Tài chính

“Đại sứ nón” làng Chuông mở đường ra thế giới

29/10/2023, 09:46

Những chiếc nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ để che mưa nắng, mà nhiều khi còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Người góp công lớn chính là nghệ nhân Tạ Thu Hương.

Khi chiếc nón không chỉ để che mưa nắng

Dẫn đoàn khách quốc tế về làng Chuông - nơi nổi tiếng với nghề làm nón lá, cách nội thành Hà Nội khoảng 30km, anh Nguyễn Tuấn Anh, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, đây là điểm du lịch yêu thích của du khách nước ngoài.

“Đại sứ nón” làng Chuông mở đường ra thế giới - Ảnh 1.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương.

"Không ai biết chính xác làng Chuông làm nón từ năm nào. Nhưng theo lời những cụ bô lão trong làng, từ thế kỉ thứ VIII, làng đã bắt đầu sản xuất nón", anh Tuấn Anh kể.

Đến làng Chuông, du khách không chỉ tìm hiểu quy trình sản xuất nón lá mà còn khám phá những tác phẩm nghệ thuật được thổi hồn từ sản phẩm truyền thống và kỷ lục gắn liền với tên tuổi của nghệ nhân Tạ Thu Hương, tác giả của những chiếc nón nổi tiếng.

Năm 2003, ba chiếc nón khổ lớn (đường kính 3m) được bà Hương chế tác, trưng bày ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chào đón SEA Game 22 đã để lại dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế.

Sau đó, chiếc nón khổng lồ với đường kính 3,6m, một trong những hình ảnh đặc trưng của nền văn hóa Việt, được chọn trưng bày tại Triển lãm "Di sản văn hóa Việt Nam", chào mừng Hội nghị cấp cao APEC năm 2006.

Để quảng bá nét văn hóa của người Việt, nghệ nhân Tạ Thu Hương dày công nghiên cứu, thay đổi mẫu mã. Ngoài sản phẩm truyền thống, người làng Chuông còn làm ra nhiều loại nón mới như nón lụa, nón quai thao, nón đạo cụ...

"Chiếc nón ngày nay chuộng mốt phủ một lớp lụa nhẹ nhàng, để tạo nên sự thanh thoát, lại hiện đại với nét óng ả của lụa, màu sắc phong phú, dễ kết hợp các loại váy áo", bà Hương nói và cho biết, nón của bà không chỉ để sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những bức tranh, họa tiết được vẽ lên một cách tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết.

Đó cũng là lý do bà Hương được nhiều người coi là "Đại sứ nón" làng Chuông.

Sung túc nhờ đan nón

Andre, một du khách người Pháp say sưa nghe câu chuyện của nghệ nhân Tạ Thu Hương. Anh quyết định mua 2 chiếc nón lụa và 3 chiếc nón khác thêu hình bản đồ, núi non và làng quê Việt Nam. Là họa sỹ, rất mê phong cảnh làng quê Việt Nam, Andre ao ước được về làng Chuông từ trước dịch Covid-19 nhưng nay mới thực hiện được.

Andre chỉ là một trong rất nhiều khách nước ngoài đến làng Chuông tìm mua nón vì tò mò về nét văn hoá cổ xưa, được thực hiện qua bàn tay của nghệ nhân Tạ Thu Hương. Chẳng thế mà sản phẩm của bà nổi tiếng và được xuất khẩu sang nhiều nước khắp châu Á, châu Âu.

Theo bà Hương, sau dịch Covid-19, trung bình cơ sở nón lá của bà đã xuất khẩu trên 5.000 sản phẩm/tháng, hơn 60.000 sản phẩm/năm, giúp nhiều người dân địa phương có công ăn việc làm tại chỗ.

Ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết, nghệ nhân Tạ Thu Hương những năm qua đã tạo ra nhiều sản phẩm nón độc đáo, xuất khẩu nón làng Chuông khắp trong và ngoài nước.

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, nghệ nhân cũng đã liên kết với các tour du lịch đưa khách về thăm làng. Bà còn hướng dẫn để du khách trải nghiệm quy trình làm nón tại làng nghề, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương…

Nhân bản mô hình của nghệ nhân Tạ Thu Hương, hơn 4.000 hộ dân ở làng Chuông đang đan nón lá để bán cho khách hàng trong nước và quốc tế với giá trung bình từ 50.000-100.000 đồng/chiếc. Nhờ vậy, cuộc sống người dân làng Chuông ngày càng sung túc, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dấu ấn người mở đường

Làng Chuông khang trang, thu hút đông đảo khách du lịch như ngày hôm nay, theo ông Hùng là nhờ nghệ nhân Thu Hương đã mở đường xuất khẩu sản phẩm.

“Đại sứ nón” làng Chuông mở đường ra thế giới - Ảnh 2.

Sản phẩm nón Chuông.

8 tuổi theo nghề truyền thống của gia đình, bà Hương dành trọn tình yêu cho nón lá. Mỗi lúc rảnh rỗi bà đều tìm một góc riêng và thoả sức sáng tạo với những ý tưởng của mình. Thế nên, 18 tuổi bà đã có được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên nhờ những khác biệt.

Bà kể, những năm tháng học cấp 3, cái tuổi đã biết suy nghĩ về tương lai, bà chứng kiến cảnh người dân đội nón đi bán rồi đội nón về. Mọi người nói với nhau rằng "hôm nay không có tiền đong gạo", trong đầu bà luôn thôi thúc loạt câu hỏi: "Làm gì để bà con bớt khổ, làm gì để biến nghề thành kế sinh nhai, làm sao để sản phẩm không mai một…?".

Ý tưởng đổi mới sản phẩm, mở đường xuất khẩu cũng hình thành từ đó. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà rong ruổi đem những chiếc nón làng Chuông đến các công ty xuất nhập khẩu, giới thiệu, gửi mẫu mã và nói với họ "nếu có đơn hàng thì trả cho tôi làm, tôi đầu tư mẫu mã".

Hành trình gian nan kéo dài nhiều tháng trời, cuối cùng đơn hàng đầu tiên với hơn 10.000 chiếc nón từ một công ty xuất nhập khẩu ở Hưng Yên đã đánh dấu mốc cho sự đổi đời của gia đình bà Hương và cả làng Chuông.

Bà Hương cho biết để được lựa chọn, sản phẩm của bà phải đảm bảo các yếu tố như chất liệu lá trắng, vòng đẹp, các mũi khâu nón đều tay, không lộ lỗ kim, không để lọt nắng dưới ánh mặt trời trong quá trình sử dụng...

Thời gian giao hàng chỉ trong một tháng, bà từng mất ăn mất ngủ. Sau đó, bà quyết định đến từng hộ dân trong làng để thuê những người có tay nghề giỏi làm ngày, làm đêm. Sản phẩm được giao đúng hạn, chất lượng tốt, danh tiếng của bà cũng dần được biết đến. Nhờ đó, liên tiếp các đơn hàng đi Nhật Bản, Hàn Quốc đổ về.

Nắm được thị trường xuất khẩu, nhưng giá sản phẩm trong nước rất rẻ, bà lại trăn trở với bài toán thương mại "cứu" làng Chuông. Bà dành nhiều thời gian đi nước ngoài tìm hiểu thị hiếu khách hàng và học hỏi kinh nghiệm cách làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại các hội chợ làng nghề. Năm 2000, bà Hương thành lập cơ sở thu gom nón lá truyền thống.

Lần này, muốn kéo khách quốc tế về làng Chuông, bà nhận định phải tạo được những sản phẩm độc đáo. Từ suy nghĩ đó, bà Hương đã thử làm những chiếc nón chùm, nón xòe, nón Lâm Sung, nón thêu phong cảnh…

Nhờ cách làm mới, làng Chuông đã thay da đổi thịt. Nhiều năm qua, để giữ thương hiệu làng Chuông, bà Hương mở lớp dạy làm nón lá cho hàng trăm lao động trong xã. Việc này không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn góp phần lan tỏa nét đẹp làng Chuông đến khách quốc tế.

Độc đáo nhất trong số những sản phẩm nón Chuông ở thời điểm hiện tại là nón lụa Hà Đông. Dựa trên quy trình làm nón truyền thống, bên trong chiếc nón vẫn dùng lá và mo tre nhưng bên ngoài thì thay lá bằng lụa.

Chị Hà, thợ lâu năm ở cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương đánh giá dòng sản phẩm này là khó nhất, nhưng lại được ưa chuộng nhất. "Khi đưa lụa vào, phải căng đều và người khâu nón cũng phải có tay nghề cao mới làm được", chị Hà cho hay.

Ngoài ra, chiếc nón đẹp còn phụ thuộc vào việc phối màu sắc, hoa văn, vẽ phong cảnh… đòi hỏi rất cao về tính thẩm mỹ. Với giá 200.000-250.000 đồng/chiếc (cao gấp 2-2,5 lần sản phẩm truyền thống), thu nhập của người làm nón lụa cũng tăng cao.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.