Quản lý

Bộ GTVT nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp xử lý vi phạm giao thông

08/12/2023, 13:28

Bộ GTVT nghiêm cấm cán bộ, công chức, can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Bộ GTVT nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp xử lý vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm.

Công khai kết quả cán bộ, đảng viên vi phạm

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT thực hiện Chỉ thị số 23/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới vừa được Bộ GTVT ban hành. 

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn cụ thể hoá chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm ATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và thực hiện nghiêm và có hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm. 

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành GTVT, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Kế hoạch của Bộ GTVT nhằm kéo giảm tai nạn giao thông bền vững, hạn chế ùn tắc, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo đảm ATGT, xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.

"Việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm", Bộ GTVT yêu cầu.

Giải pháp về thể chế, Bộ GTVT yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý Nhà nước giữa Bộ GTVT với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cầu hạ tầng và bảo đảm trật tự, ATGT.

Làm tốt kết nối, giảm áp lực cho đường bộ

Liên quan đến giải pháp về hạ tầng, Bộ GTVT yêu cầu hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép nội dung ATGT trong các quy hoạch chuyên ngành, bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. 

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống đường cao tốc, tàu cao tốc. Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không để giảm áp lực cho đường bộ. 

Đầu tư nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là mạng lưới quốc lộ khu vực miền núi Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với một số công trình hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm kết nối vùng, khu vực, các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế.

Tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã được bố trí vốn, đặc biệt các công trình trọng điểm quốc gia, dự án có quy mô lớn. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công công trình, dự án đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư. 

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt tập trung kêu gọi đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, nâng cấp các cảng hàng không trọng điểm, nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển. Trong đó, sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong từng dự án cụ thể phải linh hoạt, sáng tạo, trong đó vốn Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".

Bộ GTVT cũng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn.
Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và "điểm đen" trên các tuyến giao thông.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Hiện đại hoá trung tâm giám sát, điều hành giao thông, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Cải cách thủ tục hành chính và đổi mới mạnh mẽ phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.