Quản lý

Chân Mây cần gì để thành cảng du thuyền?

29/11/2023, 07:36

Nhiều du thuyền sang trọng lựa chọn cảng Chân Mây là điểm dừng chân, đưa du khách quốc tế đến với Việt Nam. Có nhiều lợi thế rất lớn, song để trở thành cảng du thuyền Đông Nam Á, Chân Mây còn nhiều việc phải làm.

Điểm dừng chân của nhiều du thuyền lớn

Giữa tháng 11, cảng Chân Mây trở thành điểm dừng chân của tàu du lịch quốc tế Celebrity Solstice, đưa hơn 3.000 du khách quốc tế tới tham quan tại các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đây là tàu biển hạng cao cấp thuộc hãng Royal Caribbean Cruises của Mỹ - hãng tàu từng ứng vốn đầu tư nâng cấp bến số 1, cảng Chân Mây để nâng cao tiêu chuẩn, tăng khả năng tiếp nhận các tàu du lịch cỡ lớn.

Celebrity Solstice là một trong số rất nhiều hãng tàu du lịch nổi tiếng thế giới đến cảng Chân Mây thời gian qua. Đây là điểm dừng chân của nhiều siêu du thuyền lớn như Skysea Cruise Line, Princess Cruises, Ovation of the Seas, Costa Crociere...

Chân Mây cần gì để thành cảng du thuyền? - Ảnh 1.

Cảng Chân Mây thời gian qua đón nhiều tàu khách du lịch. (Ảnh: Cảng Chân Mây)

Từ năm 2015, cảng Chân Mây đã được Hiệp hội Du thuyền Châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng biển ở khu vực Đông Nam Á để xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền, tàu du lịch lớn.

Theo Cục Hàng hải VN, cảng đã được đầu tư để trở thành cảng biển nước sâu, có điều kiện kỹ thuật an toàn, vị trí địa lý thuận lợi để tiếp nhận các tàu du lịch có chiều dài lớn nhất đến 361m.

Với 3 cầu cảng có tổng chiều dài 910m, diện tích mặt nước khoảng 20km2 cùng độ sâu khu nước -12.5m, cảng Chân Mây hiện có khả năng tiếp nhận các tàu hàng có trọng tải khoảng 70.000 DWT và tàu khách du lịch đến 225.000 GT.

Chân Mây được đánh giá có nhiều lợi thế về vị trí địa lý khi nằm ở vị trí trung tâm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, cùng di sản thế giới phố cổ Hội An, quần thể di tích Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, để Chân Mây thực sự vươn tầm, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh du thuyền, Chân Mây là cảng lưỡng dụng. Do chưa có bến cảng riêng dành cho tàu du lịch nên khách đến cảng vẫn phải đi chung với cảng tàu hàng.

Đoạn đường từ vị trí neo đậu của tàu đến khu đậu xe ô tô đón khách khá xa, lại không có xe trung chuyển, gây bất tiện cho khách. Tại cảng cũng chưa có khu vực nhà ga chuyên biệt hoặc một không gian có mái che để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ du lịch.

Nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện dịch vụ

Có nhiều năm theo đuổi lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch du thuyền, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho rằng, hạ tầng cảng biển tốt là một trong những điều kiện để thu hút các du thuyền cập cảng. Để đón được những tàu biển sang trọng, lớn hơn, các cảng cần được nâng cấp không chỉ về hạ tầng mà cả các dịch vụ liên quan.

Theo ông, hệ thống dịch vụ, logistics tại khu vực cảng biển của Chân Mây nói riêng và của Việt Nam nói chung hiện chưa đồng bộ. Cảnh quan, dịch vụ trên bờ để phù hợp với dòng khách du thuyền còn yếu kém.

"Khách của tàu du lịch thường là dòng khách cao cấp, chi nhiều tiều. Do đó, các tiện ích xung quanh khu cảng tàu từ hạ tầng, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, giao thông... cũng cần sự sang trọng và tiện lợi tương ứng", ông Hà nói.

Thống kê của Công ty CP Cảng Chân Mây, trong 9 tháng đầu năm 2023, cảng đã đón trên 13.000 du khách và thuyền viên và khoảng 13 chuyến tàu. Dự kiến trong năm 2024, cảng sẽ đón 30 lượt tàu với 47.987 hành khách và 18.718 thuyền viên. Năm 2025, dự kiến đón 26 lượt tàu với 29.576 hành khách và 12.753 thuyền viên.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây thừa nhận, Chân Mây là cảng tổng hợp nên trong quá trình đón tàu khách còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để xây dựng một bến tàu khách chuyên biệt không dễ vì liên quan tới công tác đầu tư.

"Chi phí đầu tư cảng tàu khách không lớn bằng cảng tàu hàng. Tuy nhiên, trong một năm, tần suất các chuyến tàu du lịch tới cảng chỉ vài chục lượt. Hiệu suất khai thác cảng thấp, rất khó cho các nhà đầu tư", ông Chương nói và cho biết, tới đây tiếp tục nâng cao năng lực đón tàu du lịch. Cùng đó, cảng sẽ bổ sung công năng đón tàu khách cho bến số 2 để giảm tải cho bến số 1 và có thể đón 2 tàu khách cùng một lúc.

Cảng cũng chuẩn bị một số phương tiện cơ giới để làm công tác vệ sinh cho các tàu; Bố trí khu vực vệ sinh công cộng cỡ lớn để có thể phục vụ cho hàng trăm du khách cùng một thời điểm; Đề nghị cơ quan chức năng bố trí điểm đỗ cho các xe ô tô đón khách dọc tuyến đường trước cảng.

Được biết, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu doanh nghiệp khai thác cảng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu nâng cao chất lượng dịch vụ, xem xét đầu tư hệ thống xe điện trung chuyển. Bên cạnh việc đầu tư về dịch vụ, công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải cho các tàu du lịch vào cảng cũng được chú trọng.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, cảng vụ đã thống nhất các điều kiện để xem xét miễn, giảm số lượng tàu lai cho các tàu khách có thiết bị hỗ trợ điều động hoạt động tại cảng.

Cùng đó, hướng dẫn doanh nghiệp cảng phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng phương án, công bố điều kiện tiếp nhận tàu khách; Giải quyết thủ tục nhập cảnh nhanh chóng cho tàu, thuyền viên, hành khách, hàng hóa.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Chân Mây được quy hoạch nhằm phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; Có các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế.

Khu vực tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 Teu hoặc lớn hơn khi có điều kiện; Tàu khách quốc tế đến 225.000 DWT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.