Xã hội

Bộ trưởng Y tế nói gì về tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức?

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, hiện nay tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc quá mức và không cần thiết, gây tốn kém cho người dân.

Có tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm gây tốn kém

Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) dẫn báo cáo số 3006 của Tổng Thư ký Quốc hội và qua phản ánh của cử tri, hiện nay tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc quá mức và không cần thiết, gây tốn kém cho người dân, nhất là người nghèo.

Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ Y tế, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Y tế nói gì về tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận).

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong lĩnh vực y khoa, thiết bị hiện đại hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi sau điều trị.

Hiện nay, rất nhiều thiết bị tốt được đưa vào sử dụng để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu, gia tăng cơ hội điều trị. Vì vậy, ngành y tế đã tăng cường trang thiết bị phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng lạm dụng, xét nghiệm quá mức cần thiết với người bệnh, gây tốn kém về chi phí và tạo tâm lý không tốt cho người bệnh. 

Cùng với đó, việc xét nghiệm, sử dụng kỹ thuật cao quá mức ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

Bộ trưởng Y tế nói gì về tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trên, Bộ trưởng xác định ba nhóm nguyên nhân chính.

Thứ nhất, là việc nhận thức và trình độ người chỉ định xét nghiệm. Nhiều người muốn chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác nên đẩy xét nghiệm nhiều hơn.

Thứ hai, thời gian qua, xã hội hóa, liên doanh liên kết nhiều, nên đẩy xét nghiệm lên để thu hồi được nhiều tiền bỏ ra.

Thứ ba, theo Bộ trưởng, nhiều người bệnh có nhu cầu xét nghiệm thêm. Thời gian qua, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều vụ việc người dân kiện "vài tháng trước đi khám chưa ra bệnh, giờ ra bệnh này".

Để khắc phục, Bộ Y tế đã chỉ đạo tránh lạm dụng xét nghiệm. Luật Khám chữa bệnh vừa được thông qua cũng điều chỉnh vấn đề này. Chính phủ đã có chỉ đạo để tránh việc người dân xét nghiệm nhiều lần gây tốn kém.

Các thông tư, quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật, trần thanh quyết toán, giám định thanh toán bảo hiểm y tế, liên thông về công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm với cơ sở y tế để kiểm soát chi phí cũng được triển khai.

Cần quy chế thanh toán cho người tham gia BHYT mua thuốc ngoài

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói, nhiều cử tri nhắn tin phàn nàn việc bệnh nhân đi viện có bảo hiểm y tế (BHYT) phải mua thuốc bên ngoài, gây nhiều khó khăn. Thuốc kê đơn bên ngoài rất đắt, không phải ai cũng có điều kiện để mua được. 

"Việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, người tham gia BHYT trong trường hợp này thế nào? Mong Bộ trưởng phối hợp BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là với bệnh nhân nghèo, khó khăn", ông Mai gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Y tế.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin, việc này bộ đã chỉ đạo cụ thể. Chiều qua, khi Quốc hội đang họp, Vụ BHYT và cơ quan của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã họp bàn nội dung, phương án cụ thể. Bộ đang tích cực chỉ đạo, khi có dự thảo sẽ gửi các địa phương và bộ, ngành xin ý kiến.

"Nội dung này sẽ nêu điều kiện người bệnh được thanh toán, quy định để tránh lạm dụng, đẩy người bệnh ra bên ngoài mua thuốc", bà Lan nói.

Về pháp lý, Bộ trưởng cho biết, đã có Điều 31 Luật BHYT, theo đó, Bộ Y tế được quy định một số trường hợp khác để thanh toán BHYT. Tuy nhiên, quy định này muốn có hiệu lực phải có thông tư của Bộ để hướng dẫn triển khai cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.