Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập ở một số dự án BOT

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.

Lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Sáng nay (8/11), phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt ĐBQH thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập ở một số dự án BOT - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Các đại biểu chưa được chất vấn và tranh luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Với phạm vi chất vấn rất rộng, các vị ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.

"Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, qua báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, báo cáo của các cơ quan và chất vấn của các vị ĐBQH tại kỳ họp cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập ở một số dự án BOT - Ảnh 2.

457 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt ĐBQH thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận tại 2,5 ngày Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp tục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm"

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại một số nội dung. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Đối với lĩnh vực kinh tế ngành, khẩn trương phê duyệt, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Rà soát, sửa đổi bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với từng địa phương, vùng, miền.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án đường bộ cao tốc và phân kỳ đầu tư phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Ban hành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam trong quý I/2024. Có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong năm 2024, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng; xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm quy định về tổ chức giao thông, hiện tượng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông sau khi giải tỏa.

Có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về "Chuẩn tắc dự kiến nạo vét" đối với luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Sớm đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc.

Đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp, sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, nhất là trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các luật có liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm: "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; Khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.