Thị trường

Xuất khẩu lao dốc, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp vẫn chốt mục tiêu 55 tỷ USD

03/07/2023, 20:58

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, hết năm có thể xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 54-55 tỷ USD.

Mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD sẽ đạt được

Tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 ngày 3/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, vẫn có 7 nhóm mặt hàng của ngành nông nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả và gạo ghi nhận mức tăng trưởng đột phá, lần lượt là 64,2% và 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định, dù 6 tháng qua có nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn còn những điểm sáng xuất khẩu.

“Việt Nam có diện tích về trồng trọt không lớn nhưng giá trị xuất khẩu rau quả không thua kém các nước, nông sản đi tất cả các nước và vùng lãnh thổ”, ông Cường nói.

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Tại họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu 6 tháng cuối năm chúng ta giữ được nhịp độ này thì dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Nếu làm tốt công tác giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, thì trong tương lai, con số 10 tỷ USD xuất khẩu rau quả khẳng định sẽ đạt được.

Với mặt hàng gạo, hiện giá gạo của chúng ta cao xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Chúng ta cũng đang chuẩn bị 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải. Năm ngoái, chúng ta xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, với trị giá 3,49 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD… Như vậy, tính chung cả năm sản lượng dự kiến sẽ đạt chắn trên dưới 8 triệu tấn, thu về chắc chắn trên 4 tỷ USD.

Về thủy sản, xuất khẩu vẫn còn giảm sâu. Tuy nhiên, chuyến đi khảo sát vừa mới đây cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp sản xuất cá tra, tôm bắt đầu cho công nhân tăng ca sản xuất để trả đơn hàng. Thế nên, năm nay xuất khẩu thủy sản vẫn đạt mục tiêu 10 tỷ USD.

Còn về thị trường, ông Tiến cho rằng, vài năm trước Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực, đứng đầu, song trong 6 tháng đầu năm nay Trung Quốc vươn lên đứng thứ nhất. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; thị trường Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Những con số trên cho thấy, Trung Quốc là thị trường chủ lực, đơn hàng bùng nổ…

Với những dấu hiệu trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định "những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD sẽ đạt được".

Cần thay đổi cả cách điều hành và sản xuất

Tuy nhiên, ông Tiến lưu ý, thị trường đã có sự thay đổi nên công tác điều hành của cơ quan chức năng phải linh hoạt, còn doanh nghiệp cần điều chỉnh sản xuất hàng hóa để tập trung vào những điểm sáng.

Thừa nhận để đạt được mục tiêu 54-55 tỷ USD không dễ trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay: Bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.

img

Xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc tăng mạnh

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.

“Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký và doanh nghiệp này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.

Do đó, chúng ta cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường.

“Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng chứ không bị thu hẹp lại”, ông Nguyễn Như Tiệp thông tin.

Nói thêm, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng, chúng ta cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

“Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm ngoái, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7-8%. Với mục tiêu đặt ra 54-55 tỷ USD, bên cạnh việc hoàn thiên các văn bản pháp luật, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại là hết sức quan trọng. Không có thị trường thì không sản xuất được”, ông Nguyễn Văn Việt thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.