Showbiz

Chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: Ban tổ chức lưu ý gì về màn hô tên?

25/08/2023, 07:32
image

BTC Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 thông tin về quy định hô tên - vốn là đặc sản của cuộc thi đối với thí sinh trong đêm chung kết.

Phần hô tên phải giữ được sự chính chuyên

Chung kết Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) 2023 sẽ diễn ra vào ngày 27/8 sắp tới, tại TP.HCM.

Các thí sinh hiện đang gấp rút chuẩn bị cho đêm thi quan trọng nhất để tranh ngôi vị hoa hậu và suất dự thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình quốc tế) vào tháng 10 sắp tới.

img

Top 44 Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 đồng diễn trong đêm chung khảo.

Trước đêm thi quan trọng, phía ban tổ chức (BTC) đã thông tin về các quy định trong màn hô tên - vốn là đặc sản của cuộc thi đối với thí sinh trong đêm chung kết.

Theo đó, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - tổng đạo diễn chương trình cho biết, trong đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023, thí sinh hô tên trong trang phục đồng diễn mở màn.

Trang phục của các thí sinh vừa đủ năng động, gợi cảm, không quá hở hang. Phần âm nhạc vui tươi và tiết tấu nhanh hơn để phù hợp với trang phục và phần hô tên.

Đạo diễn cũng lưu ý, phần hô tên của các thí sinh phải giữ được sự chính chuyên.

"Năm nay, ở chung khảo, chúng tôi khuyến khích thí sinh nói câu ca dao, tục ngữ hoặc câu hát thể hiện văn hóa vùng miền nơi các bạn đang sinh sống.

Nhưng không phải thí sinh nào cũng có màn hô tên dài như vậy nên chúng tôi đang tìm cách thể hiện.

Ở chung kết, màn hô tên sẽ diễn ra theo format của Miss Grand International, thí sinh chỉ được phép hô tên và quê quán", đạo diễn Nhật Nam cho hay.

Thí sinh đọc thơ, hát opera khi giới thiệu bản thân

Trước đó, tối 23/8, top 44 thí sinh Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 đã bước vào đêm chung khảo với hai phần thi chính gồm: trình diễn trang phục dạ hội và trang phục áo tắm, kết hợp hô tên.

Năm ngoái, phần hô tên của thí sinh được thể hiện trong phần thi áo tắm. Phần thi này gây tranh cãi sau đêm bán kết, bởi có nhiều phần hô tên bị nhận xét quá lố, phản cảm.

Thậm chí, một số thí sinh còn bị mang chế giễu trên mạng, tạo thành các video hài hước.

img

Lê Hoàng Phương được nhận xét là một trong những thí sinh nổi bật nhất đêm chung khảo Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022.

Năm nay, tại phần thi này, đa số thí sinh thể hiện tiết chế hơn, với chất giọng dễ nghe hơn.

Theo đó, một số thí sinh phá cách, để tạo dấu ấn riêng khi chọn ca dao, tục ngữ, câu hát để thể hiện văn hóa vùng miền nơi các thí sinh đang sinh sống.

Nguyễn Thùy Dương đọc 2 câu thơ, sau đó mới giới thiệu về quê hương Bạc Liêu với nét đặc trưng là đờn ca tài tử: “Tiếng đàn cò nổi trôi miền xa xứ/ Thương hoài một khúc Dạ cổ hoài lang”.

Tương tự, Hồ Nguyễn Huế Anh cũng tạo ấn tượng bằng hai câu thơ nói về quê hương Bến Tre: “Bến Tre xứ sở cây dừa/ Hiên ngang dáng dứng từ xưa đến giờ”.

Trần Khả Di đến từ Cà Mau thể hiện niềm tự hào về quê hương mình qua 2 câu: “Đất Cà Mau đầy nắng và gió/ Gái Cà Mau vừa chịu khó vừa dễ thương”.

Thí sinh Nguyễn Thị Diễm Quyên nói về quê hương như sau: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhắm đã say”.

Thí sinh Trần Hồng Ngọc dùng 2 câu: “Long An sông nước tuyệt vời/ Sắc hương miền thượng gọi mời chúng ta”.

Trong khi đó, thí sinh Bùi Thị Thanh Thủy có lợi thế về giọng hát, nên thể hiện 2 câu hát, trước khi hô tên quê hương là tỉnh Phú Yên.

Nguyễn Vĩnh Hà Phương, dùng chất giọng opera khi giới thiệu bản thân đến từ TP.HCM.

Một số thí sinh cũng cố gắng gây ấn tượng bởi việc hô tên kéo dài, với âm lượng to: Lê Thị Hồng Hạnh (Thái Bình), Nguyễn Minh Hoàng Kim (TP.HCM), Võ Quỳnh Thư (Đắk Lắk), Nguyễn Ngọc Bảo Quyên (TP.HCM), Trần Nguyễn Kim Ngân (TP.HCM), Hồng Diễm (Cao Bằng)…

img

Thí sinh Bùi Khánh Linh trong phần thi trang phục dạ hội. Cô được đánh giá là một trong những thí sinh mạnh năm nay.

Theo phía BTC, các màn xuất hiện của thí sinh đều trải qua nhiều buổi tổng duyệt trước đó. Thí sinh có ý tưởng sẽ đề xuất với đạo diễn, xem xét có phù hợp hoặc đưa ra góp ý.

Ngoài ra, các cô gái được huấn luyện viên, chuyên gia của cuộc thi tư vấn thêm về ngữ điệu, âm sắc, cách thể hiện trên sân khấu.

Giám khảo Đỗ Long nhận xét: "Các thí sinh có phần hô tên vừa phải, đủ năng lượng. Một số tạo điểm nhấn bằng cách đọc thơ, hát, gây ấn tượng với tôi".

Ông Dương Trung Quốc đánh giá các thí sinh sáng tạo, bộc lộ sự tự tin. Theo nhà nghiên cứu lịch sử, trước đây điều này có thể chưa phù hợp tại các cuộc thi sắc đẹp. Còn ở xã hội hiện đại, hội nhập, điều này phù hợp, nhằm tạo sự mới mẻ, miễn không quá đà hoặc đi ngược thuần phong mỹ tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.