Xã hội

Đại biểu Quốc hội nêu lý do cần hạn chế tối đa thu hồi đất

21/06/2023, 19:24

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần hạn chế tối đa các trường hợp thu hồi đất, vì dù có bồi thường mức cao cũng không thay thế được sự an cư.

Bồi thường đất ở mức cao cũng không thay thế được an cư của người dân

Ngày 21/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) chia sẻ, đất đai luôn là vấn đề "nóng". Trong buổi thảo luận tại hội trường ngày 21/6, có 3 nội dung lớn được các đại biểu quan tâm, bao gồm: công tác thu hồi; hỗ trợ, tái định cư và bồi thường.

img

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Ngân cho rằng, phải có những quy định chi tiết các trường hợp thu hồi đất và cần hạn chế tối đa những trường hợp thu hồi đất.

"Cần lưu ý, cho dù có bồi thường ở mức cao cũng sẽ không thể thay thế được sự an cư của người dân. Khi người dân đã mua đất chọn chỗ ở, tức là trước khi mua họ đã có sự nghiên cứu các yếu tố về môi trường xung quanh, gia đình, truyền thống, quê hương", ông Ngân phân tích.

Từ đó, ông Ngân đề xuất, khi thu hồi đất phải có kế hoạch truyền thông tốt, có sự tham gia của các tổ chức dân cử giám sát ngay từ khi có chủ trương triển khai các dự án.

Một vấn đề khác liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được dư luận quan tâm, đó là sử dụng đất công làm sao để hiệu quả.

Theo đại biểu Ngân, nếu để đất công lãng phí rất dễ dẫn đến những bức xúc. Bởi trong khi xã hội đang rất cần nguồn lực về tài chính để đầu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội như giao thông, bệnh viện, trường học, chống ngập… thì lại đang có nhiều dự án đất công không được sử dụng hiệu quả, kể cả tài sản công.

"Cần phải giải quyết các dự án treo. Nếu để "treo" dài hạn, việc sử dụng đất sẽ càng lãng phí, quan trọng hơn là ảnh hưởng đến môi trường", đại biểu Ngân đề xuất.

Do đó, phải sử dụng công cụ thuế và thu hồi đất đối với dự án công. Cụ thể, cần quy định những dự án đầu tư để quá bao nhiêu năm mà không triển khai phải thu hồi. Nếu đất thuộc quyền sở hữu của người dân mà để lãng phí thì sử dụng công cụ thuế đất để hạn chế.

img

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội)

Hai miếng đất chung một con mương nhưng chênh giá tới chục lần

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết, luật không thể đưa được vấn đề xác định giá đất cụ thể như thế nào bởi giá đất luôn luôn biến động. Do đó, ông cho rằng chỉ nên đưa ra một quy định chung giá đất bám theo cơ chế thị trường là hợp lý.

Nêu dẫn chứng khi từng chứng kiến một miếng đất ở Sóc Sơn, một miếng đất ở Vĩnh Phúc cùng chung một con mương nhưng lại có hai mức giá khác nhau, bên Hà Nội 40 triệu đồng, bên tỉnh Vĩnh Phúc chỉ khoảng 4 triệu đồng.

"Vậy phải xử lý thế nào?", ông Cừ đặt câu hỏi và cho rằng, không thể đưa cụ thể vào Luật mà chỉ nên quy định xác định giá đất theo cơ chế thị trường, tính toán sao cho hợp lý nhất, tránh tình trạng định giá đất không sát khiến người dân thì quá thiệt thòi mà chủ doanh nghiệp kinh doanh lại được hưởng địa tô quá lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng nhấn mạnh: Để đảm bảo hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, phương pháp tính giá đất nên có thống nhất chung để người dân và các tổ chức khác căn cứ để thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.