Đường bộ

Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn

01/03/2024, 06:30

Chú trọng đời sống người lao động từ bữa ăn, giấc ngủ đến trau dồi chuyên môn, chưa từng có chuyện chậm lương, nợ thưởng, ở Đèo Cả, có những người lao động đã gắn bó hơn một thập kỷ và không muốn rời đi…

Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 1.

Người lao động gắn bó lâu năm và không ngừng được trau dồi chuyên môn đã giúp Đèo Cả có được nguồn nhân lực chất lượng, chinh phục nhiều công trình giao thông quy mô trên khắp đất nước.

Có "của ăn, của để" nhờ chế độ phúc lợi tốt

"Ny thương yêu!

13 năm về trước (tháng 9/2010), mẹ là một cô sinh viên mới ra trường về làm việc cho Ban QLDA Đèo Cả.

Mùa Xuân năm nay, mẹ vẫn đang làm việc tại văn phòng Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Đèo Cả (TMC Đèo Cả).

Mẹ vẫn đang và luôn gắn bó với tập đoàn. Sau này khi có tuổi, mẹ có thể tự hào kể với con cháu của mình rằng: "Tuổi thanh xuân của mẹ gắn liền với Tập đoàn Đèo Cả. Những bước chân đầu tiên và đến mãi sau đều gắn bó với Đèo Cả. Mẹ tự hào giới thiệu rằng nơi đây mẹ đã làm việc, đã gắn bó…", đó là những lời tâm sự được Trần Thị Mỹ Liên, chuyên viên hành chính nhân sự Phòng Tổng hợp, TMC Đèo Cả gửi gắm đến đứa con của mình trong bài viết tham dự cuộc thi "Đèo Cả trong tôi".

Những ngày giữa tháng 2/2024, gặp Liên vào một ngày Phú Yên đón nắng đẹp, PV lại càng cảm nhận rõ tình yêu cô dành cho đơn vị mình công tác.

Tình yêu ấy không phải bằng những từ hoa mỹ mà bằng chính sự hiểu biết của chính cô về môi trường làm việc. Từ văn phòng làm việc, trung tâm điều khiển, vận hành, khu vực nhà ăn đều được Liên giới thiệu đến các vị khách đến thăm một cách cặn kẽ, tường tận mà không cần bất kỳ tài liệu gì trên tay.

Lý do nào khiến bạn có thể làm việc ở một nơi lâu đến thế? "Đồng lương xứng đáng với công sức lao động, chế độ phúc lợi tốt và không ngừng được cải thiện thì còn mong gì hơn nữa hả anh?", Liên đáp.

Cùng làm việc tại TMC Đèo Cả, anh Đào Quang Cẩm, Đội trưởng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhớ lại thời điểm năm 2015, sau 7 năm gắn bó với một công ty dầu khí, quyết định về với Đèo Cả được đưa ra.

Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 2.

Anh Đào Quang Cẩm, Đội trưởng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - TMC Đèo Cả.

"Ở công ty dầu khí, lương chỉ hơn 4 triệu mỗi tháng. Vợ làm công nhân cho công ty điều, thu nhập cũng chẳng được là bao.

Khi ấy, hai vợ chồng lại quyết định tham gia bảo hiểm cho đứa con gái lớn với mong muốn sau cháu lên đại học có đồng vốn để trang trải.

Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt, tiền đóng bảo hiểm cho con (khoảng 10 triệu/năm) nhiều lúc phải vay thêm hai bên nội, ngoại. Bối cảnh ấy đã thôi thúc tôi xin việc vào Đèo Cả để có được cuộc sống tốt hơn", anh Cẩm chia sẻ và phấn khởi cho biết, với mức lương được TMC Đèo Cả chi trả cao gấp 2 - 3 lần so với thu nhập "ba cọc, ba đồng" ngày xưa, vợ chồng anh không những có được của ăn, của để mà còn mua được căn nhà riêng ở Tuy Hòa (Phú Yên).

Không chỉ được hưởng mức thu nhập tốt hơn, được hưởng lương đúng hạn, lấy thưởng đúng kỳ mà theo anh Cẩm, tại Đèo Cả, người lao động cũng được hòa nhập môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn với những trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đầy đủ và được đào tạo bài bản, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Ở Đèo Cả không chỉ là thu nhập, là nâng cao năng lực mà còn khiến người lao động gắn bó bởi tinh thần vì cộng đồng, tri ân người dân. Cứ nhớ đến khoảnh khắc đứng trực phát nước, khăn lạnh, bánh ngọt cho người dân di chuyển về quê ăn Tết như vừa qua, tôi lại càng muốn gắn bó với nơi này.
Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 3.Anh Đào Quang Cẩm, Đội trưởng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TMC Đèo Cả

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Việt Cường, Phó giám đốc TMC Đèo Cả cho biết, tính đến hiện tại, tổng số nhân sự của đơn vị là 255 người. Trong đó, người có thâm niên thấp nhất là 5 năm, lao động xin nghỉ việc gần như không có.

"Tìm được công việc tốt, có những anh/chị rủ cả vợ/chồng vào làm cùng. Tổng cộng hiện tại, TMC Đèo Cả có không dưới 10 cặp vợ chồng", niềm nở chia sẻ, ông Cường cho biết thêm, đặc thù công tác vận hành hầm là phải hoạt động liên tục 24/7, đảm bảo giao thông thông suốt, xác định sức khỏe của người lao động đóng vai trò quyết định, tại TMC Đèo Cả, các cán bộ, công nhân được chăm lo kỹ lưỡng từng bữa ăn, giấc ngủ.

Riêng trong khuôn viên trụ sở làm việc được đầu tư tới 15 phòng ngủ, diện tích 15m2/phòng (2-3 giường) để phục vụ các ca trực luân phiên.

Rời TMC Đèo Cả đặt chân đến công trường gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, hiện ra trước mắt PV là khu lán trại khang trang nằm giữa công trường bộn bề đất, đá, bụi bặm.

Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 4.

Anh Đỗ Ngọc Kiên, Ca trưởng phụ trách thi công mái cơ cửa hầm Tuy An thuộc dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.

Anh Đỗ Ngọc Kiên, Ca trưởng phụ trách thi công mái cơ cửa hầm Tuy An hồ hởi chia sẻ: Trụ sở ban điều hành của Đèo Cả như một trụ sở làm việc chuyên nghiệp, được thiết kế, đầu tư trang thiết bị bài bản theo từng phân khu: từ văn phòng làm việc, phòng họp đến bếp ăn, phòng ở.

"Sướng nhất là ở ban điều hành còn có sân bóng, tiểu cảnh thư giãn nên ra công trường có mệt thật, song, khi về lán trại, anh em công nhân như bước vào một không khí khác, thoáng đãng và dễ chịu", anh Kiên nói.

25 năm gắn bó với ngành xây dựng, rời doanh nghiệp cũ đến với Đèo Cả từ công trình hầm bao biển Quảng Ninh đến các tuyến hầm: Thung Thi, Trường Vinh, Tuy An, anh Kiên cho biết, điều yên tâm nhất ở đơn vị công tác hiện tại là nơi ăn, chốn ở.

"Khoảng hơn 10 năm về trước, nhiều doanh nghiệp cũng luôn xác định tinh thần ở công trường không được như ở nhà thì cũng phải đáp ứng 70 - 80% nhu cầu. Thế nhưng, thực tế chỉ được 40%.

Ở lán trại của Đèo Cả thì khác, thay vì những căn phòng quây tôn tạm bợ, nắng thì nóng, mưa thì dột, gió bão nghiêng ngả, hiểm nguy như người ta vẫn nghĩ, chúng tôi được xây dựng phòng làm việc sạch sẽ, tiện nghi, phòng ngủ có đầy đủ bình nóng lạnh, điều hòa, giúp người lao động ổn định tinh thần, sức khỏe làm việc", anh Kiên giãi bày.

Cũng giống như nhiều người khác, anh Kiên thừa nhận, một lý do nữa tạo động lực cho bản thân gắn bó với doanh nghiệp hiện tại là kỹ sư, công nhân chưa bao giờ bị chậm lương, chậm thưởng hay thiệt thòi về chế độ đãi ngộ.

Tuyển hơn 3.000 nhân sự trong năm mới

Không chỉ riêng chị Liên, anh Cẩm hay anh Kiên, theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, nhiều năm qua, tình trạng nợ lương là điều chưa từng xảy ra đối với hơn 7.000 lao động của Đèo Cả.

Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 5.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả.

"Chế độ trả lương của Tập đoàn đã hình thành một văn hoá không bao giờ nợ hay chậm lương.

Ngay cả những lúc khó khăn nhất, thay vì để người lao động tạm nghỉ, cắt giảm lương, chúng tôi luôn chủ động khắc phục, bố trí công việc phù hợp bên cạnh việc dự phòng các quỹ tài chính để doanh nghiệp quản trị rủi ro", ông Nam nói.

Tổng quan về nguồn nhân lực của đơn vị, ông Nam cho biết, tính đến hết 31/12/2023, tổng số nhân sự của Tập đoàn là 7.377 người, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng sản lượng công việc tăng 60%).

Riêng năm 2023, tổng số nhân sự được tuyển dụng tại Tập đoàn Đèo Cả là 3.080 người, tăng 79% so với năm 2022.

Trong đó, khối công trường là 2.756 người (chiếm tỷ lệ 90%), khối văn phòng là 324 người (chiếm tỷ lệ 10%).

"Với khối lượng công việc năm 2024 tăng xấp xỉ 30% so với năm trước đó, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động tại Tập đoàn trong năm nay lên đến hơn 3.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước", ông Nam chia sẻ.

Không chỉ nhân sự trong nước, xác định để vươn tầm quốc tế, đội ngũ nhân sự phải có tầm quốc tế, chúng tôi đã có sự hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trường đào tạo trên thế giới hợp tác, đào tạo nhân sự của Tập đoàn. Riêng các kỹ sư nước ngoài, có những nhân sự chúng tôi đang trả lương lên đến 15.000USD/ tháng để cùng đồng hành.
Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 6.Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả

Xác định con người và văn hoá là những thứ không thể vay mượn mà tự doanh nghiệp phải tự xây dựng và phát triển, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện.

Các hoạt động đào tạo được triển khai đa dạng với nhiều hình thức, gồm cả nội bộ và kết hợp với đơn vị bên ngoài, cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 7.
Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 8.
Chuyện thu hút người lao động của doanh nghiệp giao thông lớn- Ảnh 9.

Khu lán trại được xây dựng khang trang cùng những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng được Tập đoàn Đèo Cả chăm lo cho công nhân tại công trường dự án.

Riêng năm 2023, khối công trường có 1.568 nhân sự được đào tạo tập trung vào các ngành nghề, công việc mang tính đặc thù của Tập đoàn như thợ mìn, thợ khoan, thợ phun, lái xe, lái máy công trình...

"Có thể nói, Đèo Cả không chỉ là một môi trường doanh nghiệp lý tưởng để làm việc, đây còn là nơi góp phần "tôi luyện" những thế hệ nhân tài "thực chiến" cho đất nước", ông Ngọ Trường Nam chia sẻ và cho biết thêm, nhằm tạo động lực để người lao động, đặc biệt là nhân sự trẻ gắn bó lâu dài với công việc, việc ưu tiên đào tạo, phát triển, bổ nhiệm từ nguồn nội bộ phù hợp văn hóa luôn được doanh nghiệp chú trọng.

Bên cạnh đó còn là chính sách ưu đãi về thưởng, mua cổ phần cho các nhân sự đạt thành tích tốt, nhân sự gắn bó lâu năm đã tạo động lực cho người lao động tiếp tục làm việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.