Bất động sản

Bất động sản điêu đứng, Quảng Nam bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp

24/02/2024, 21:29

Các doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn về gia hạn tiến độ dự án, vướng mặt bằng, thiếu vật liệu…

BĐS điêu đứng do vướng mặt bằng, khó gia hạn tiến độ

Ngày 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh gặp mặt các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản BĐS lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Bất động sản điêu đứng, Quảng Nam bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Ông Lê Trí Thanh gặp mặt các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh

Theo ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong việc gia hạn tiến độ, vướng mặt bằng, áp giá bồi thường cho dự án…

Theo ông Tâm, việc gia hạn tiến độ các dự án đến nay vẫn chưa được cởi mở hơn với doanh nghiệp. Tỉnh không có chủ trương gia hạn tiến độ, các ngân hàng sẽ không cho vay.

Ông Tâm cho biết thêm, lĩnh vực BĐS cũng liên đới đến ngành xây dựng. Hiện nay giá vật liệu xây dựng quá cao, khan hiếm khiến doanh nghiệp lỗ ngay từ khâu đấu thầu. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ về mức giá để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Bất động sản Tây Bắc, đơn vị này gặp vướng mắc về gia hạn tiến độ, phân kỳ đầu tư một dự án ở TP Tam Kỳ.

Doanh nghiệp này cho hay, trên địa bàn TP Tam Kỳ nguồn đất san lấp gần như không có, mặc dù doanh nghiệp đã huy động rất nhiều nguồn lực.

"TP Tam Kỳ thì rất gần huyện Phú Ninh, huyện Tiên Phước… Gọi là đồi núi trùng điệp nhưng thiếu đi nguồn đất san lấp, khiến giá đất san lấp lên rất cao so với đơn giá thẩm định", đại diện công ty này nói.

Từng bước gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, các khó khăn mà doanh nghiệp nêu đã được đưa ra từ năm 2023. Địa phương đã và đang tìm cách để tháo gỡ nhưng gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư BĐS từ trước những năm 2000. Thời điểm này, hạ tầng của tỉnh chưa phát triển nhiều, địa phương đã mời các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến đầu tư, làm từng bước "lắp ghép" nhưng không có nhà đầu tư lớn nên không thể đồng bộ.

"Vì 'lắp ghép' hàng trăm doanh nghiệp cùng làm, hàng trăm dự án cùng triển khai nên sẽ có độ vênh, hạ tầng chạy theo không kịp nên tạo ra bất cập, tuy nhiên cũng không thể xóa làm lại", ông Thanh cho hay.

Chủ tịch Quảng Nam cho biết thêm, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kéo dài đến 1 năm, còn Thanh tra Chính phủ đến thời điểm vẫn chưa xong.

Quá trình thanh tra chỉ ra nhiều vấn đề Quảng Nam vận dụng, áp dụng không đúng quy định và Trung ương đã xử lý. Trong quá trình làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng "gõ cửa" các bộ để cùng tìm cách tháo gỡ.

Theo ông Thanh, hiện tỉnh Quảng Nam đang xây dựng kế hoạch để thực hiện khắc phục kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ.

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trên tinh thần cái gì tháo gỡ được thì tháo gỡ.

Ông Thanh cho biết thêm, trước đó, UBND tỉnh cũng có văn bản tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Đối với những dự án không sai theo kết luận thanh tra thì cho thực hiện. Những dự án không vướng, các địa phương, các ngành tiếp tục thực hiện.

Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa có công văn gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam về những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án xây dựng và bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, giai 2020 – 2023, tình hình dịch bệnh Covid -19 đã dẫn đến những khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp.

Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, một số công trình, dự án xây lắp gặp khó bởi giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển tăng…

Trong đó, một số công trình, dự án hợp đồng theo giá cố định không được nhà nước điều chỉnh giá và bị lỗ nặng.

Giá nhân công theo định mức xây dựng quá thấp so với thực tế, khan hiếm nguồn vật liệu khiến nhà thầu phải mua giá cao để đáp ứng tiến độ dự án…

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị, giá nguyên vật liệu liên sở cần sát với thực tế và khảo sát các mỏ vật liệu còn hoạt động hay không để xác định giá liên sở hằng tháng, không phải theo quý như hiện nay. Đồng thời xác định lại cước phí vận chuyển, giá vật liệu, nhân công cho phù hợp thực tế.

Đặc biệt, hiệp hội kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian đấu thầu để các mỏ vật liệu đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thi công các dự án và bình ổn giá. Đồng thời, xem xét điều chỉnh giá thép tăng cao đối với một số hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.