“Với 7 tỷ kênh thông tin truyền đi mỗi ngày, bạn đọc đã quá chán ngán những loại thông tin tiêu cực, thông tin kiểu giật gân, câu view. Báo chí muốn giữ và lôi kéo được độc giả, phải chấp nhận cạnh tranh để có những sản phẩm chất lượng cao, trong đó báo chí giải pháp, báo chí với những câu chuyện nhân văn đang là một xu thế…”, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ như vậy, trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, ông nhìn nhận và đánh giá về sứ mệnh và trách nhiệm của báo chí trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa ông?

Từ lịch sử cho đến hiện tại, sứ mệnh cơ bản nhất của báo chí chính là truyền tải thông tin chính xác, nhanh chóng và cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Báo chí Cách mạng Việt Nam còn có sứ mệnh rất quan trọng là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thông chính sách một cách hiệu quả, định hướng cho độc giả, khán thính giả. Mặt khác, báo chí của chúng ta cần kiên định thực hiện sứ mệnh phản biện xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời phải là lực lượng đồng hành, tiên phong trong nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Thưa ông, khi báo chí cùng lúc vừa phải truyền thông định hướng tư tưởng, truyền thông chính sách, điều này có ảnh hưởng gì đến sứ mệnh và trách nhiệm phản biện xã hội của báo chí?

Các sứ mệnh trên của báo chí không có gì mâu thuẫn. Bản chất của báo chí là giám sát và phản biện xã hội, là cầu nối giữa người dân và cơ quan chức năng nên sứ mệnh giám sát, phản biện đương nhiên là vô cùng quan trọng.

Theo quan điểm của tôi, không phải cứ chê bai, moi móc sai phạm mới là giám sát, phản biện. Trách nhiệm đó không chỉ dừng ở tìm những thiếu sót, bất cập của một đơn vị, địa phương, cá nhân và lên tiếng cảnh báo, mà còn là tìm các mô hình hay, cách làm mới, giải pháp hiệu quả. Hoặc vừa phải chỉ ra lỗ hổng của văn bản pháp lý, bộ luật, vừa phải giới thiệu những nét hay, cái mới của các văn bản.

Nhưng có một thực tế là gần đây, tại các cuộc thi về báo chí, thể loại báo chí điều tra, chống tiêu cực, phản biện ở tất cả các lĩnh vực dường như không có những tác phẩm xứng tầm, theo ông nguyên nhân do đâu?

Đây là vấn đề của cả báo chí thế giới, không riêng của Việt Nam. Nội dung phóng sự điều tra là một trụ cột quan trọng của báo chí, bên cạnh tin tức. Nhưng gần đây do sự phát triển của internet, chúng ta thấy rất nhiều nội dung làm cầu kỳ của tờ báo nhanh chóng bị sao chép, những tuyến bài điều tra có khi mất hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm để triển khai nhưng “thời gian sống” rất ngắn. Bên cạnh đó là bài toán về cân đối nguồn thu.

Ví dụ, một phóng sự của tờ báo lớn như New York Times, Washington Post hay nhiều cơ quan báo chí khác có thể tiêu tốn từ 50.000 - 150.000 USD nhưng tiền thu lại từ quảng cáo trên báo cũng như quảng cáo trên website không tương xứng, thậm chí dễ dàng bị xâm phạm bản quyền.

Bên cạnh đó, do sự phát triển của các mạng xã hội, sự chú ý của con người bị giảm sút so với trước kia. Nếu như trước đây, chúng ta có thể đọc những bài viết dài hàng trang thì bây giờ độc giả không đủ kiên nhẫn để đọc dài. Xu hướng phát triển nội dung video ngắn của các nền tảng mạng xã hội khiến người đọc thay đổi thói quen đọc và tiếp nhận thông tin. Có nghiên cứu đã chỉ ra sự chú ý của con người bây giờ chỉ tương đương con cá vàng - trong vòng 8 giây mà không thu hút được thì độc giả sẽ bỏ đi. Đây cũng là lý do khiến các nội dung dài, chuyên sâu từ báo in và báo điện tử đang bị mất vị trí.

Một lý do khác là các thông tin ngày càng khó độc quyền. Trước kia, một nhà báo có thể phát hiện ra vấn đề, theo đuổi, bóc trần và tạo tiếng vang nhưng bây giờ, ai cũng có thể phát hiện ra cái gì đó và đưa lên mạng xã hội. Khả năng tìm được vấn đề đặc biệt, chưa ai biết đến khó hơn ngày xưa nhiều. Điều đó càng gây ra khó khăn cho các cơ quan báo chí khi quyết định chi tiền bạc, công sức cho các nội dung nghiên cứu chuyên sâu, điều tra.

Song theo tôi, dù cho những hành vi tiêu dùng thông tin đã thay đổi nhưng vẫn thực sự rất cần có những bài phóng sự điều tra sâu sắc. Nhờ có công nghệ, các bài phóng sự điều tra có thể mang đến những hiệu ứng thị giác, tương tác rất cao, từ đó nâng các tác phẩm này lên tầm cao hơn, thú vị và hiệu quả hơn.

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua, có đến 11 Ủy viên Trung ương xin thôi hoặc buộc phải thôi chức và rất nhiều cán bộ bị kỷ luật. Trong khi cả hệ thống chính trị chống tiêu cực, tham nhũng sôi sục như vậy, nhưng nhìn lại rất ít có tuyến bài điều tra nào của báo chí đi trước cơ quan chức năng. Tuy điều này có tác động từ nhiều yếu tố, nhưng liệu có yếu tố nào là từ lợi ích kinh tế, lợi ích nhóm đã lan sang cả đội ngũ báo chí, thưa ông?

Thực ra, chẳng có ai ngăn cản được báo chí chống tiêu cực. Trong hoạt động tác nghiệp, nhiều khi các nhà báo không khác gì các điều tra viên, các trinh sát. Nếu các cơ quan báo chí có thể đi trước cơ quan chức năng và nhờ các nội dung trên báo chí mà cơ quan chức năng xử lý hiệu quả các vụ việc thì thực ra là điều rất tốt, rất quan trọng. Song quả thực, việc này khó hơn ngày xưa. Vì hiện tại, tin tức khó độc quyền kể từ lúc phát hiện tin cho đến khi hoàn thành bài viết.

Trong các sứ mệnh và trách nhiệm của báo chí mà ông nói ở trên, ông đánh giá việc gì đang là điểm yếu mà các cơ quan báo chí cần tránh?

Trong quá trình thực hiện sứ mệnh, dù là báo chí Việt Nam hay trên thế giới, đều vấp phải những vấn đề về nguồn thu, “cơm áo gạo tiền,” nên trong rất nhiều trường hợp thông tin tiêu cực lấn át thông tin tích cực, mà nguyên nhân chính là các báo phải cố gắng có được nhiều lượt truy cập với hy vọng tăng nguồn thu quảng cáo. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, khi phải cạnh tranh người đọc với mạng xã hội, báo chí lao theo câu chuyện mang tính câu view. Những thông tin chính sách, hữu ích, thông tin tích cực nhiều khi không thu hút người xem bằng những thông tin tiêu cực, kể cả những thông tin đi quá sâu vào đời tư, những chuyện gây sốc và cả những thông tin được coi là vô bổ.

Có tình trạng báo chí lên án một số hiện tượng lệch chuẩn nhưng một số cơ quan báo chí cũng chạy theo trend, bám theo những câu chuyện lệch chuẩn đó để có nhiều người xem. Nên trong khi tưởng chừng phê phán sự việc, nhân vật thì chúng ta lại giúp cho thông tin về những hành vi xấu, con người xấu này lan tỏa nhiều hơn. Trong xã hội hiện nay có nhiều người làm việc xấu rồi tung lên mạng để mong được nổi tiếng và trong rất nhiều trường hợp báo chí đã khai thác quá mức, giúp họ nổi tiếng, làm cho cái xấu lây lan. Chúng ta từng nghe ở New Zealand xảy ra vụ một kẻ giết người để mong được nổi tiếng, nhưng Thủ tướng nước này đã kêu gọi báo chí không thông tin về vụ việc để kẻ thủ ác không thực hiện được mưu đồ của mình. Tôi nghĩ đây là một quan điểm mà chúng ta rất nên quan tâm.

Trước kia có hàng trăm tờ báo hay đài phát thanh - truyền hình, nhưng mỗi đài, mỗi báo có dung lượng nhất định, nên phải chọn lựa sự kiện nổi bật nhất, báo chí được ví như “người gác cổng”. Còn bây giờ với sự phát triển của mạng xã hội và internet, thông tin tràn ngập trên khoảng 7 tỷ kênh thông tin mỗi ngày. Dòng chảy thông tin khổng lồ mà đa phần đi theo hướng tiêu cực đó khiến người đọc cảm thấy áp lực, bế tắc.

Khả năng xử lý thông tin của con người có giới hạn nên khi đọc hoặc xem quá nhiều thông tin tiêu cực có thể dẫn tới những tác động xấu đến suy nghĩ của độc giả, khán thính giả. Xu hướng chán ngán thông tin tiêu cực dần lan sang các tin chính trị, quốc tế quan trọng, kéo theo tình trạng độc giả không đọc, thậm chí ngắt kết nối với thông tin một cách cực đoan. Khi độc giả không muốn đọc nữa thì chúng ta khó có thể hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm cơ bản của mình.

Gần đây, báo chí thế giới và trong nước nhắc nhiều đến báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Ông nhìn nhận xu hướng báo chí mới này như thế nào?

Tôi nghĩ đây là xu thế mới tích cực. Báo chí không chỉ nêu lên những vấn đề bất cập của xã hội mà phải cung cấp thêm các giải pháp. Tất nhiên, các giải pháp này không phải đến từ nhà báo mà qua việc phỏng vấn chuyên gia, lãnh đạo cơ quan chức năng, để tìm ra câu trả lời tốt nhất. Bên cạnh đó còn có xu hương báo chí xây dựng, tức là ngay cả khi nêu vấn đề bất cập, nêu những vấn đề tiêu cực của xã hội nhưng điều quan trọng là hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn không phải nhằm phê phán, vùi dập nhân vật, doanh nghiệp hay một cơ quan, tổ chức.

Chẳng hạn như vấn đề phục hồi kinh tế sau Covid-19, có rất nhiều vấn đề báo chí cần đồng hành cùng Chính phủ để phát triển kinh tế. Các tờ báo không nên chỉ thiên về thông tin sai phạm, sự vụ gây ồn ào mà cần phải đưa ra được bức tranh tổng thể, đầy đủ để cho thấy bên cạnh những khó khăn, bất cập, sai phạm vẫn thấy rõ những nỗ lực của cả hệ thống

Trong sự chán ngán thông tin tiêu cực, tin giả tràn lan trên mạng xã hội, có phải báo chí giải pháp, báo chí xây dựng và nhân văn chính là giải pháp để giữ chân và lôi kéo độc giả, thưa ông?

Theo tôi, đây chỉ là một trong những cách thức để báo chí tự thay đổi chính mình để giành lại niềm tin độc giả. Cách làm này đã được chứng minh là hiệu quả. Đã có nhiều tờ báo trên thế giới và Việt Nam đi theo hướng đó. Nhưng để báo chí thực sự có vị trí trong xã hội như trước đây, mang tính dẫn dắt định hướng thì còn phải làm nhiều việc, tìm nhiều cách thức khác.

Dù muốn hay không, hành vi của người dùng đang thay đổi và chúng ta không thể đảo ngược về thời xưa khi người dùng không còn cách nào khác để giải trí và nắm bắt thông tin ngoài việc tìm đến báo chí. Thậm chí, trong tương lai, ngoài điện thoại còn có rất nhiều thiết bị mới khác có thể xem được thông tin (như kính, đồng hồ thông minh…). Báo chí cần phải đón đầu, nghiên cứu và hiểu rõ để có những biện pháp đưa nội dung lên các thiết bị đó một cách hiệu quả nhất.

Chúng ta cũng phải nghĩ đến việc đầu tư vào công nghệ như thế nào, nguồn thu ra sao. Trước đây, khi sụt giảm báo chí giấy, chúng ta đã nghĩ sẽ dùng nguồn thu từ báo điện tử để bù đắp nhưng đến nay, đã qua 20 năm, nguồn thu từ báo điện tử vẫn rất thấp. Câu chuyện này khiến cho báo chí phải nghĩ đến nhiều giải pháp đa dạng hóa nguồn thu, không phụ thuộc vào quảng cáo nữa.

Trên thế giới, có một số mô hình tăng doanh thu rất sáng tạo. Điển hình mới đây báo New York Times (Mỹ) ra mắt ứng dụng audio, khi người dùng tải xuống sẽ có thể nghe tin tức mà không cần đọc. Họ sẽ có những bản tin tóm tắt thông tin trong ngày, dạy nấu ăn… khi độc giả bận thì chỉ cần bật lên để nghe.

Báo chí Việt Nam đang kêu gọi chuyển đổi số mạnh mẽ để thích ứng với thói quen đọc báo mới của độc giả và mạng xã hội. Nhưng thực tế cho thấy, dù chuyển đổi số thành công thì báo chí vẫn là nơi sản xuất nội dung, còn người hưởng lợi chính vẫn là các nền tảng mạng xã hội. Vậy, làm thế nào để báo chí thoát vòng luẩn quẩn đó, tự chủ được, thưa ông?

Nhiều năm qua đã có cuộc tranh cãi về việc các nền tảng phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, ban đầu là tại Australia, sau đó lan tỏa sang châu âu rồi Canada.

Các cơ quan báo chí có lập luận rằng, các nền tảng công nghệ có được nhiều người dùng là nhờ nội dung từ báo chí, trong khi các ông lớn công nghệ thì nói chính họ đã mang lại lượng truy cập lớn cho báo chí. Đã có thời gian các nền tảng công nghệ trả tiền cho các cơ quan báo chí để sản xuất nội dung: Google, Facebook đã có thỏa thuận trả tiền cho báo chí, nhưng thực tế họ chỉ làm việc với các cơ quan báo chí lớn, còn các cơ quan báo chí nhỏ không được hưởng lợi.

Tình hình sẽ theo chiều hướng không thuận lợi đối với các cơ quan báo chí khi Google ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo như Chat GPT. Các ứng dụng này tự động tổng hợp thông tin và trả kết quả cụ thể, người dùng chưa chắc đã nhấp chuột vào các đường dẫn bài báo như trước. Và như thế các cơ quan báo chí không được hưởng lợi từ lượng truy cập, từ đó sẽ mất nguồn thu quảng cáo.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters mới công bố, cơ quan nào đến thời điểm này còn phụ thuộc vào quảng cáo trên điện tử thì rủi ro cực lớn. Vì phụ thuộc quảng cáo là phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

Trên thế giới hiện có xu hướng các cơ quan báo chí bắt tay nhau để tạo ra liên minh với một số lượng người dùng đủ lớn để xây dựng mô hình kinh doanh. Chẳng hạn ở Thụy Sĩ có liên minh giữa các tờ báo. Bằng cách này họ có tới 2 triệu người dùng, đủ lớn để đưa ra những mô hình kinh doanh riêng dù không thể cạnh tranh với các mạng xã hội.

Người dùng chỉ cần một tài khoản là có thể đọc được tất cả các bài báo trong liên minh. Hệ thống công nghệ sẽ theo dõi hành vi sử dụng của người đọc để biết được người dùng là ai, đọc những nội dung gì, thường xuyên theo dõi những báo nào, từ đó làm quảng cáo hiệu quả hơn, trúng đích hơn.

Khi hiểu rõ độc giả, việc sản xuất nội dung và cung ứng dịch vụ cũng hiệu quả hơn. Tôi nghĩ đây là cách làm hay.

Còn giải pháp siết bản quyền đối với các nền tảng mạng xã hội và thu phí của bạn đọc thì sao, thưa ông?

Đây là giải pháp nhiều báo đã từng làm nhưng khó thực hiện và người dùng có rất nhiều cách để lách. Chẳng hạn nhiều trang tin lấy bài báo của các cơ quan chính thống đọc lời và ghép hình vào hoặc lấy hình ảnh của các cơ quan báo chí chính thống nhưng lồng nội dung giả mạo.

Với các nền tảng mạng xã hội, internet, báo chí cũng đặt vấn đề bản quyền nhưng họ lập luận rằng, những nội dung đó do người dùng chia sẻ. Chưa kể hiện nay tại một số thị trường, facebook đang thử nghiệm không cho chia sẻ nội dung báo chí, nên câu chuyện bản quyền dù đã được tính đến nhưng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vậy, theo ông, ở Việt Nam báo chí nên đi theo hướng chuyển đổi như thế nào sẽ có lợi nhất?

Về câu chuyện chuyển đổi số, đây không còn là việc có làm hay không mà là bắt buộc phải thực hiện để tồn tại và phát triển. Nhưng chuyển đổi số chỉ là công cụ, xét cho cùng thì nội dung mới là quan trọng, quyết định người dùng đến với mình, duy trì người dùng trung thành.

Từ nội dung đến hình ảnh phải đạt chất lượng cao, chuyên nghiệp, phải nghĩ ra những sản phẩm mới để thu hút người dùng, kéo người đọc đến với mình bằng chất lượng sản phẩm, chứ không phải bằng những nội dung giật gân, câu view hời hợt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.