạm biết mà lẩn trốn.

Trên thực tế, nhiều trường hợp thông báo chốt cảnh sát lên mạng xã hội đã bị xử phạt hành chính theo điểm e, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi, thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người nào thực hiện hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở những nơi công cộng mà gây mất trật tự công cộng, sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Người có hành vi tổ chức, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động những người khác gây rối trật tự công cộng, sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc Chống người thi hành công vụ.

Do đó, Công an Hà Nội đề nghị người dân không tụ tập tại các vị trí bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng CSGT nói chung, các Tổ công tác 141 nói riêng để bảo đảm TTATGT và không cản trở lực lượng thi hành công vụ.

Ngoài ra, người dân không đăng bài viết, đăng thông tin, hình ảnh, clip về các vị trí cảnh sát làm việc lên mạng xã hội; không tham gia bình luận, cổ vũ cho các hành vi vi phạm trật tự ATGT và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.