Thời sự Quốc tế

Châu Âu lo thiếu lương thực khi Ukraine tắc xuất khẩu

Trước khi chiến sự nổ ra, Ukraine (cùng với Nga) là quốc gia xuất khẩu lương thực rất lớn.

Tuy nhiên, hơn một tháng qua, mùa màng bị ảnh hưởng, vận tải tắc nghẽn khiến chuỗi cung ứng có nguy cơ gián đoạn. Một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu xuất hiện khan hiếm lương thực.

img

Người tiêu dùng Đức vội vàng mua sắm, tích trữ vì phần lớn dầu ăn nhập khẩu là từ Ukraine và Nga. Ảnh: DW

Đường biển không được, đường sắt không xong

Trước khi chiến sự xảy ra, 98% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đi qua đường Biển Đen. Chỉ một phần nhỏ lượng hàng xuất khẩu của Ukraine qua đường sắt bởi chi phí vận tải cao hơn so với vận chuyển hàng bằng đường biển.

Tuy nhiên, do chiến sự đang ảnh hưởng tới khu vực bờ biển ở miền Nam Ukraine, nhiều cảng biển chính của nước này hiện không thể hoạt động. Ukraine đang xoay hướng, tìm các phương án vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt nhưng gặp rất nhiều trở ngại.

Hiện tại, có khoảng 1.100 toa tàu hỏa chở ngũ cốc của Ukraine đang bị tắc ở biên giới phía Tây Ukraine, tại khu vực chuyển giao giữa đường sắt Ukraine và đường sắt Ba Lan.

Đây chỉ là số nhỏ trong khoảng 24.190 toa tàu chở nhiều mặt hàng xuất khẩu của Ukraine như lương thực, dầu thực vật, quặng sắt, kim loại, hóa chất, than đá vẫn nằm chờ thông quan ở biên giới phía Tây Ukraine.

Riêng tại nút giao gần làng Izov - cửa khẩu đường sắt chính dẫn sang Ba Lan, khoảng 10.320 toa tàu chở các loại hàng cũng đang chờ thông quan.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì sự khác biệt giữa kết cấu hạ tầng đường sắt của Ukraine với các nước láng giềng như Ba Lan.

Mạng lưới đường sắt nước này đã sử dụng tiêu chuẩn đo lường giống của Nga suốt từ thời Ukraine còn thuộc Liên Xô cũ nên khác biệt với đường ray của đa số các quốc gia châu Âu.

Để có thể kết nối các tuyến, nhân viên đường sắt sẽ phải điều chỉnh nâng thùng toa và điều chỉnh khung gầm toa xe vừa với đường ray của Ba Lan; hoặc dỡ hàng từ toa tàu của Ukraine và chuyển sang toa tàu của Ba Lan. Quá trình này mất nửa giờ/toa hàng.

Trong 3 tháng tới, công ty đường sắt của Ukraine đang nỗ lực tăng năng suất lên 1.100 toa tàu chở ngũ cốc được thông quan sang Ba Lan, Rumani, Hungary, Slovakia mỗi ngày, tăng gấp 10 lần so với tháng 3.

Công ty này cũng đang thuê thêm nhân công, mua thiết bị để chuyển tàu chở hàng sang đường ray của các nước láng giềng châu Âu, huy động nhân viên của tàu chở khách sang hỗ trợ tàu chở hàng. Đồng thời, cải thiện thủ tục hải quan, giảm thời gian kiểm tra toa hàng.

Nơi chất đống, nơi kệ trống không

img

Thông báo tại siêu thị Waitrose yêu cầu mỗi khách hàng chỉ mua 2 chai dầu ăn. Ảnh: Telegraph

Tại Astarta Holding NV, doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm có trụ sở ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn biên giới, bà Julia Bereshchenko, Giám đốc phát triển kinh doanh và quan hệ đầu tư cho biết, công ty đã thỏa thuận giao 25.000 tấn ngô cho các đối tác châu Âu vào tháng 4. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa thể có giấy phép do đường sắt Ukraine cấp.

Phía Astarta cho biết, 150.000 tấn ngũ cốc (chủ yếu là ngô) đang chất đầy trong các kho hàng của công ty, trong khi vào thời điểm này hàng năm, kho hàng đã trống.

Số liệu chính thức do Chính phủ Ukraine công bố hôm 3/4 cho thấy, nước này xuất khẩu 1,4 triệu tấn ngô, lúa mì trong tháng 3. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 3 triệu tấn.

Các nhà phân tích đưa ra một dự báo vô cùng ảm đạm, đó là trong 3 tháng tới, Ukraine chỉ có thể xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn ngũ cốc.

Mặt khác, ở các nước châu Âu như Anh, Hy Lạp, Pháp,… tình trạng khan hiếm và tích trữ hàng hóa vì lo thiếu hụt đã xuất hiện.

Theo nghiên cứu mới nhất vừa được Ngân hàng Barclaycard công bố, hơn 1/3 người tiêu dùng tại Anh vội vã tích trữ hàng hóa như mỳ ống, giấy vệ sinh. Ước tính 35% người được hỏi thừa nhận đã tích trữ nhiều đồ khô và đồ đóng hộp.

Vì tình trạng này, nhiều siêu thị, chẳng hạn như các cửa hàng thuộc chuỗi Waitrose nổi tiếng của Anh đã phải hạn chế số lượng dầu ăn khách hàng được mua.

Barclaycard cho hay, trong bối cảnh giá cả leo thang, mặt hàng khan hiếm, người tiêu dùng Anh đã phải “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế một số hoạt động mua sắm, du lịch để tiết kiệm tiền tích trữ lương thực, thực phẩm…

Dè dặt hy vọng

img

Cảng Odessa, trên Biển Đen, Ukraine năm 2016. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Nông nghiệp Ukraine Taras Vysotskiy đặt hy vọng khiêm tốn là Ukraine có thể xuất khẩu 1,5 triệu tấn ngũ cốc/tháng bằng đường sắt.

Dù con số trên chỉ bằng 1/3 lượng hàng vận chuyển của các cảng biển trong điều kiện bình thường nhưng được kỳ vọng mang lại nguồn thu cần thiết cho ngành nông nghiệp Ukraine.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, đang thảo luận với phía Rumani về việc vận chuyển hàng hóa nông nghiệp Ukraine qua cảng Constanta ở Biển Đen của Rumani.

Theo đó, ngũ cốc sẽ được vận tải bằng đường sắt tới các cảng trên sông Danube rồi chuyển sang vận chuyển bằng sà lan tới Constanta.

Tại đây, ngũ cốc sẽ được chuyển lên các tàu chở hàng cỡ lớn để vận chuyển ra thế giới. Tuy nhiên, quá trình được đánh giá là phức tạp và tốn kém.

Công ty tư vấn nông nghiệp Ukraine APK-Inform đánh giá chi phí vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine tới cảng Constanta của Rumani sẽ là 133 - 166 USD/tấn.

Trước khi chiến sự nổ ra, thương lái chỉ phải trả 20 - 40 USD cho mỗi tấn ngũ cốc để vận chuyển tới cảng ở Biển Đen của Ukraine.

Một giám đốc công ty ngoại thương Ukraine cho biết, kể cả trong trường hợp Ukraine tăng năng lực xuất khẩu nông nghiệp lên 1 triệu tấn mỗi tháng thông qua đường sắt và qua đường sông Danube, họ cũng chỉ đạt 10 - 15% năng suất cần thiết. Và hậu quả với nền kinh tế Ukraine là rất lớn.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), nhiều phân tích cho rằng, hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột tại Ukraine.

Những chuyến hàng từ Ukraine và Nga, vốn chiếm khoảng 1/4 kim ngạch thương mại ngũ cốc toàn cầu (khoảng 120 tỷ USD) đang ngày càng gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng cho biết, giá lương thực thế giới đã leo đến mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua. Chỉ số giá lương thực đã tăng 12,6% từ tháng 2 đến tháng 3 - mức cao kỷ lục mới kể từ năm 1990.

Tháng trước, FAO cũng giảm mức dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2022 từ 790 triệu tấn xuống còn 784 triệu tấn do lo ngại ít nhất 20% khu vực trồng cấy vụ Đông ở Ukraine có thể không có sản phẩm thu hoạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.