Xã hội

Ân tình “xóm không chồng” dưới chân núi Thiên Sơn

19/11/2023, 05:53

Hơn 50 năm trước, cư dân của "xóm không chồng" dưới chân núi Thiên Sơn đều là những cô gái tuổi mười chín, đôi mươi.

Họ đi theo tiếng gọi của đất nước ra Quảng Ninh làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, rồi trồng cây, gây rừng, cho đến khi "quá lứa, lỡ thì"...

Nước mắt phận lỡ thì

Ở rẻo đất trong cùng của thôn Đông Tiến, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh giáp với đập Lựng Do, nơi hồ chứa nước Khe Giữa lớn đang được xây dựng, có một xóm nhỏ với hơn chục hộ dân nghèo sống bình dị, nương tựa vào nhau. Các chủ hộ đều là những phụ nữ độc thân, nên người dân gọi đó là "xóm không chồng".

Kể về lai lịch "xóm không chồng", bà Đặng Thị Ngọ (gần 70 tuổi) cho biết, quê bà ở TP Hải Phòng. Năm 1978, ở tuổi ngoài 20, bà tình nguyện lên đường ra khu vực biên giới của Quảng Ninh tham gia đào giao thông hào, hầm chông để bảo vệ biên giới. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, cô thanh niên xung phong Đặng Thị Ngọ đã cùng đồng đội có mặt hầu khắp những cánh rừng biên giới tham gia cản bước quân thù.

Khi yên tiếng súng, bà Ngọ cùng hàng ngàn nam, nữ thanh niên hành quân về vùng rừng núi huyện Hoành Bồ, TP Cẩm Phả làm nhiệm vụ mở đường, khai thác lâm sản và trồng cây gây rừng.

Ân tình “xóm không chồng” dưới chân núi Thiên Sơn  - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Ngọ trong căn nhà đầy đủ tiện nghi của mình giới thiệu về những tấm hình được chụp lại một thời gian khổ.

Đội của bà Ngọ được biên chế khoảng trên 100 người đến chủ yếu là nữ vào làm nhiệm vụ tại Đội Khe Hố với diện tích trên 4.000ha, gồm 3 tiểu khu: Tiểu khu 156 và 157 ở xã Hòa Bình, thuộc huyện Hoành Bồ (cũ); tiểu khu 169 ở xã Dương Huy, TP Cẩm Phả.

Cả đội với hơn trăm cô gái làm lán trại tạm bợ trong rừng sâu, nước thẳm rồi hết tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác cần mẫn mở đường, trồng rừng, khai thác gỗ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, khi những cây rừng vươn tán xanh mát, những cô gái thanh niên xung phong ngày nào đã trên 30 tuổi mà hầu hết, chưa ai có một mối tình vắt vai nào. Ban ngày lên non trồng rừng, chặt tre đốn gỗ, nhưng cuối ngày xuống núi toàn là phụ nữ buồn tẻ giữa rừng núi hoang vu.

"Ở nơi rừng sâu, núi thẳm, xa cách khu dân cư của đồng bào Dao, đồng bào Sán Dìu, nên họa hoằn lắm, chúng tôi mới thấy một vài người đàn ông là thợ săn truy đuổi thú rừng lướt qua. Có chị em thấy bóng đàn ông thì réo lên, gọi nhau đuổi theo, khiến những người thợ săn lo sợ phạm phải điều gì với chị em, nên chạy càng nhanh hơn", bà Ngọ kể.

Sống trong cảnh thiếu vắng đàn ông, một số chị, em còn trẻ, mới lên lâm trường đã lần lượt rời đội. Bà Ngọ lúc ấy đã hơn 30 tuổi, thời đó về quê cũng khó lấy chồng, nên lừng chừng rồi ở lại.

"Nhưng rồi trời thương, lần đó, ông ấy đi qua đội công tác rồi ở lại một đêm, tôi đã xin ông ấy một cơ hội. Nhờ đó, tôi mang thai và sinh được một cô con gái. Con bé như tiếp thêm niềm tin, nguồn sinh khí mới cho cả đội công tác", bà Ngọ tâm sự.

Lam lũ nơi rừng thiêng nước độc

Cách nhà bà Ngọ chừng hơn 100m là hộ của bà Phạm Thị Sùng (67 tuổi). Bà Sùng quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Thuở 19, đôi mươi, đẹp có tiếng trong làng, nhưng khi thấy thanh niên đi làm nhiệm vụ biên giới, cô thiếu nữ Sùng đã giấu gia đình làm đơn xung phong. Khi đã ra đến đơn vị, bà Sùng mới viết thư về báo với bố mẹ.

Năm 1986, sau khi ở nhiều nơi trên cánh rừng ở huyện Hoành Bồ cũ, bà Sùng được điều về đầu quân ở Đội Khe Hố. Cuộc sống nơi rừng thiêng, nước độc, ngày đêm lo sợ thú dữ rình rập đã khiến người phụ nữ vốn xinh đẹp ấy xuống nhan sắc nhanh chóng.

"Ngày ấy ở trong đội, có người bỏ về quê lấy chồng hoặc kiếm con. Những người ở lại có người may mắn lấy được người dân tộc ở bản địa rồi đẻ con, người thì chấp nhận cảnh "chui", xin lấy một người con của nam công nhân lâm trường hoặc lén lút với người đàn ông có vợ người dân tộc… Tôi may mắn cũng có được hai đứa con một trai, một gái", bà Sùng kể.

Bà cho biết, để một thân một mình nuôi hai đứa trẻ giữa rừng, bà được chị em ở "xóm không chồng" cưu mang, chung sức. Bởi ở nơi này, những công việc vốn nặng nhọc, dành cho lao động nam như xây nhà, chặt cây, vỡ đất, sửa chữa máy móc, điện nước... chị em đều mày mò học được hết.

Trong rừng thiêng, nước độc, các chị thay phiên nhau quanh năm địu trẻ con của xóm trên lưng xuyên rừng, vượt núi trồng rừng, không dám để con trên cành cây vì sợ thú dữ tha mất.

"Những đứa trẻ sinh ra ở "xóm không chồng" luôn được coi như những đứa con của cả xóm, được mọi người cùng yêu thương. Bởi ở đây, có không ít chị sống một mình đến lúc "nhắm mắt xuôi tay", thấy thương lắm", bà kể.

Cuộc sống dần đổi thay

Gần 20 năm trước, một cộng tác viên của báo Quảng Ninh đến gặp cảnh cuộc sống lam lũ của những người "không chồng mà có con" đã viết bài phản ánh, kêu gọi sự chung tay, góp sức của chính quyền, doanh nghiệp.

Công luận lên tiếng, nhiều đoàn công tác đã đến nơi ở của đội tại Khe Hố. 18 hộ dân "xóm không chồng" được cơ quan chức năng cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà ở thôn Đông Tiến.

"Từ chỗ sống trong rừng thiêng nước độc, nỗi lo thú dữ rình rập, được chuyển về nơi gần dân cư, được ở trong nhà xây, con trẻ được đến trường, chị em như vỡ òa vì hạnh phúc", bà Ngọ hớn hở khoe.

Ân tình “xóm không chồng” dưới chân núi Thiên Sơn  - Ảnh 2.

Dù tuổi đã cao, nhưng bà Phạm Thị Phiếc vẫn tận dụng quỹ đất của gia đình để tăng gia vừa cải thiện cuộc sống vừa rèn luyện sức khỏe.

Khi ra nơi ở mới, những cánh rừng do đội trồng trước kia lần lượt được giao khoán cho các hộ thành viên của lâm trường cũng là lúc, các phụ nữ "xóm không chồng" bước vào tuổi nghỉ hưu. Để kiếm tiền nuôi con, các mẹ lại phải tảo tần làm thuê, làm mướn khi trên cánh rừng sâu, lúc trên cánh đồng của đồng bào dân tộc xã Dương Huy.

"Khi mới ra đây, cả xóm chúng tôi gần như bị cô lập hoàn toàn bởi bà con đồng bào dân tộc ở địa phương định kiến với những phụ nữ không chồng mà có con. Thậm chí, mấy đứa trẻ đi học cũng bị chúng bạn cười chê. Thế rồi, dần dà, bà con hiểu chuyện, nên đã gần gũi hơn, chia sẻ với các bà mẹ đơn thân", bà Phạm Thị Phiếc, một cư dân của xóm kể.

Giờ đây, những đứa trẻ ở "xóm không chồng" đã lớn lên, đi học, đi làm xa, rồi lấy vợ, lấy chồng. Nhiều hộ sau thời gian tích cóp được đã mua được nhà rộng hơn ở phố hoặc chuyển về quê. Các cư dân của "xóm không chồng" đã trở thành bà nội, bà ngoại, nhưng vẫn gắn bó với nhau như những chị em ruột thịt. 

Không chỉ đóng góp tuổi thanh xuân của mình để giữ những cánh rừng xanh dưới chân núi Thiên Sơn mà một số phụ nữ nơi đây còn giúp cho những người xây dựng hồ nước Khe Giữa nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Hồng Phong, cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ninh – chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Khe Giữa cho biết, công trình hồ chứa nước Khe Giữa có diện tích sử dụng đất 128,3ha; diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường 78,87ha, dung tích chứa nước đạt khoảng 7,6 triệu m3, là một trong 10 hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh.
"Khi chúng tôi đi khảo sát để làm hồ Khe Giữa, các cô ở xóm dù tuổi đã cao, nhưng vẫn sẵn sàng cắt rừng, xuyên núi để giúp đỡ mà không hề nhận bất cứ khoản thù lao nào. Nhờ đó, chúng tôi đã nhanh chóng khảo sát được dung tích, hệ thống sinh thủy, tuyến vận tải để đưa vật liệu vào công trình, đồng thời đảm bảo đường giao thông cho bà con tiêu thụ gỗ", anh Phong cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.