Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất xây điểm dừng chân ngắm cảnh trên cao tốc

Tại phiên thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Đường bộ sáng nay (24/11), nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến về xây dựng khai thác cao tốc, các quy định về xe công nghệ, xe đưa đón học sinh, quỹ đất giao thông đô thị...

Hôm nay (24/11), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Đường bộ.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật đường bộ - Ảnh 1.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ GTVT: Sẽ phối hợp với Bộ Công an rà soát dự thảo Luật Đường bộBộ trưởng Bộ GTVT: Sẽ phối hợp với Bộ Công an rà soát dự thảo Luật Đường bộ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi trong áp dụng pháp luật.

Đề xuất bổ sung điểm dừng ngắm cảnh khi làm cao tốc

Tham gia góp ý tại nghị trường, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn tỉnh Bình Định) đã kỳ công xây dựng các bảng minh họa để bài phát biểu sinh động, dễ hiểu hơn.

Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Cảnh cho rằng, một đất nước văn minh, hiện đại như thế nào sẽ được thể hiện qua giao thông, vì ai cũng nhìn thấy và ai cũng tham gia.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn tỉnh Bình Định).

Qua các bảng minh họa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã giới thiệu kinh nghiệm một số nước, các điểm lưu ý cần thiết khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ hiện đại. Cụ thể như trạm dừng chân, điểm ngắm cảnh, điểm dừng nghỉ,…

Theo đại biểu đất nước ta trải dài từ Bắc tới Nam, non sông gấm vóc rất đẹp, trên đường cao tốc, chúng ta chỉ có thể đi lướt qua mà không dừng lại ngắm được. Nếu dừng lại giữa đường để chụp hình thì rất nguy hiểm.

Ở nước ngoài, họ làm các điểm dừng ngắm cảnh để có thể dừng lại vừa thưởng thức thiên nhiên vừa tạm dừng nghỉ.

Do đó, đại biểu mong muốn bổ sung thêm điểm dừng ngắm cảnh trong dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh mong muốn, dự thảo Luật Đường bộ được khi xây dựng sẽ thể hiện được tính hiện đại, hiệu quả; còn dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ thể hiện được tính khoa học, văn minh.

Khẳng định dự án Luật Đường bộ là một dự án Luật quan trọng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất, nội dung dự thảo Luật này tiếp tục được đưa vào thảo luận kỹ càng ở kỳ họp gần nhất.

Cần quy định tỉ lệ quỹ đất giao thông cho đô thị cải tạo

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, Điều 15 quy định, không bao gồm phần công trình giao thông đi dưới mặt đất; Hiện tại, dưới mặt đất có thể làm bến, bãi chứa xe hoặc các công trình phụ trợ khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ thì có được tính vào quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ hay không?

“Nên thay cụm từ “không bao gồm phần công trình đường giao thông đi dưới mặt đất” bằng cụm từ “không bao gồm phần kết cấu hạ tầng giao thông dưới mặt đất”, ông Tiến nói.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc).

Cũng tại khoản 4 của Điều 15 quy định về tỉ lệ quỹ đất giao thông đối với đô thị xây dựng mới. Tuy nhiên, đại biểu Tiến cho rằng, quy định ở đây chỉ dành cho đô thị xây dựng mới, còn đô thị cải tạo, nâng loại và khu dân cư chưa được đề cập.

Đại biểu đến từ đoàn Vĩnh Phúc cho rằng mình băn khoăn nhất là quỹ đất giao thông quy định tại điểm b đến điểm đ khoản 4 của Điều 15.

“Chính những quy định này là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, lãng phí trong đầu tư xây dựng, gây khiếu kiện trong giải phóng mặt bằng khi mở rộng các tuyến đường”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng, thực tế đã có mấy đô thị được đầu tư theo quy định, hầu hết các đô thị từ loại 3 trở lên đều xuất phát điểm từ các đô thị loại 4, loại 5 có tỉ lệ đất giao thông rất thấp.

Khi đô thị được nâng cấp lên loại cao hơn thì quỹ đất trong đô thị hiện hữu làm sao đáp ứng được theo. Nếu không mở rộng đường trong các đô thị hiện hữu sẽ gây ùn tắc giao thông, nếu mở rộng đường sẽ gây tốn kém trong đầu tư và gây nhiều hệ lụy cho xã hội trong công tác giải phóng mặt bằng như hiện nay

“Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về tỉ lệ đất giao thông cho phù hợp khi đầu tư được nâng loại hoặc kết hợp với quy định về chỉ giới xây dựng trong quy hoạch đô thị để đảm bảo tỉ lệ quỹ đất giao thông phù hợp với loại đô thị được nâng cấp”, ông Tiến nói.

Đề nghị bổ sung quy định không đổi tên đường để tránh lãng phí

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn tỉnh Đắk Nông) nêu thực tế thời gian qua, khi quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị, chính quyền địa phương thường áp dụng đặt tên đường theo tên người có công với đất nước qua các thời kỳ lịch sử, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau, niềm tự hào dân tộc nhưng có trường hợp thay thế tên cũ bằng tên mới.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn tỉnh Đắk Nông).

Do đó, đề nghị cần bổ sung quy định tại Điều 14 dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên những tên gọi đã có trên tuyến đường cũ, không đổi sang tên khác nhằm đảm bảo tính ổn định, tránh lãng phí nguồn lực khi thực hiện chuyển đổi, nhất là khi người dân phải thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến địa chỉ tên đường.

Đồng thời, cũng cần có quy định cụ thể về các lựa chọn, sử dụng đặt tên đường, vì các danh nhân lịch sử thời phong kiến thường có tên húy và tên theo tước hiệu, nhưng một số địa phương sử dụng cả hai tên của một người cho hai tuyến đường trên cùng một địa bàn.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Ta có thể thấy ở một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình thức này vừa giảm ùn tắc vừa góp phần bảo vệ môi trường, tiến đến áp dụng hoạt động vận tải đưa đón cán bộ công nhân ở các khu công nghiệp, đưa đón học sinh để phù hợp với tình hình xã hội, đảm bảo quy định an toàn với loại hình này. 

Cần quy định cụ thể về khoảng cách, chiều rộng phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ

Tại Điều 18, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn tỉnh Yên Bái) nhận thấy, cần bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo luật về việc xác định giới hạn khoảng cách là bao nhiêu mét chiều rộng đối với phần đất để bảo vệ, bảo trì ngoài đường đô thị đối với đường có nền đắp đường có nền đào, cầu, cống, rãnh, hố thu và các hạng mục công trình trên đường bộ....

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn tỉnh Yên Bái).

Quy định cụ thể khoảng cách là mét chiều rộng phần đất đối với hành lang an toàn đường bộ phù hợp với cấp kỹ thuật của tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ công trình đường bộ và quản lý đường bộ theo quy hoạch. Qua đó thuận tiện hơn trong việc quản lý, sử dụng mốc giới, lộ giới hành lang an toàn đường bộ; đồng thời thuận tiện cho cơ quan chức năng khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các tuyến đường.

Trong trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định cụ thể này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản là Chính phủ quy định chi tiết nội dung này vào Điều 17 và Điều 18 của dự thảo Luật để Chính phủ có căn cứ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Cần chính sách phát triển giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum ) đề nghị có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực vùng sâu vùng xa và việc huy động xã hội hóa”.

Trường hợp các quy định trong dự thảo luật đã có nội dung liên quan, đại biểu Phước kiến nghị ban soạn thảo giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật.

Về sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể chặt chẽ hơn về cơ chế kiểm soát hoạt động của người sử dụng đất trên phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp.

Về vận tải hành khách bằng xe ô tô, đại biểu đề nghị có giải pháp và chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm; đồng thời bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ đối với đến với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng.

Không để trạm thu phí một nơi lại thu cho một nơi khác

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) ghi nhận dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách một luật thành hai luật, tuy nhiên vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).

Đại biểu cho rằng chính sách phát triển đường bộ còn khá chung chung, đề nghị cân nhắc hoàn thiện Điều 5 dự thảo Luật.

Về trạm thu phí đường bộ, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị quy định rõ nơi đặt trạm, tránh trường hợp trạm ở một nơi lại thu cho một tuyến đường khác.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị rà soát để tránh quá cụ thể, bảo đảm phổ quát hơn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Điều 24 về xây dựng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật, Điều 32 về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hay các điều quy định về đường cao tốc…cần lồng ghép điều khoản về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về Điều 50, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi xây dựng cao tốc, đại biểu Huân cho biết nội dung này đã quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai, do đó, đề nghị không nên đưa vào luật Giao thông đường bộ.

Một xe chở học sinh lại được quản lý bằng hai luật

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn tỉnh Nam Định) cơ bản tán thành xây dựng 2 Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn đường bộ. Song, đại biểu nhận thấy trong quá trình xây dựng còn nhiều vấn đề cần phân biệt rõ để chuyển sang một luật hay để trong hai luật.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 7.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn tỉnh Nam Định).

Ví dụ về xe đưa đón học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ điều 72 khoản 2 quy định lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách nhưng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định về người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non; với xe trên 24 chỗ phải có hai người quản lý trở lên.

Đại biểu đặt vấn đề, một xe chở học sinh nhưng lại được quản lý bằng hai luật, vậy khi thực tế áp dụng thì sẽ phiền phức, khó khăn với cả người tổ chức kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý, nên đưa quy định về thâm niên người lái xe vận tải học sinh về luật Trật tự ATGT đường bộ.

Góp ý về chính sách phát triển hoạt động đường bộ, theo khoản 2 ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng nên áp dụng với cả tàu trên cao, tàu điện ngầm… Đại biểu Dũng cũng đề nghị cân nhắc đổi tên của Luật thành Luật hoạt động đường bộ để bao phủ mọi lĩnh vực cả vận tải, cả quy hoạch.

Cần làm rõ quy định xe công nghệ, xe đưa đón học sinh

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, dự thảo luật nêu rõ, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 8.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải có hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Như vậy, dự thảo luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo luật. Đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật”, ông Bình nói.

Ngoài ra, ông Thạch Phước Bình cho biết, thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.

Cùng đề cập đến vấn đề này trong phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, còn một số quy định chưa hợp lý ví dụ việc quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ là chưa hợp lý vì điều 61 khoản 13 của dự thảo luật quy định hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hoá trên đường bộ.

Trong khi đó, các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh. Trong nhiều trường hợp, khó phân biệt đây có phải hoạt động kinh doanh hay không.

Đại biểu đề nghị quy định rõ với dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là nhà trường, tránh tình trạng giao cho ban phụ huynh thực hiện. 

Về xe công nghệ, theo đại biểu Thoa, Dự thảo luật chưa quy định vận tải hành khách đang hoạt động phổ biến hiện nay là hoạt động liên tỉnh theo yêu cầu, không có hợp đồng bến bãi, đưa đón tận nhà , sử dụng phương tiện như xe 5-7 chỗ. Khách không cần đặt xe qua ứng dụng, không cần đến bến xe, chỉ cần gọi điện đặt giờ.

Phương thức này rất được ưa chuộng nhưng chưa được quản lý chặt chẽ, đề nghị nghiên cứu để có thể quản lý.

Tránh chồng chéo khi xây dựng các trung tâm quản lý, chỉ huy giao thông

Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị bổ sung hành vi cấm từ chối vận chuyển đối với “người gặp sự cố nghiêm trọng về sức khỏe khác”; bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính toàn diện.

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 9.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương).

Về xây dựng, quản lý, sử dụng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, Trung tâm chỉ huy giao thông, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết cả dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều có quy định liên quan nội dung này.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về cách thức triển khai thực hiện và đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, trùng lắp, lãng phí và có thể xem xét hợp nhất việc đầu tư xây dựng vận hành hai Trung tâm trên.

“Trong quá trình thiết kế, xây dựng đường bộ, các Trung tâm quản lý, chỉ huy giao thông và các công trình phụ trợ khác cần có phương án thi công tối ưu với các ngành liên quan như điện, viễn thông, cống thoát nước” đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu rõ.

Cần bổ sung quy định về công trình ngầm, giao thông thông minh

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm đồng) cho biết, với xu thế phát triển công trình ngầm trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và rút kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Đường bộ - Ảnh 10.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm đồng) tại phiên thảo luận về Luật Đường bộ sáng nay (24/11).

Đây là hình thái phát triển đô thị lấy phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Phát triển không gian ngầm mang lại lựa chọn tốt hơn cho đô thị và xu hướng phát triển đô thị trong tương lai, tối ưu hoá tài nguyên đất mức độ sử dụng đất để đạt được những mong muốn phát triển xã hội bền vững trong tương lai.

Về điều khoản ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm đỗ dừng trông giữ phương tiện thân thiện môi trường, trạm sạc phương tiện điện, đại biểu Tạo đánh giá đây là hoạt động mang tính tích cực, sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Song, ông góp ý vào việc hiện tại dự luật chỉ ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng đỗ trông giữ phương tiện giao thông thân thiện môi trường, chưa gắn với hệ thống giao thông thông minh.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng điểm dừng đỗ trông giữ phương tiện giao thông thông minh nhằm tiết kiệm, tối ưu hoá mặt bằng sử dụng đất đai, tạo điều kiện để tiết kiệm thời gian tiền bạc. Vì vậy, cần chỉnh sửa chính sách này để bảo đảm phát triển giao thông minh bao trùm hoạt động đường bộ.

Bên cạnh đó, ông Tạo góp ý thêm về điều khoản quy định hệ thống giao thông đường thông minh. Đại biểu khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, thiết thực bởi hệ thống giao thông thông minh mang lại lợi ích thực tiễn to lớn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đi lại vận chuyển hàng hoá.

Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung về giao thông thông minh như đèn tín hiệu giao thông thông minh, kiểm soát vận tải xe bằng công nghệ cân tự động, hình thành dữ liệu xử phạt hành chính nguội, có kết nối giữa cơ quan quản lý với chủ sở hữu phương tiện để khi xử lý vi phạm hành chính mang tính thuyết phục, áp dụng trong thời gian tối ưu nhất, từng bước nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Không chỉ ưu tiên xe buýt, xe điện

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho biết, tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn.

Khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm hệ thống đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (bao gồm xe buýt nhanh - BRT, xe buýt).

Ngoài ra, đại biểu Sơn và nhiều đại biểu khác đề nghị cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cho phù hợp với Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn.

Đồng thời cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đồng bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của Dự thảo Luật.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đề cập một trong các nguyên tắc hoạt động đường bộ là thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện mà chưa đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ khí CNG, LNG, sau này là Hydro. Đây đều được coi là phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện môi trường.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần rà soát, thay thế cụm từ “trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện” thành “trạm sạc/nạp cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện với môi trường” trong toàn bộ dự thảo Luật.

Giải thích thêm, đại biểu cho biết các loại xe này còn cần nạp khí CNG, LNG và Hydro.


Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ đọc tờ trình dự án luật.

Bộ trưởng cho biết, sau 15 năm, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ.

"Việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là rất cần thiết, được kỳ vọng tạo cơ chế để huy động tối đa nguồn lực, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ", bộ trưởng nói.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. Ba chương của Luật này được chuyển sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đó là các chương về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ sẽ bổ sung quy định tổ chức giao thông phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ, trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa thêm quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; Bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, thanh toán điện tử giao thông.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.