Thế giới

10 sự kiện nổi bật thế giới 2018

29/12/2018, 07:23

10 sự kiện nổi bật thế giới 2018 do Báo Giao thông bình chọn.

52

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước chụp ảnh lưu niệm tại ngày Khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018

2018 được đánh giá là năm của những sự kiện quốc tế có tính chất lịch sử, gây ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống chính trị thế giới nhiều năm sau này. Xu thế hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Pháp, nhà báo Arab Saudi bị sát hại… nằm trong số những sự kiện nổi bật nhất năm. Xin giới thiệu 10 sự kiện nổi bật thế giới 2018 do Báo Giao thông bình chọn.

1. Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.

Diễn ra từ ngày 11-13/9/2018, với khoảng gần 60 phiên thảo luận, WEF ASEAN là nơi các nhà lãnh đạo, các DN hàng đầu thế giới cùng chia sẻ ý tưởng, góp phần vào sự chủ động vươn lên của ASEAN trong hành trình tự cường trước cuộc cách mạng 4.0.

Sau sự kiện, ông Borge Brende, Chủ tịch WEF đánh giá, đây là hội nghị thành công nhất từ trước tới nay, với sự lạc quan bao trùm hội nghị, nhất là qua các thông điệp được truyền đi khắp toàn cầu.

2. Olympics PyeongChang 2018

anh su kien 2

Hai miền Triều Tiên diễu hành chung khai mạc PyeongChang 2018

Thế vận hội giàu cảm xúc thể thao và ngoại giao là những từ để nói về sự kiện thể thao được tổ chức tại Hàn Quốc tháng 2/2018.

Đúng như kỳ vọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về một kỳ vận hội của hòa bình, lần đầu tiên các vận động viên từ hai miền trên bán đảo Triều Tiên cùng diễu hành dự lễ khai mạc Olympics PyeongChang 2018 dưới cùng một lá cờ thống nhất giúp sự kiện này trở nên đầy cảm xúc, tạo đà cho những bước đi đầu tiên cải thiện quan hệ liên Triều và mở đường cho đối thoại hòa bình.

3. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

53

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Ngày 12/6/2018, tại khách sạn Capella (Singapore), Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có màn bắt tay ngoại giao lịch sử đầu tiên kéo dài 12 giây, trước khi bước vào hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Hai nhà lãnh đạo của Washington và Bình Nhưỡng đã cùng nhau thống nhất và thông qua một tuyên bố chung, hứa hẹn sẽ cùng vượt qua các rào cản để phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Sự kiện này đánh dấu những thay đổi cơ bản trong mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều sau một quãng thời gian đầy căng thẳng và giúp đặt nền móng cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như toàn bộ khu vực châu Á.

4. Kết thúc kỷ nguyên Castro

anh su kien 4

Ông Miguel Diaz Canel trong lễ tuyên thệ nhậm chức

Quốc hội Cuba ngày 19/4/2018 tuyên bố bầu ông Miguel Diaz Canel, 58 tuổi, trở thành tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước của nước này, thay cho ông Raul Castro (87 tuổi), kết thúc 59 năm lãnh đạo của hai anh em trong gia đình cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Bắt đầu hoạt động chính trị khi mới ngoài 20 tuổi, ông Diaz Canel được bầu làm Phó chủ tịch nước Cuba vào năm 2013 và được đánh giá là người vững vàng với lý tưởng, một lòng một dạ tiếp nối và đi theo đường lối lãnh đạo của cố lãnh tụ Fidel Castro.

5. Ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 4

anh su kien 5

Tổng thống Putin 

Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đã tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 18/3. Trên cương vị lãnh đạo nước Nga ít nhất đến năm 2024, Tổng thống Putin đã và sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước cũng như chèo lái đất nước thoát khỏi bao vây cô lập quốc tế sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và các cáo buộc liên quan đến hoạt động tình báo Nga tại nước ngoài.

Ông Putin lần đầu tiên nắm quyền tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999 (sau khi Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố thoái vị) và đắc cử tổng thống lần đầu tiên 3 tháng sau đó. Kể từ đó, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã được vực dậy sau những năm hỗn loạn thời hậu Liên Xô.

6. Cuộc chiến “không tiếng súng” Mỹ- Trung

anh su kien 6

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Từ tháng 3/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang với các mức thuế đáp trả lẫn nhau. Chính quyền Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng chiêu áp đặt thuế lên hai mặt hàng công nghiệp chủ lực là nhôm và thép cũng như ký bản ghi nhớ áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 3/2018.

Chính sách của Washington có hiệu lực từ ngày 6/7/2018 đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, kéo theo động thái trả đũa của Bắc Kinh, áp thuế trở lại lên 34 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Kể từ đó, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp ra các chính sách thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ đối phương, đưa con số hàng hóa bị áp thuế tương ứng trị giá 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Căng thẳng giữa hai nước mới tạm “hạ nhiệt” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm ngày 1/12 vừa qua tại Argentina và đạt được thoả thuận “đình chiến thương mại” trong 90 ngày để đàm phán.

7. Bùng nổ căng thẳng Nga-Ukraine

anh su kien 7

Căng thẳng Nga - Ukraine

Căng thẳng âm ỉ từ năm 2014 giữa Nga và Ukraine bùng phát trở lại hôm 25/11/2018, khi cảnh sát biển Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine, bắt giữ 24 thủy thủy với cáo buộc xâm nhập vào lãnh hải Nga gần eo biển Kerch.

Chính phủ Kiev bác bỏ cáo buộc và cho rằng đây là hành động chiến tranh, từ đó, Ukraine đã tuyên bố lệnh thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại các vùng biên giới với Nga và lãnh hải Ukraine tại biển Azov.

8. Facebook liên tiếp vấp bê bối lộ dữ liệu người dùng

Mark Zuckerberg.

Ông Mark Zuckerberg.

2018 được đánh giá là năm bê bối của Facebook, khi mạng xã hội có cộng đồng người dùng lớn nhất thế giới liên tiếp bị phanh phui các sự cố để lộ thông tin người dùng.

Giữa tháng 12/2018, Facebook một lần nữa lên tiếng xin lỗi người sử dụng về sự cố để lộ thông tin, liên quan trực tiếp đến hình ảnh cá nhân của 6,8 triệu người bị các ứng dụng bên thứ 3 tiếp cận.

Trước đó, hồi tháng 4/2018, CEO Facebook Mark Zuckerberg trải qua 10 giờ chất vấn tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ về sự cố để lộ 87 triệu dữ liệu người dùng, liên quan đến công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica (của Anh).

Tuy nhiên, phiên điều trần đã không thành công.Thời gian hỏi và trả lời cho mỗi Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ tương ứng không quá 5 và 4 phút.

9. Phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Pháp

54
Những người biểu tình “Áo vàng” đốt phá ở Paris

Bắt đầu từ ngày 17/11/2018, phong trào biểu tình phản đối thuế xăng dầu ở đã leo thang thành bạo lực sau nhiều tuần, khiến cho giao thông tại thủ đô nước Pháp tê liệt, buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và lựu đạn cay để giải tán đám đông.

Không những trên toàn nước Pháp, phong trào biểu tình “Áo vàng” đang lan rộng sang các quốc gia khác ở châu Âu (như Anh, Áo, Italy, Bỉ, Hà Lan), châu Mỹ (Canada) và khu vực Trung Đông (Israel).

10. Vụ sát hại nhà báo Khashoggi

anh su kien 10

Ông Jamal Khashoggi

Ngày 2/10/2018, nhà báo lưu vong Jamal Khashoggi bị sát hại bởi một nhóm sát thủ đến từ Riyadh ngay sau khi bước vào Lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Vụ ám sát làm dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu do nhóm sát thủ bị cáo buộc có những hành động man rợ. Bên cạnh đó, Thái tử quyền lực Arab Saudi Mohammed bin Salman (MbS) bị nghi đứng sau vụ việc.

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Arab Saudi đã buộc phải thừa nhận việc sát hại Khashoggi là một âm mưu được lên kế hoạch. Công tố viên Riyadh đã truy tố 11 người, trong đó 5 nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.