Thị trường

Yêu cầu xử lý vi phạm điện mặt trời mái nhà lắp đặt sau 2020

31/08/2023, 15:27

Bộ Công thương đề nghị, các địa phương phối hợp với EVN để kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm trong đầu tư, lắp đặt ĐMTMN có sự liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc kiểm tra, rà soát, xử lý và cung cấp thông tin việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) sau năm 2020.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ: "Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMTMN của người dân và mái công trình xây dụng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu".

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN để tự sử dụng, tự sản tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Yêu cầu xử lý vi phạm điện mặt trời mái nhà lắp đặt sau 2020 - Ảnh 1.

Theo Quyết định số 13, giá mua ĐMTMN ở mức 8,38 cent một kWh, nhưng chính sách này đã hết hạn từ 31/12/2020.

Do vậy, để xây dựng chính sách cho loại hình ĐMTMN nêu trên, Bộ Công thương đề nghị các địa phương phối hợp với EVN kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm đối với việc đầu tư, lắp đặt ĐMTMN có sự liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay.

Ngoài ra, phải tổng hợp, báo cáo tình hình đầu tư, lắp đặt ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay. Báo cáo gửi về Bộ Công thương trước ngày 18/9/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp để xảy ra tình trạng phát triển ĐMTMN có sự liên kết với lưới điện quốc gia mất kiểm soát, thiếu sự quản lý của nhà nước, EVN, Bộ Công thương yêu cầu các địa phương và EVN tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, rộ lên những tranh cãi về phát triển nóng ĐMTMN để hưởng giá cao làm mất cân đối hệ thống, Bộ Công thương đã lập đoàn kiểm tra tại 10 đơn vị điện lực trên cả nước. 

Theo tài liệu của Báo Giao thông, kết quả kiểm tra cho thấy nhiều sai phạm ở các công ty điện lực tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai có 2 khách hàng sai phạm về thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công thương.

Ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công thương.

Tại Công ty Điện lực Bình Dương: Thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu.

Tại Công ty Điện lực Bình Phước: Vi phạm về thời gian trả lời, giải quyết chưa đúng quy định đối với 5 khách hàng; thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu đối với 3 khách hàng.

Theo đoàn kiểm tra, thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. 

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện việc thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống ĐMTMN. 

 Ngoài ra, còn có sai phạm trong việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định tại nhiều công ty điện lực…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.