Lái xe an toàn

Học sinh, phụ huynh vẫn vô tư vi phạm Luật giao thông

11/03/2016, 10:04
image

Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành Văn bản số 932 nhưng nhiều học sinh vẫn vi phạm luật giao thông ngay tại cổng trường.

Untitled

Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành Văn bản số 932 tới các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học, nhưng nhiều học sinh vẫn vô tư vi phạm luật giao thông.

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà NộiVăn bản số 932 yêu cầu 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo đó, phụ huynh học sinh cũng phải ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện. Nếu học sinh, sinh viên vi phạm một lần sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm, vi phạm nhiều lần sẽ bị đình chỉ học có thời hạn.

Theo ghi nhận của PV Truyền hình Giao thông tại các cổng trường học sau những ngày văn bản được gửi tới các trường, nhiều trường hợp học sinh và phụ huynh vẫn vi phạm những lỗi giao thông điển hình như không đội mũ bảo hiểm, đèo hai, đèo ba, lạng lách đánh võng.

Có mặt tại trường THPT Yên Hòa thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vị Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, không chỉ đợi đến khi Văn bản số 932 được ban hành, hàng năm nhà trường đều tổ chức các cuộc vận động tuyên truyền nhắc nhở học sinh và phụ huynh, giáo viên chấp hành nghiêm túc và đưa ra các hình thức xử lý nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm nhiều lần.

Tuy nhiên, thực tế lại khác xa so với sự quyết liệt mà vị phó hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa đề cập. Một số em học sinh vẫn không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, thậm chí các em còn vô tư đi xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm ngay từ trong trường chứ chưa đợi đến ra ngoài đường.

Chủ trương của Văn bản số 932 cũng được các vị phụ huynh đồng tình ủng hộ bởi thông qua đây, gia đình và nhà trường sẽ quản lý các em học sinh, sinh viên tốt hơn trong việc chấp hành pháp luật giao thông.

Văn bản trên của Sở GD&ĐT Hà Nội có nhiều ưu điểm, được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía bao gồm gia đình, nhà trường và ý thức của chính các em học sinh, sinh viên.