Thị trường

Xuất khẩu đón nhiều tín hiệu tích cực đầu năm mới

10/02/2024, 15:57

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tăng trưởng sau thời gian dài ảnh hưởng do Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Những ngày đầu năm 2024, nhà máy sản phẩm ốp lát của Amy Grupo tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, vẫn rộn ràng tiếng máy. Công nhân được chia ca, chia kíp làm việc để vừa đón Tết, vừa chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới như Peru, Argentina, Uruguay, Nhật, Pháp, Mexico, Yemen, Singapore, Tây Ban Nha… Đây là các thị trường công ty đã "khai phá" được trong năm 2023.

Ông Trần Tuấn Đại, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, năm 2023 doanh thu xuất khẩu tăng 138%. Sản phẩm của Amy Grupo hiện có mặt ở hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ…

Xuất khẩu nhận nhiều tín hiệu tích cực ngay đầu năm 2024- Ảnh 1.

Amy Grupo chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu.

Theo ông Đại, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, Amy Grupo vẫn tăng trưởng là nhờ tái cấu trúc, tìm hướng đi riêng cho mình nhằm bảo toàn được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, khách hàng, thị trường. Bởi vậy, ông tự tin về kế hoạch tăng trưởng cao hơn vào năm 2024 khi kinh tế đã có những tín hiệu "dễ thở".

Khi được hỏi về mục tiêu năm 2024, nhiều doanh nghiệp khác cũng bày tỏ kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay sau khi trải qua thời gian hậu Covid-19 và vượt gió ngược về cả kinh tế và chính trị. Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 64 tỷ USD. Riêng xuất khẩu tăng 42%, đạt 33,57 tỷ USD - mức tăng cao nhất từ tháng 9/2022.

Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Đà tăng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1 (kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước).

Với nhóm hàng nông, thủy sản, Bộ Công thương đánh giá tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9,1% tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 9,6 tỷ USD, tăng gần 55,8% cùng kỳ. Các thị trường xuất hàng truyền thống như Trung Quốc, EU, hay Nhật Bản cũng lần lượt tăng 58%, 18% và 40%...

Kỳ vọng khởi sắc

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay các mặt hàng xuất khẩu đều đang tăng tốc, báo hiệu một năm khả quan. Trong đó, xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52-81% tùy mặt hàng. Đặc biệt xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%...

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm đến thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân, sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Tuy nhiên, muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này, Việt Nam phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu.

Ngoài Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cũng xác định Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm. Tới đây, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... đồng thời, tận dụng các hiệp định đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.

Xuất khẩu nhận nhiều tín hiệu tích cực ngay đầu năm 2024- Ảnh 2.

Xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường và ngành hàng.

Dự báo xuất khẩu năm nay vẫn đối diện nhiều thách thức do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt và căng thẳng Biển Đỏ leo thang, Bộ Công thương cho biết ngoài kích cầu tiêu dùng nội địa, cơ quan này sẽ cùng các cơ quan thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, tạo năng lực sản xuất mới.

Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu để chủ động có phương án, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.

Các chuyên gia nhận định xuất khẩu là động lực quan trọng đối với tăng trưởng GDP nhưng cũng cần nghĩ đến việc đa dạng hóa thị trường bởi các thị trường truyền thống của Việt Nam đang giảm sút.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên bất cứ vấn đề bất ổn nào xảy ra tại quốc gia này đều có ảnh hưởng trực tiếp. Muốn giữ vững đà tăng trưởng, xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường. Ngoài sản phẩm xuất khẩu chủ lực như linh kiện, điện thoại, thiết bị di động, Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển những mảng khác như đồ nội thất hay nông sản.

Còn để gia tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng này, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao sản lượng và giảm chi phí, ưu tiên phát triển hạ tầng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.