Thị trường

Cảng nước sâu Trần Đề là trọng tâm đột phá của Sóc Trăng

20/03/2024, 18:36

Gặp gỡ với các doanh nghiệp Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng định hướng phát triển của tỉnh là trung tâm đầu mối của vùng, trọng tâm là cảng biển nước sâu Trần Đề.

Ngày 20/3, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ hơn 50 doanh nghiệp Trung Quốc và một số doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Cảng nước sâu Trần Đề là trọng tâm đột phá của Sóc Trăng- Ảnh 1.

Quang cảnh chương trình gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, địa phương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế lớn để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các ngành nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch...

Đồng thời, tỉnh cũng có một số sản phẩm đặc trưng như gạo ST25, hành tím Vĩnh Châu, bánh pía… và rất có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi.

"Đặc biệt, cảng biển nước sâu Trần Đề cùng với các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi… đang trong quá trình xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông, thủy sản", ông Lâu chia sẻ.

Cũng theo ông Lâu, theo quy hoạch, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng phát triển Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển nước sâu Trần Đề.

Hiện nay, Sóc Trăng đã quy hoạch phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích gần 5.000ha và 18 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 1.000ha.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM cho rằng, tỉnh Sóc Trăng rất có sức hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Cảng nước sâu Trần Đề là trọng tâm đột phá của Sóc Trăng- Ảnh 2.

Điều kiện kết nối giao thông đường bộ tới cảng biển Trần Đề (Ảnh: CMB).

Theo ông Ngụy Hoa Tường, ngoài gạo thơm ST25, tỉnh Sóc Trăng cũng nổi tiếng với nhiều loại nông sản khác để các doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội tiếp xúc, hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Qua đó, thúc đẩy thương mại và mong muốn khuyến khích càng nhiều du khách ở Trung Quốc có thể đến Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng để tìm hiểu, du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển và tìm hiểu lẫn nhau giữa người dân hai nước.

Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc và các doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó là giới thiệu những ưu thế mạnh của các doanh nghiệp, tìm hiểu những lĩnh vực có thể đầu tư, hợp tác; trao đổi, định hướng phát triển trong thời gian tới những ngành nghề cũng như những lĩnh vực đang kêu gọi đầu tư tại Sóc Trăng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.