Xã hội

Đại biểu Quốc hội hiến kế "bịt lỗ hổng", thu hút nhân tài cho Thủ đô

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cho Hà Nội, từ đó giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá.

Cần chính sách tìm kiếm, phát hiện nhân tài

Sáng nay (27/11), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, quy định về nội dung tại dự thảo luật còn chưa rõ, chưa đầy đủ.

ĐBQH: Cần bịt lỗ hổng thu hút nhân tài, tránh đạo tạo "đã đời" nhưng không về nước - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn TP Cần Thơ).

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

Vì vậy, theo đại biểu, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời, cần làm rõ hơn khái niệm nhân tài.

"Cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi "đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", đại biểu Hùng đề nghị.

ĐBQH: Cần bịt lỗ hổng thu hút nhân tài, tránh đạo tạo "đã đời" nhưng không về nước - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông).

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Đây sẽ là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.

Tuy nhiên, để quy định này khả thi hơn, đại biểu Mai cho rằng, cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, quy định rõ về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ để thu hút, giữ chân được người tài.

Cần chính sách đặc thù thu hút nhân tài

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.

Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

ĐBQH: Cần bịt lỗ hổng thu hút nhân tài, tránh đạo tạo "đã đời" nhưng không về nước - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng thống nhất, đối với Hà Nội cần phải có chế độ chính sách đặc thù về thu hút nhân tài như TP.HCM.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng, trong dự thảo chỉ ghi chung chung, chưa giải thích được rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý để đào tạo, thu hút nhân tài.

"Ví dụ như đào tạo học sinh, sinh viên có cơ chế đặc thù như thế nào? Thời gian qua, ở một số nơi đào tạo cho "đã đời" nhưng sinh viên không về nước, thậm chí về nước thì không phục vụ cho cơ quan nhà nước mà phục vụ cho tư nhân. Vì vậy cần phải có quy định rõ ràng, tránh lãng phí ngân sách", ông Hòa nói.

Từ đó ông Hòa đề xuất, cần phải có quy định cụ thể, khi sinh viên được cử đi đào tạo bằng tiền ngân sách thì phải ràng buộc thời gian phục vụ cho TP Hà Nội bao nhiêu năm, từ đó mang lại hiệu quả thực tiễn từ đào tạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.