Đời sống

3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn sắp được bổ sung chi tiết ra sao?

20/11/2019, 10:13

Nhằm thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn.

img
Nếu 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn được bổ sung sẽ thu thút sự tham gia của người lao động với loại hình BHXH này.

Chi tiết 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau 11 năm thực hiện BHXH tự nguyện, đến cuối năm 2018, cả nước có 270.000 người tham gia, chiếm khoảng 1,8% tổng số người tham gia BHXH, tương đương với khoảng 0,55% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện (khoảng 2,69 triệu người). Điều này đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm cần phát triển thêm trên 200.000 người tham gia mới.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh các giải pháp đang được thực thi, cần phải có những chính sách đột phá mới có thể hoàn thành mục tiêu Trung ương đặt ra. Trên thực tế, NLĐ thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện thường có thu nhập thấp và bấp bênh, nên khi gặp các rủi ro (ốm đau, bệnh tật, thai sản, nuôi con nhỏ, tai nạn...) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của họ, đây cũng là 1 trong nhiều nguyên nhân khó hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.

Trước thực tế đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ thí điểm 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt nhằm bảo vệ NLĐ trong khu vực phi chính thức và bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể: Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản (gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi về thai sản khi NLĐ sinh con. NLĐ khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH 1 lần);

Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau (gói BHXH tự nguyện này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi NLĐ gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH 1 lần);

Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em (gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH 1 lần).

Bên cạnh những ưu điểm thu hút sự tham gia của nhóm NLĐ đang trong độ tuổi sinh đẻ, NLĐ có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi gói cũng có những nhược điểm nhất định. Đơn cử: Gói BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi thì cần sự đóng góp thêm của NLĐ (1,5% và vẫn cần đến sự hỗ trợ của NSNN (với quy định tỉ lệ đóng 1,5% nên khó đảm bảo khả năng cân đối do tỉ lệ đóng này được ILO tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng tham gia).

Hướng tới mục tiêu thu hút đối tượng tham gia BHXH

Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho rằng, quá trình triển khai mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp không ít khó khăn, như: Mức đóng BHXH tự nguyện năm 2019 bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng). Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân. Trong khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ, thì BHXH tự nguyện bị hạn chế chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất cho dù mức đóng của hai nhóm này khác nhau; thời gian đóng tới 20 năm mới được hưởng lương hưu. Sự khác biệt này phần nào làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện.

Để tăng độ bao phủ BHXH tự nguyện, nhiều chuyên gia cùng đồng tình với đề xuất bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, cũng cần bổ sung chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về đối tượng bắt buộc tham gia BHXH (mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương) thay vì chỉ quy định áp dụng đối với người có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên như trong Luật BHXH hiện hành).

Đồng thời, rà soát tổng thể hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam để tích hợp các chính sách hiện hành theo hướng mở rộng quyền lợi của người hưởng trên cơ sở thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng và hưởng, chia sẻ, công bằng, bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.