Vận tải

Xử lý nghiêm xe trá hình, sửa đổi luật để tạo công bằng trong vận tải khách

24/02/2023, 15:42

Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc xử lý nghiêm xe trá hình cần sửa đổi một số điều luật để tạo công bằng trong kinh doanh vận tải.

Tọa đàm về "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về vận tải khách theo tuyến cố định và bến xe khách" diễn ra tại Đà Nẵng sáng nay (24/2) đã nêu lên những giải pháp đối với tình trạng xe khách tuyến cố định... bỏ bến.

img

Quang cảnh tọa đàm.

Xe hợp đồng “chết yểu” vì xe trá hình

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay xe khách tuyến cố định đã và đang dần bỏ bến ra ngoài chạy vòng vo tìm khách, gom khách. Số lượng xe vào bến giảm đáng kể, số lượng hành khách đến bến giảm khoảng 20 - 50% so với trước, nhiều bến xe rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu. Mặt khác, xe hợp đồng phát triển mạnh (khoảng 175.000 xe) rất khó kiểm soát, nhất là loại xe limousine các tuyến đường ngắn.

“Thực tế, loại xe 16 chỗ ngồi nguyên bản đón khách từ các làng, bản đi khám, chữa bệnh đến tận bệnh viện, chuyên chở học sinh, sinh viên hoặc các đối tượng khác đến tận nơi cần đến, với số lượng loại phương tiện tham gia vận chuyển hành khách lên đến vài nghìn xe”, báo cáo nêu.

Cũng theo báo cáo, những xe này chạy rất sớm, vào khoảng 2-3h sáng nên đường vắng, xe chạy nhanh, ẩu nên nguy cơ TNGT rất cao. Mà vụ TNGT tại Quảng Nam làm 10 người chết là một minh chứng cho thấy tình trạng trên.

img

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải - phương tiện - người lái (Cục Đường bộ VN)

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe khách Bắc Giang cho biết, tại tỉnh này số lượng xe hợp đồng “trá hình” nhiều gấp 8 lần số lượng xe hoạt động theo tuyến cố định. Những nhà xe trá hình công khai bán vé qua số điện thoại, zalo, facebook… trước đây chỉ dùng các xe 9 chỗ, 12 chỗ thì nay thậm chí dùng cả xe giường nằm để hoạt động nhưng không bị xử lý triệt để. “Loại hình này ngày càng hoạt động mạnh và biến tướng, “bóp chết xe tuyến cố định”, ông Dũng cho hay.

“Thuận lợi của xe trá hình là đón, trả khách tận nơi. Do đó, nếu cơ quan quản lý thừa nhận xe trá hình tiện lợi và được khách hàng lựa chọn thì phải sửa quy định, văn bản pháp luật. Còn nếu chưa thể sửa các quy định thì phải dẹp cho được “xe trá hình””, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ cho biết, tại địa phương, ngoài xe tuyến cố định thì xe hợp đồng trá hình, xe cá nhân không đăng ký kinh doanh chạy hợp đồng khống, xe tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy hợp đồng trá hình… đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho bến xe và các xe tuyến cố định, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT - ATGT, dễ hình thành nạn bến cóc, xe dù.

Cần sửa luật để kiểm soát chặt xe trá hình

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp sửa đổi, bổ sung một số điều thực tiễn để đưa vào quản lý, xử lý đến nơi đến chốn các vi phạm, thiết lập trật tự ATGT, trật tự vận tải trên cả nước. Ông Mạnh đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tham mưu, trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008.

Cụ thể là sửa đổi Điều 83 luật này với nội dung “Bỏ quy định UBND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến" để bến xe được kê khai giá theo quy định của Luật Giá như loại hình kê khai giá cước vận tải hành khách.

Ông Mạnh đề xuất cần xem xét đưa xe hợp đồng, xe buýt vào bến xe đón, trả khách như xe tuyến cố định để quản lý, nâng cao vai trò phục vụ nhân dân, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, tạo điều kiện cho công tác kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phát triển văn minh, hiện đại hóa trong lĩnh vực đường bộ, đây là mô hình khép kín liên hoàn, xe hợp đồng có nhà chờ, xe buýt vận chuyển hành khách từ nội ô kết nối với xe tuyến cố định để đi tiếp các tỉnh, thành phố và ngược lại…

img

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Quảng Nam khiến 10 người tử vong

Trong khi đó, ông Ngô Minh Định, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải - phương tiện - người lái (Sở GTVT tỉnh Bắc Giang) cho rằng, phải đề xuất sửa đổi Nghị định 10 do chưa bao quát hết các loại hình kinh doanh vận tải và các loại hình phát sinh; cần phân cấp quản lý về cấp quận, huyện, gắn trách nhiệm lãnh đạo quận huyện trong việc xử lý xe dù, bến cóc vì những loại hình gây mất trật tự vận tải dẫn đến mất ATGT. Đồng thời, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh, thành phố giao cho quận, huyện quản lý một số loại hình vận tải. Ngoài việc phân cấp phải gắn trách nhiệm cho địa phương trong việc quản lý.

Vị Phó phòng này cũng đề nghị bắt buộc mỗi địa phương phải thành lập 1 hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp vận tải phải tham gia hiệp hội để quản lý.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải - phương tiện - người lái (Cục Đường bộ VN) cho biết, Cục đang tham mưu Bộ GTVT sửa đổi Nghị định 10 và Bộ sẽ bổ sung vào chương trình văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm. Sau khi Bộ ban hành chương trình, Cục Đường bộ sẽ có dự thảo dựa trên cơ sở tọa đàm này cũng như góp ý của các Sở GTVT.

Trên cơ sở ý kiến của các bến xe, cơ quan quản lý, trước mắt đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP về cấp phép tuyến mới, chế tài xử phạt, thời hạn phù hiệu, sửa các vấn đề về xe hợp đồng, lệnh vận chuyển, sửa vấn đề về cự ly của tuyến…

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay xe tuyến cố định bị quản lý chặt, còn xe hợp đồng quản lý lỏng lẻo. Sắp tới sẽ kiến nghị việc lưu lượng xe tuyến cố định chạy trên tuyến sẽ là thỏa thuận, hợp đồng giữa nhà xe với bến xe, đối tác để hạn chế phiền hà cho doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ tiếp thu ý kiến của các bến xe, các đơn vị quản lý Nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.