Thị trường

Chuyên gia hiến kế rút ngắn khoảng cách thị trường vàng

25/03/2024, 19:19

Việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá giữa Việt Nam và thế giới.

Kiến nghị bỏ cơ chế độc quyền

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 22 về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý.

Cụ thể, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Theo NHNN, việc có mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng hay không thì phải dựa trên phân tích, đánh giá rất kỹ các tác động đối với tỷ giá, ngoại hối, kinh tế vĩ mô, tâm lý người dân. Đồng thời, chính sách mới cũng phải góp phần ổn định thị trường vàng trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ.

Chuyên gia hiến kế rút ngắn khoảng cách thị trường vàng- Ảnh 1.

Việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá giữa Việt Nam và thế giới (Ảnh: Hoàng Anh).

Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch hôm nay 25/3, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 78,2-80,22 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.169 USD/ounce. Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang chênh lệch với giá vàng SJC trong nước khoảng 14,44 triệu đồng/lượng.

Xóa bỏ độc quyền vàng, cách nào?

Đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của NHNN tương đồng với đề xuất trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới là điều cần thiết.

"Khi có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ thì các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa. Giá vàng theo đó sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền", TS Hiếu phân tích.

Hiện, chỉ có NHNN được nhập khẩu vàng, do đó nguồn cung vàng trên thị trường không dồi dào nên khi xuất hiện lực mua hoặc bán sẽ làm cho giá tăng, giảm đột biến.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Dù theo xu hướng thế giới nhưng không liên thông và tăng đồng điệu với nhau. Vì vậy, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao, cộng với chênh lệch mua - bán cao là rủi ro cho người mua.

Nguồn cung vàng miếng SJC trở nên khan hiếm, và tính thanh khoản cao hơn so với vàng nhẫn và vàng trang sức, nên giá thường cao hơn thế giới. Tuy nhiên với vàng nhẫn, gần đây có tốc độ tăng rất nhanh, hơn cả vàng miếng và khan hàng là hiện tượng khá mới mẻ cần quan sát.

NHNN nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới, đồng thời kiểm soát việc mua vàng của họ bằng hạn ngạch xuất nhập khẩu (Quota) trong một năm, TS Hiếu nêu quan điểm.

Về lâu dài, theo chuyên gia này, một giải pháp nhằm tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.

Đánh giá về đề xuất bỏ độc quyền của NHNN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc chậm trễ bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng đã xảy ra nhiều hệ lụy. Tiêu biểu như giá vàng trong nước neo cao khiến xảy ra buôn lậu vàng, ảnh hưởng tỷ giá, nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Bất bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp vàng, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.

“Trước sự quyết liệt của Thủ tướng, NHNN có đề xuất bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Nếu NHNN sớm bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giảm bớt hệ lụy tiêu cực, có tác dụng tốt hơn cho thị trường vàng”, ông Long nói.

Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông Nguyễn Đức Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho rằng cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo các quy định của nhà nước, có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức.

"Khi có cơ hội đó, các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng. Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp cũng sẽ an toàn hơn tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi", ông Nguyễn Đức Anh cho biết.

"Việc Chính phủ xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia cũng là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Sàn vàng này sẽ cung cấp một nền tảng để những thông tin liên quan đến giá cả, giao dịch mua bán được công bố rộng rãi", Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.