Giao thông

Có thể trả tiền qua trạm BOT bằng tin nhắn điện thoại

18/06/2018, 15:55

Do lái xe ngại ra ngân hàng, VETC đã triển khai hình thức nạp tiền qua trạm BOT bằng bằng tin nhắn SMS.

IMG_9134

Tuyên truyền dán thẻ thu giá tự động không dừng tại Tổng cục Đường bộ

Sáng nay (18/6), Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức hội nghị tuyên truyền dán thẻ thu tự động không dừng tới các doanh nghiệp vận tải, các bến xe, các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa ban TP Hà Nội. 

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện có 25 trạm vận hành thương mại. Trong đó, với các trạm cửa ngõ Hà Nội, hiện có trạm Hà Nội - Bắc Giang đã triển khai thu không dừng, đến tháng 9 sẽ triển khai trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đề cập lợi ích của thu giá không dừng, bà Hiền cho biết, thu tự động không dừng chuyển đổi từ vé giấy sang vé điện tử, thuận tiện cho doanh nghiệp. Với vé giấy, doanh nghiệp phải cử người đến tận trạm để mua vé tháng, vé quý và phải theo dõi thanh quyết toán. Khi áp dụng thu không dừng, Tổng cục Đường bộ VN sẽ giám sát được doanh thu của nhà đầu tư BOT và công khai trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, khi áp dụng hình thức này, doanh nghiệp vận tải ngồi nhà cũng có thể mua vé qua trạm. Khi dán thẻ, không bắt buộc doanh nghiệp phải nạp tiền ngay, chỉ khi nào doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mới phải nạp tiền vào tài khoản thu không dừng.

“Theo lộ trình quyết định 07 của Thủ tướng, đến cuối năm nay các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ phải áp dụng thu không dừng, nếu không thực hiện doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong lưu thông”, bà Hiền nói.

Bà Bùi Thị Phương Lan, giám đốc HTX Vận tải Thăng Long cho rằng, đây là hình thức thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng đối với những lái xe không sử dụng điện thoại thông minh rất khó khăn trong việc nạp tiền. "Chúng tôi nạp tiền cho một quý nhưng trong quý đó không sử dụng hết tiền, tiền đó có được chuyển sang quý sau không?", bà Lan đặt câu hỏi.

Giải đáp thắc mắc, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, doanh nghiệp sẽ quản lý được tập trung, kế toán doanh nghiệp mua vé tập trung, thay vì yêu cầu lái xe giữ vé giấy, doanh nghiệp chỉ cần in báo cáo sao kê để thanh toán thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể theo dõi được ngày giờ xe đi qua trạm. Ngoài ra, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí do không mất thời gian chờ qua trạm, tiết kiệm nhiên liệu hao mòn xe do không phải dừng lại nhiều lần.

“VETC sẽ dán thẻ miễn phí lần đầu cho trên 2 triệu phương tiện với nhiều hình thức dán thẻ tại các trạm đăng kiểm, các ki ốt trên đường. Doanh nghiệp vận tải có thể nạp tiền tại các trạm BOT, đăng kiểm, đại lý ủy quyền của VETC, nạp tiền qua ngân hàng, ứng dụng bankplus, tiến tới sẽ nạp tiền qua thẻ cào Viettel. Phần lớn lái xe ngại ra ngân hàng nạp tiền, VETC còn cho phép nạp tiền qua tin nhắn SMS. Doanh nghiệp nạp tiền dùng không hết hoàn toàn có thể chuyển sang tháng sau hoặc chuyển qua xe khác”, ông Hà cho biết.

Cũng theo ông Hà, TP Hà Nội là nơi có lưu lượng xe lớn với các cửa ngõ như đường cao tốc Hà Nội  -Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ triển khai xong trong năm 2018. “VETC đã làm việc với ngân hàng để có dịch vụ hợp tác 3 bên giữa doanh nghiệp vận tải, Công ty VETC và ngân hàng sẽ cho phép doanh nghiệp vận tải có uy tín trả sau, ngân hàng sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vận tải và sau đó đến cuối tháng sẽ thanh toán một lần. VETC sẽ chuyển tất cả các nghiệp vụ vé giấy sang vé điện tử bao gồm cả vé tháng và vé quý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, một tài khoản doanh nghiệp có thể nạp tiền cho hàng trăm xe”, ông Hà cho biết.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện đã có trên 500.000 xe đã được dán thẻ, Tổng cục Đường bộ mong muốn con số này tăng lên để người dân sử dụng tiện ích này tăng cao hơn nữa. Theo lộ trình đến hết năm 2019, các trạm BOT trên cả nước sẽ bắt buộc triển khai thu không dừng, nếu không dán thẻ người dân, doanh nghiệp sẽ khó lưu thông", bà Hiền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.