Thời sự Quốc tế

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt

20/02/2024, 13:00

Sinh ra tại thành phố phồn hoa Thượng Hải, có công việc ổn định lương cao, nhưng anh Wang Lu, 38 tuổi đã gác lại tất cả, rong ruổi khắp đất nước để thỏa mãn đam mê chụp ảnh những chuyến tàu len lỏi giữa thiên nhiên hùng vĩ.

"Hiện tôi đang ở quận Dayi, tỉnh Tứ Xuyên" – anh Wang Lu chia sẻ qua điện thoại trong cuộc phỏng vấn với báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

"Đây là địa phương có nhiều di tích lịch sử, nhiều bảo tàng nổi bật và dĩ nhiên cũng có tuyến tàu mà tôi rất muốn chụp".

Chia sẻ với SCMP, anh Lu cho biết, anh đã nghỉ công việc vốn rất ổn định từ năm 2015 để rong ruổi khắp đất nước, chụp ảnh tàu.

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 1.

Một đoàn tàu trên tuyến đường sắt Lan Châu - Urumqi

"Mỗi năm, tôi thường dành khoảng 3- 5 tháng để đi lại trên đường. Tôi tới thăm tất cả các tỉnh ở Trung Quốc đại lục, không biết bao nhiêu lần. Tôi còn viết nhật ký du lịch về trải nghiệm của mình kèm mỗi bức ảnh" – anh Wang nói.

Cứ khi nào biết tin có tuyến đường sắt mới đi vào hoạt động, anh Wang sẽ tìm kiếm trên bản đồ, xác định vị trí sẽ chụp ảnh, lên kế hoạch đường đi, chọn thời gian phù hợp khi thời tiết thuận lợi để chụp ảnh và dành riêng 1-2 tháng để tìm góc chụp một đoạn đường sắt cụ thể.

Niềm yêu thích chụp ảnh của anh có lẽ được thừa hưởng từ cha. Cha anh là nhiếp ảnh gia không chuyên. Thời trẻ, ông cũng sắm một chiếc máy ảnh và chụp cho cả gia đình mỗi khi đến kỳ nghỉ. Từ đây, anh được cha dạy cách dùng máy ảnh và quan trọng hơn là cách chụp ảnh phong cảnh.

Sau này cùng với sự phát triển của công nghệ, anh đã trang bị thêm nhiều máy bay không người lái phục vụ đam mê. Chiếc máy bay đầu tiên là DJI Inspire 1 anh mua năm 2015. Thời điểm này công nghệ drone của Trung Quốc mới là sơ khai và chiếc drone đầu tiên của anh đã nhiều lần bị rơi.

Kiên trì luyện tập và không ngại nâng cấp drone, anh dần dà đã làm chủ được chiếc máy.

Công nghệ này đã giúp tầm nhìn và chất lượng ảnh của anh lên một tầm cao mới, tạo ra những góc nhìn mới về đường sắt trên nền phong cảnh hùng vĩ.

"Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, phong cảnh phong phú từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông và từ vùng núi tới vùng biển" - anh Wang nói.

Về đam mê chụp ảnh đường sắt, phần nào xuất phát từ việc anh Wang cũng như bao thế hệ cùng trang lứa may mắn chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của đường sắt Trung Quốc.

Trung Quốc nổi tiếng là quốc gia phát triển đường sắt cao tốc thần kỳ. Dù đi sau nhưng Trung Quốc đã vượt rất nhiều nước đi trước và hiện đứng đầu thế giới với mạng lưới dài hơn 42.000km.

Nếu như năm 2008, mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc có tổng chiều dài 672km. Đến năm 2010, con số này tăng lên thành 5.133km. Giai đoạn 2017 - 2020, mạng lưới đường sắt cao tốc đã phủ rộng gần 40.000km.

Chỉ riêng trong năm 2022, mạng lưới mở rộng thêm 2.082km. Không dừng ở đây, Trung Quốc đặt mục tiêu có 50.000km đường sắt cao tốc vào năm 2025 và 200.000km vào năm 2035.

Những hình ảnh ấn tượng về đường sắt Trung Quốc do anh Wang Lu ghi lại:

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 2.

Một đoàn tàu cao tốc trên tuyến Vũ Hán - Nghi Xương.

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 3.

Đường sắt cao tốc băng qua một trong những cánh đồng lúa chín vàng lớn nhất tại quận huyện Môn Nguyên, tỉnh Thanh Hải.

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 4.

Một đoàn tàu cao tốc trên tuyến Thành Đô - Quý Dương.

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 5.

Đoàn tàu băng qua khu vực đất đỏ trên tuyến đường sắt Nam Ninh - Côn Minh.

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 6.

Tàu cao tốc di chuyển qua cầu trên tuyến Thành Đô - Quý Dương.

Chàng trai bỏ công việc ổn định, rong ruổi khắp Trung Quốc để săn ảnh đường sắt- Ảnh 7.

Một tàu chở hàng đi xuyên núi tại tỉnh Vân Nam.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.