Doanh thu "ông lớn" hàng hải VIMC đạt gần 18.000 tỷ đồng năm 2023
Năm 2023, doanh thu của Tổng công ty Hàng hải VN đạt gần 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt khoảng 2.084 tỷ đồng.
Vận tải, cảng biển cùng khó
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Hàng hải VN, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) thông tin trong năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn lớn vì những biến động của tình hình kinh tế thị trường.
Cụ thể, thị trường tàu hàng khô diễn biến tiêu cực, liên tục suy giảm trong năm 2023, sản lượng các mặt hàng chính như than, quặng, clinker, ngũ cốc sụt giảm nghiêm trọng.
Chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic - do Sở giao dịch Baltic trụ sở tại Luân Đôn công bố) có những thời điểm giảm xuống mức rất thấp, dao động ở mức 500 điểm (mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020).
Thị trường vận tải container chứng kiến sự suy giảm rất mạnh trong năm 2023 khi chỉ số World Container Index (chỉ số container thế giới) giảm liên tục, thậm chí giảm tới trên 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường vận tải tàu dầu sản phẩm mặc dù không còn ở mức cao như hồi cuối năm 2022 nhưng vẫn diễn biến khá ổn định nhờ nhu cầu hình thành các tuyến vận tải mới trước áp lực của các nước như Mỹ, EU đối với việc nhập khẩu dầu của Nga.
Khối cảng biển gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
"Hai thị trường xuất khẩu chính tại cụm cảng Cái Mép là Mỹ và châu Âu. Các mặt hàng xuất khẩu chính đều bị sụt giảm do lãi suất Mỹ tăng khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu mua sắm, hàng tồn kho cao dẫn đến giảm các đơn hàng ở các nước xuất khẩu như Việt Nam", ông Ánh chia sẻ.
Dù đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, song doanh nghiệp vẫn nỗ lực để đạt được những chỉ tiêu đặt ra. Sản lượng vận tải biển đạt 20,6 triệu tấn, bằng 116% so với kế hoạch năm 2023. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn, bằng 84% kế hoạch năm.
Năm 2023, VIMC có tổng doanh thu ước đạt 17.964 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận đạt 2.084 tỷ đồng, bẳng 90% so với kế hoạch.
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối chuỗi dịch vụ logistics
Thời gian tới, triển khai Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo VIMC cho biết doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kết nối chuỗi dịch vụ logistics của công ty.
Trong đó, dự án trọng điểm đang triển khai gồm dự án bến số 3, số 4 Lạch Huyện với tổng mức đầu tư 6.946 tỷ đồng đang gấp rút hoàn thành các gói thầu trong năm 2024, đảm bảo tiến độ dự án. Dự kiến, bến số 3, số 4 Lạch Huyện sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong quý I/2025.
Tổng công ty cũng cơ bản hoàn thành dự án nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn đưa vào khai thác thử nghiệm từ tháng 8/2023.
Hiện nay, doanh nghiệp đang hoàn thành bộ hồ sơ đề xuất đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Cảng Cần Giờ.
Đồng thời, với chiến lược phát triển mở rộng các ICD để tạo thành chuỗi dịch vụ logistics, trong năm 2023, VIMC đã nghiên cứu, phát triển một số ICD như dự án ICD Ninh Giang, Hải Dương, dự án ICD Lạch Huyện, ICD Bắc Ninh, ICD Bình Định.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035, VIMC đặt mục tiêu phát triển đội tàu thế hệ mới, chuyên dụng, có tính năng kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường, chuyển dịch cơ cấu đội tàu theo hướng tăng trọng tải tàu hàng container. Dự kiến đến năm 2025, sẽ đầu tư phát triển 8-10 tàu container từ 1.100 teus đến 3.000 teus; 12 – 15 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 DWT.
Hiện nay, doanh nghiệp đang duy trì và phát triển mở rộng thị trường các tuyến vận tải biển quốc tế như Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ và mở rộng cả thị trường nội địa Ấn Độ.
Đối với lĩnh vực cảng biển, doanh nghiệp sẽ đầu tư phát triển về chiều sâu đối với các cảng hiện hữu, hoàn thành các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị nhằm tăng lợi thế về quy mô; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.
Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi, ICD, Depot... hình thành các trung tâm logistics tại các khu vực kinh tế trọng điểm.
Trong bối cảnh ngành hàng hải thế giới đang đặt mục tiêu mạnh trong việc giảm phát thải ròng, Phó tổng giám đốc VIMC cho rằng với doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam nói chung và VIMC nói riêng, việc hướng tới sử dụng công nghệ xanh cho ngành vận tải biển là những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, các chủ tàu Việt Nam có tiềm lực tài chính rất hạn chế, trong khi chi phí để sở hữu được đội tàu sử dụng nhiên liệu xanh rất lớn. Trong khi, các nhà máy đóng mới ở Việt Nam chưa đủ năng lực để có thể đóng mới được những thế hệ tàu mới này, hoặc sẽ phải nhập khẩu công nghệ sẽ làm phát sinh tăng chi phí đầu tư lên rất cao.
Từ đây, doanh nghiệp kiến nghị được Chính phủ, bộ ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trong đó, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho chủ tàu, nhà máy đóng tàu để phát triển các thế hệ tàu mới eco-ship, và từng bước thay thế bằng tàu chạy bằng lưỡng nhiên liệu, có thể sử dụng cả HFO và nhiên liệu xanh như methanol, LNG hay Amoniac…
Cùng đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất và hệ thống dịch vụ cung ứng nhiên liệu xanh cho đội tàu vận tải biển.
Đặc biệt, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để triển khai việc sản xuất, quản lý vận hành cung ứng năng lượng xanh.