Chuyện dọc đường

Để người miền Tây bớt khó vì hạn mặn

09/04/2024, 06:22

Là huyện cù lao nằm trên sông Tiền, tiếp giáp Biển Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Để người miền Tây bớt khó vì hạn mặn- Ảnh 1.

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Vừa qua, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang phải ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện này.

Mùa khô năm nay, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu sông Tiền khiến huyện bị bao vây bốn bề nước mặn. Sản xuất và đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nước sinh hoạt. Huyện có ba hồ trữ nước ngọt đã trữ được gần 101.000m3 nước. Tuy nhiên, lượng nước này chỉ đủ dùng trong 30 ngày.

Cùng lúc, nhiều vùng ở miền Tây như An Giang, Cà Mau… cũng đang căng mình đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Mới đây nhất, Cà Mau phải xin Trung ương hỗ trợ hơn 200.000 tỷ đồng ứng phó hạn mặn, đủ thấy mức độ nghiêm trọng đến thế nào.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, hiện tượng khí hậu thay đổi khiến trái đất nóng lên mỗi năm một cao thêm, tác động dây chuyền là nhiều nước phải đối mặt với hạn hán gay gắt. Nguyên nhân vì những hoạt động của con người, trong đó có phá rừng và nguồn nước dần cạn kiệt do khai thác quá mức.

Tại miền Tây, nguồn nước ngọt được cung cấp chủ yếu từ sông Mê Kông. Thời gian qua, hạn hán gay gắt xảy ra chính từ tác động của hàng loạt con đập lớn, nhỏ phục vụ thủy điện, nước tưới tiêu… được xây dựng trên sông phía thượng nguồn. Trong khi đó, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Còn theo TS Dương Văn Ni, trường Đại học Cần Thơ, những đập nước phía thượng lưu sông Mê Kông đã gây tác động làm thay đổi quy luật ngập, hạn, dù khách quan cho thấy tổng lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long hằng năm thay đổi không nhiều. Hầu hết tại các lưu vực sông, dòng chảy tự nhiên đều bị thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu định cư, nước tưới, kiểm soát lũ hoặc tạo ra năng lượng.

Đó là khách quan. Còn về chủ quan, nước vào mùa lũ thực ra mang nguồn phù sa, thủy sản dồi dào, giúp đẩy xâm nhập mặn ra khỏi đồng bằng. Nhưng có lẽ chính vì quan niệm lũ là thiên tai, nên thời gian qua đã phát sinh hàng loạt công trình đê bao khép kín phía các tỉnh thượng nguồn như An Giang, Đồng Tháp. Do vậy, thay vì nước lũ tràn đồng như trước đây, nay chúng bị co cụm lại theo các dòng sông và lại theo sông Mê Kông rút nhanh về các tỉnh phía hạ nguồn.

Theo TS Ni, hàng chục năm qua, các tỉnh phía hạ nguồn cũng ào ạt gia tăng hệ thống kênh, mương, nạo vét sông rạch để thoát lũ nhanh. Hệ quả là khi bắt đầu vào mùa khô, nước đã khan hiếm lại càng rút nhanh hơn, khiến hạn hán thêm gay gắt. Và khi dòng chảy yếu, xâm nhập mặn tăng là lẽ đương nhiên.

Trước đây, ở Đồng Tháp có vùng Láng Biển nước tràn lênh láng hàng ngàn héc-ta. Vào mùa khô, nước ở nơi này vẫn rất nhiều. Nhưng rồi hàng loạt kênh rạch tiêu úng, xổ phèn… ra đời, khiến điều đó chỉ còn trong ký ức.

TS Ni cho rằng, để cứu vãn, trước mắt cần có kế hoạch khai thác các tiểu vùng đê bao khép kín sẵn có, biến nơi đây thành các "hồ" trữ nước vào mùa khô với điều kiện phải đảm bảo lợi ích của người dân trong và ngoài các tiểu vùng. Có thể trong 3-4 tháng tích nước, mỗi héc-ta chủ đất phải được chính quyền chi hỗ trợ bao nhiêu tiền chẳng hạn.

"Từ tháng 11 hằng năm, các tiểu vùng đê bao khép kín sẽ lên kế hoạch trữ nước. Khi hạn hán gay gắt, nước từ đây sẽ được dẫn ra cung cấp cho các vùng khác. Việc này tiết kiệm và thiết thực hơn nhiều so với ý tưởng dẫn nước từ sông Đồng Nai về miền Tây, hay dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau", TS Ni nêu quan điểm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.