Quản lý

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

23/02/2024, 07:10

Ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang làm việc với các doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) về triển khai nhiệm vụ SXKD và triển khai Nghị quyết 220 của Chính phủ về phá sản Công ty mẹ và 7 công ty con.

Tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm

Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, Tổng giám đốc Vũ Thanh Tùng cho biết, năm 2023, với sự nỗ lực tìm kiếm việc làm, thực hiện các đơn hàng đóng mới, sửa chữa tàu, Nam Triệu đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch.

Trong đó, thi công đóng mới hai tàu chở hàng 65.000WT, hai poton cẩu trung chuyển, một tàu dầu 7.000m3. Sửa chữa 40 lượt tàu, đến nay đã bàn giao 38 lượt tàu.

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thị sát việc thi công đóng mới tàu tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Ảnh: Tạ Hải).

Việc thi công các sản phẩm này đã đưa giá trị sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt hơn 484 tỉ đồng, vượt 18,4% kế hoạch; doanh thu và thu nhập khác đạt hơn 288 tỉ đồng, vượt 15,17% kế hoạch. Thu nhập người lao động đảm bảo, bình quân 11,5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, Nam Triệu đặt mục tiêu giá trị sản xuất hơn 567 tỉ đồng, vượt 17,2% so với năm 2023, trong đó khối đóng tàu đạt 436 tỉ đồng, khối sửa chữa đạt 130 tỉ đồng...; doanh thu hơn 335 tỉ đồng, vượt 16,3% so với năm 2023. Về sản phẩm, thi công 3 tàu, bàn giao 2 tàu; sửa chữa 40 tàu.

Riêng tháng 1/2024, tổng giá trị sản xuất của công ty đã đạt 54,6 tỉ đồng, đạt 9,6% kế hoạch năm; doanh thu đạt hơn 28,9 tỉ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm.

Ông Tùng cũng cho biết, hiện công ty đang đàm phán với chủ tàu Tập đoàn Damen và Tập đoàn IHC Hà Lan về việc hợp tác đóng mới các chủng loại tàu nạo vét công suất 2.300m3 và 31.000m3.

"Nếu hợp đồng được ký kết sẽ tạo giá trị doanh thu và hiệu quả, mở ra cơ hội lớn cho Nam Triệu tiếp cận các chủ tàu quốc tế, tạo giá trị thương hiệu, công ăn việc làm ổn định cho người lao động", ông Tùng nói.

Còn Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho hay, năm 2024, công ty sẽ triển khai thi công đóng mới 6 sản phẩm gồm: 5 tàu dầu hóa chất 13.000T và một phao neo; bàn giao 2-3 sản phẩm. Công ty sẽ tiếp tục đàm phán để ký tiếp các hợp đồng tàu 13.000T cho chủ tàu Hàn Quốc và các sản phẩm đóng mới với các khách hàng khác.

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo Phà Rừng, Nam Triệu và các doanh nghiệp thuộc SBIC có giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh (Ảnh: Tạ Hải).

Về sửa chữa, kế hoạch triển khai thi công 67 tàu, bàn giao 61 tàu; tiếp tục mở rộng thị trường sửa chữa cho khách hàng nước ngoài như Nga, Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ... Góp phần đưa giá trị sản xuất và doanh thu theo kế hoạch 2024 lần lượt là: 570 tỉ đồng, bằng 133% kế hoạch 2023 và 427 tỉ đồng, bằng 106% kế hoạch 2023.

Ông Chiến cũng cho biết, kết quả SXKD tháng 1/2024 của Phà Rừng đạt cao: Giá trị sản xuất hơn 99 tỉ đồng, đạt 17% so với kế hoạch năm; tổng doanh thu hơn 48,7 tỉ đồng, bằng 11% kế hoạch năm.

"Từ kết quả SXKD tháng 1 cũng như từ các tín hiệu tốt của thị trường, dự kiến năm 2024, công ty sẽ vượt mức kế hoạch từ 10-15%. Dự kiến trong các năm 2025, 2026, 2027, với các sản phẩm đóng mới đã ký, sẽ ký hợp đồng, tăng trưởng sản xuất của công ty sẽ đạt mức bình quân từ 10-15%/năm", ông Chiến nói.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao nỗ lực của Nam Triệu, Phà Rừng trong xây dựng, triển khai kế hoạch SXKD năm 2024. Đặc biệt, ngay từ tháng 1/2024 đã đạt được hiệu quả về doanh thu, đây là tín hiệu tốt cho một năm SXKD đạt hiệu quả cao.

"Nam Triệu, Phà Rừng nói riêng và các doanh nghiệp thuộc SBIC nói chung cần tiếp tục có các giải pháp thúc đẩy SXKD, đảm bảo việc làm cho người lao động. Cùng đó có phương án mở rộng, đây là nhiệm vụ chính trị vì định hướng phát triển trong tương lai", Thứ trưởng Sang nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu song song đó, các doanh nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 220 đúng tiến độ.

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 3.
Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 4.

Các doanh nghiệp đóng tàu Nam Triệu, Phà Rừng vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh (Ảnh: Tạ Hải).

Nhiều đơn hàng đóng tàu xuất khẩu

Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc cho biết, những năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn giữ được uy tín về chất lượng sản phẩm và địa chỉ tin cậy của nhiều chủ tàu lớn trong và ngoài nước. Hiện công ty đang thi công 2 tàu 45.000T, 6 tàu dịch vụ điện gió cho Tập đoàn Damen.

Công ty đảm bảo thu nhập, chính sách với người lao động. Đến thời điểm hiện tại, công ty không nợ lương người lao động, không nợ bảo hiểm xã hội, các khoản thuế của Nhà nước. Từ năm 2016 đến năm 2023 hoạt động SXKD chính là đóng mới và sửa chữa đều có lãi.

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thị sát nhà máy đóng tàu Hạ Long (Ảnh: Tạ Hải).

Như năm 2023, với thi công 20 sản phẩm, bàn giao 17 sản phẩm, giá trị sản xuất của công ty đạt hơn 678 tỉ đồng, vượt kế hoạch đến hơn 62%; doanh thu thuần đạt hơn 731 tỉ đồng, vượt 74% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động khoảng 13,5 triệu đồng/người/tháng.

"Năm 2023 kết quả SXKD của công ty gồm đóng mới và sửa chữa lãi hơn 28 tỉ đồng. Công ty chỉ còn khoản lỗ do chi phí tài chính phát sinh của các khoản nợ cũ chưa được tái cơ cấu và một phần khấu hao của các tài sản cố định chưa sử dụng hết công suất.

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, công ty nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu có đơn giá tốt. Nhất là đơn hàng 8 tàu dịch vụ điện gió, trị giá mỗi tàu khoảng 250 tỉ đồng. Cùng với các đơn hàng khác đang xúc tiến đàm phán ký hợp đồng như 2 tàu chở khách du lịch, tàu chở khách, tàu chở dầu 4.000-8.000T, giai đoạn 2024-2026 và năm 2027, công ty đủ sản phẩm với giá trị hợp đồng lớn, đảm bảo việc làm cho hơn 1.000 người lao động", ông Tuấn Anh cho hay.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho biết, từ năm 2014, công ty chưa được xử lý nợ giai đoạn 2. Hiện hàng tháng công ty vẫn phải thu xếp để trả nợ số tiền từ 3-5 tỉ đồng.

Về việc thực hiện các hợp đồng đóng mới, nhiều khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài băn khoăn, liệu trong quá trình xử lý các doanh nghiệp thuộc SBIC theo thủ tục phá sản theo Nghị quyết 220 của Chính phủ, trong đó có Hạ Long có dừng hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến khách hàng.

Hồi sinh ngành đóng tàu

Đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Hạ Long trong phát triển SXKD, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, nhà máy là cơ sở đóng, sửa chữa tàu đã được đầu tư hoàn thiện, cơ sở hạ tầng, năng lực đóng tàu đáp ứng được yêu cầu tàu lớn trên thế giới. Công ty cũng đã nhiều năm SXKD có lãi từ đóng, sửa chữa tàu, nếu không tính các khoản nợ cũ.

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 6.
Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 7.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang động viên tập thể lãnh đạo, người lao động đóng tàu Hạ Long nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và thực hiện Nghị quyết 220 (Ảnh: Tạ Hải).

Năm 2013, Hạ Long thuộc 8 đơn vị nòng cốt được giữ lại, thành lập SBIC với mục tiêu thu hẹp Vinashin trước đây, tiến hành tái cơ cấu để phát triển ngành đóng tàu. Nhiều năm qua, mặc dù nỗ lực nhưng việc tái cơ cấu SBIC vẫn không như mong muốn, SBIC vẫn lún sâu nguy cơ phá sản...

Vì vậy, Bộ Chính trị đã cho phép xử lý Công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên SBIC xử lý theo hướng phá sản. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 220 về phá sản Công ty mẹ và 7 công ty con SBIC. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT xây dựng đề án nâng cao năng lực các cơ sở đóng tàu trong nước.

Hiện Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải VN lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Quảng Ninh giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó định hướng vị trí nhà máy đóng tàu Hạ Long  hiện nay là cơ sở đóng, sửa chữa tàu.

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC- Ảnh 8.

Toàn cảnh nhà máy đóng tàu Hạ Long (Ảnh: Tạ Hải).

"Việc phá sản doanh nghiệp là điều không mong muốn nhưng buộc phải làm, vì phá sản để hồi sinh từ tro tàn. Vì sau khi xử lý triệt để các khoản nợ, doanh nghiệp mua lại nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất đóng, sửa chữa tàu theo quy hoạch.

Không phải gánh nợ cũ thì doanh nghiệp mới có điều kiện SXKD có lãi, nhất là có thể thực hiện hợp đồng trọn gói, lợi nhuận cao hơn, thay vì chỉ có thể gia công như hiện nay. Muốn vậy, Hạ Long phải đẩy mạnh SXKD, tiếp tục xây dựng giá trị, thương hiệu để chủ đầu tư mới quan tâm", Thứ trưởng Sang nhấn mạnh.

Quá trình thực hiện thủ tục phá sản không ảnh hưởng đến SXKD

Cũng trong ngày 22/2, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang đã gặp gỡ các khách hàng của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu.

Tại cuộc gặp, ông Phương Kim Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc cho biết, đã ký hợp đồng đóng mới 2 tàu chở hàng 65.000T với Nam Triệu. Dự kiến tàu số 1 bàn giao tháng 6/2024, tàu số 2 đang thi công song song, dự kiến bàn giao quý I/2025.

Bày tỏ tin tưởng uy tín của Nam Triệu trong đóng mới, sửa chữa tàu lớn, ông Thông cũng đề nghị Nam Triệu tập trung thời gian, nhân lực cho việc thi công hoàn thành sản phẩm đúng tiến độ dù đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hay xử lý theo hướng phá sản.

Còn đại diện Tập đoàn IHC Hà Lan cho biết, IHC là tập đoàn hàng đầu về tàu nạo vét. IHC đang tìm kiếm các đối tác trên thế giới, trong đó Nam Triệu là một đối tác mà IHC mong muốn hợp tác lâu dài. Trước mắt là dự án thi công tàu nạo vét 31.000T.

Đại diện IHC nhấn mạnh, đây là tàu lớn chủng loại tàu nạo vét trên thế giới, do vậy ngoài việc bảo lãnh ngân hàng, đề nghị Bộ GTVT, SBIC hỗ trợ, có cam kết về việc triển khai các hợp đồng này không bị ảnh hưởng bởi việc xử lý doanh nghiệp theo hướng phá sản.

Hoan nghênh các khách hàng đã tin tưởng, ký kết các hợp đồng đóng mới với Nam Triệu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, hiện Cục Hàng hải VN đang lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển Hải Phòng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Tư vấn đã đưa vào dự thảo quy hoạch vị trí nhà máy đóng tàu Nam Triệu hiện nay là cơ sở đóng, sửa chữa tàu.

SBIC cũng đã yêu cầu công ty Nam Triệu xây dựng phương án tiếp tục duy trì SXKD có lãi, phát triển quy mô, SXKD trong tương lai.

"Yêu cầu phát triển nhà máy đóng tàu là tất yếu vì không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội mà còn phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Với những cơ sở như vậy, mong rằng Nam Triệu có thể thúc đẩy hợp tác với các khách hàng, nhất là các khách hàng lớn như IHC tin tưởng hợp tác, phát triển SXKD", Thứ trưởng Sang nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang làm việc với các công ty thuộc SBICThứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang làm việc với các công ty thuộc SBIC

Triển khai Nghị quyết 220 của Chính phủ về phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), ngày 3/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã làm việc với các công ty đóng tàu tại Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.