Đường bộ

Bổ sung 300 mã định mức xây dựng ngay trong quý I/2024

29/01/2024, 11:19

Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 mã định mức nhằm đáp ứng yêu cầu trong hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt là dự án giao thông.

Hai bộ chuyên ngành ban hành bổ sung định mức

Sáng nay (29/1), Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 02 ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; Khai thác, cung ứng vật iệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Bổ sung 300 mã định mức xây dựng ngay trong quý I/2024- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, những năm qua, việc triển khai đầu tư các dự án công trình trọng điểm như: hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến đường vành đai, dự án nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia, các dự án metro, cảng biển, hệ thống các cụm cảng hàng không được triển khai đồng bộ, phát triển kinh tế vùng, liên vùng, vùng trọng điểm quốc gia.

Dù đạt được nhiều kết quả ngoài công trường nhưng thực tế trong công tác quản lý dự án vẫn gặp vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, nhất là giá vật liệu tại mỏ xây dựng giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù.

"Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, nhà quản lý tập trung chỉ đạo quy trình tổ chức thực hiện", Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nói và cho biết, hội nghị hôm nay sẽ làm rõ, quy trình, quy định, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, chủ thể liên quan dến dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 12 trong đó cập nhật, bổ sung gần 989 mã định mức.

Dự kiến, ngay trong quý I/2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 mã định mức theo thẩm quyền.

Cũng trong quý I/2024, Bộ Xây dựng sẽ cử đơn vị trực thuộc phối hợp rà soát 547 định mức dự toán công trình được các cơ quan của Bộ GTVT đề nghị ban hành, đảm bảo các định mức không bị trùng lặp với các định mức do Bộ Xây dựng xây dựng; Đồng thời, rà soát, phân định thẩm quyền ban hành định mức của từng bộ theo đúng quy định.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới", Thứ trưởng Bùi Hồng Minh khẳng định.

Bổ sung 300 mã định mức xây dựng ngay trong quý I/2024- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành đã cơ bản đầy đủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế trong quá trình triển khai, đặc biệt các dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù vẫn còn 3 vướng mắc chủ yếu.

Thứ nhất là công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện nay gồm: định mức xây dựng và giá xây dựng công trình (khảo sát, chuẩn xác lại hao phí và nội dung của định mức trong quá trình thi công xây dựng; việc xây dựng, ban hành định mức xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; việc xây dựng, công bố giá vật liệu, nhân công, máy thi công, chỉ số giá xây dựng của địa phương để quản lý chi phí và điều chỉnh giá hợp đồng…)

Thứ hai là việc xác định giá vật liệu tại mỏ VLXD thông thường (đất, đá, cát) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản.

Thứ ba là điều chỉnh giá và thanh, quyết toán hợp đồng xây dựng.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đang, các nhà thầu thi công đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dữ liệu, số liệu để Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn việc xác định giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ làm cơ sở triển khai, thực hiện", Thứ trưởng Tuấn chia sẻ.

Vẫn nhiều khó khăn

Tham luận về một số khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua, Cục đã tham mưu Bộ GTVT gửi Bộ Xây dựng đề nghị cập nhật, ban hành bổ sung 989 mã định mức.

Bộ Xây dựng đã tiếp thu ý kiến để ban hành định mức xây dựng tại Thông tư số 12/2021.

Thông tư được ban hành đã giải quyết phần lớn các khó khăn, vướng mắc về định mức trong lập dự toán chi phí xây dựng công trình đối với lĩnh vực đường bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Bổ sung 300 mã định mức xây dựng ngay trong quý I/2024- Ảnh 3.

Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Nguyễn Thế Minh.

Tuy nhiên, khi ban hành vẫn còn thiếu định mức cho công tác thi công một số hạng mục cầu dây văng và nhiều định mức liên quan đến lĩnh vực hàng không (đường cất hạ cánh, sân đỗ); đường thủy; định mức sửa chữa; định mức thí nghiệm; đặc biệt là đối với định mức chuyên ngành đường sắt.

Hệ thống định mức được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 12 chưa đầy đủ các định mức cho ngành giao thông, song, Bộ Xây Dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 10, quy định việc áp dụng định mức cho các công trình, dự án, tháo gỡ các khó khăn trong việc lập và quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, hiện nay, định mức đối với các công trình giao thông đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 12 còn thiếu nhiều định mức để sử dụng, nhiều định mức đã ban hành nhưng chưa phù hợp. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã rà soát, tổng hợp, có văn bản gửi Cục Kinh tế (Bộ Xây dựng), trong đó có 547 mã định mức dự toán xây dựng công trình cần xây dựng mới và điều chỉnh để ban hành.

Cụ thể, chủ đầu tư được lập các định mức dự toán mới, định mức dự toán cần điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đặc thù của công trình và tổ chức xác định các hao phí định mức phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công dự kiến để phục vụ việc lập đơn giá, xác định dự toán xây dựng.

Chủ đầu tư cũng được quyết định việc sử dụng các định mức dự toán điều chỉnh, định mức dự toán mới cho công trình làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 14/2023 ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2021, trong đó đã quy định chặt chẽ hơn trong công tác công bố giá vật liệu của các địa phương, giao thẩm quyền chủ đầu tư xác định đối với giá nhân công, máy, vật liệu khi địa phương ban hành chưa phù hợp, đảm bảo việc tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng công trình.

Tuy nhiên, thực tiễn, việc áp dụng các quy định hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo quy định tại Nghị định 10: Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước. Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành. UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương.

Thực tế, Thông tư 12 đã ban hành định mức sử dụng chung trong phạm vi cả nước cho toàn bộ các lĩnh vực của ngành GTVT, chỉ thiếu một số định mức.

Khó ở chỗ, các định mức còn thiếu đều là các định mức dùng chung không chỉ các dự án ngành giao thông mà cả các địa phương cũng như các ngành khác (hầm, cầu dây văng, đường sắt… các địa phương đều triển khai các dự án).

Việc quy định như trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xác định đâu là các định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành.

Bổ sung 300 mã định mức xây dựng ngay trong quý I/2024- Ảnh 4.

Định mức, đơn giá trong thi công dự án giao thông hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đối với việc xác định giá trị dự toán xây dựng công trình, theo ông Minh, vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như định mức dự toán, giá vật liệu, nhân công, ca máy, biện pháp tổ chức thi công...

Theo quy định tại Thông tư 14, việc xây dựng và quyết định giá vật liệu, nhân công, máy thi công khi các địa phương công bố nhưng chưa phù hợp nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ phù hợp với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, điều kiện, biện pháp, tiến độ thi công, khả năng cung ứng, tiêu chuẩn, chất lượng vật liệu, mặt bằng giá thị trường... thuộc thẩm quyền quyết định của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, hiện chưa có các quy định chặt chẽ để bảo vệ việc quyết định áp dụng, sử dụng giá vật liệu, nhân công, máy đảm bảo phù hợp với giá thị trường của chủ đầu tư.

Đặc biệt, với các dự án đầu tư công còn chịu sự quản lý của các cơ quan hậu kiểm. Thực tế, các cơ quan hậu kiểm đều xác định định mức, giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố của cơ quan có thẩm quyền để xác định lại dự toán và làm cơ sở để yêu cầu giảm trừ thanh toán.

Vì vậy, dù đã có quy định nhưng các chủ đầu tư vẫn sử dụng giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố giá của địa phương để phê duyệt dự toán xây dựng công trình và thường chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường và điều kiện cụ thể của dự án.

Về đơn giá nhân công, theo quy định, đơn giá nhân công do các địa phương công bố hiện nay trên cơ sở áp dụng mức lương tối thiểu vùng và tham khảo khung giá của Bộ Xây dựng ban hành.

Thực tế giá nhân công do các địa phương ban hành hiện nay có mức giá thấp hơn so với giá nhân công lao động phổ thông trên thị trường, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.

"Riêng về quản lý chi phí, giá vật liệu theo quy định hiện hành được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng.

Tuy nhiên, đối với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào giá thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ (giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, hỗ trợ hòa màu trên đất). Giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư", ông Minh thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.