Hàng hải

Đề xuất mới về đào tạo sỹ quan an ninh tàu biển

31/10/2023, 16:27

Dự thảo Thông tư mới về áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển đề xuất phân cấp trách nhiệm tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho sỹ quan an ninh tàu biển.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về An ninh tàu biển và cảng biển.

Đề xuất mới về đào tạo sỹ quan an ninh tàu biển - Ảnh 1.

Dự thảo Thông tư mới đề xuất việc đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho sỹ quan an ninh tàu biển sẽ do các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm (Ảnh minh họa).

Theo quy định hiện hành, Cục Đăng kiểm VN có trách nhiệm tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho sỹ quan an ninh tàu biển, cán bộ an ninh công ty với những nội dung phù hợp với Chương trình chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). 

Tại dự thảo Thông tư mới, trách nhiệm này được chuyển cho các cơ sở đào tạo. Lý giải về điều này, Bộ GTVT cho biết theo hướng dẫn của IMO, nhiều chủ đề đào tạo sỹ quan an ninh tàu và cán bộ an ninh công ty có nội dung tương tự nhau.

Do đó, đối với các học viên đã được công nhận là sỹ quan an ninh tàu muốn chuyển để được công nhận là cán bộ an ninh công ty, chỉ cần tham gia khóa đào tạo bổ sung và đánh giá bổ sung theo chương trình đào tạo được ban hành.

Do vậy, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên đang thực hiện các chương trình đào tạo huấn luyện nghiệp vụ sỹ quan an ninh tàu biển cho thuyền viên Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong việc huấn luyện cho cán bộ an ninh công ty.

Với trách nhiệm mới, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm phải gửi Cục Hàng hải VN danh sách người đã được cấp Giấy chứng nhận tham gia khóa đào tạo an ninh cảng biển và gửi Cục Đăng kiểm VN danh sách người đã được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sỹ quan an ninh tàu biển, cán bộ an ninh công ty.

Cùng sự thay đổi này, công tác giải quyết thủ tục hành chính cũng được phân cấp, phân quyền để tương ứng với chức năng nhiệm vụ của các đơn vị.

Theo đó, các thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty sẽ do các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm, thay vì Cục Đăng kiểm VN như quy định hiện hành.

Cục Đăng kiểm VN sẽ thực hiện chức năng "Tổ chức an ninh được công nhận", có trách nhiệm và quyền hạn trong việc phê duyệt Đánh giá an ninh tàu biển và phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển.

Đồng thời, cơ quan này sẽ có nhiệm vụ kiểm tra hệ thống an ninh và trang thiết bị an ninh của tàu biển theo yêu cầu của Bộ luật ISPS (Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng) và cấp "Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển" và "Giấy chứng nhận quốc tế tạm thời về an ninh tàu biển".

Theo Thông tư 23/2017 quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển VN, sỹ quan an ninh tàu biển là thuyền trưởng hoặc sỹ quan được chủ tàu bổ nhiệm. Trường hợp sỹ quan an ninh không phải là thuyền trưởng thì chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng.
Sỹ quan an ninh tàu biển có các nhiệm vụ:
1. Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo việc thực hiện các biện pháp an ninh theo kế hoạch an ninh đã được duyệt; giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh của tàu, kể cả việc thực hiện các sửa đổi, bổ sung kế hoạch đó.
2. Phối hợp với các thuyền viên khác và sỹ quan an ninh cảng biển để đảm bảo an ninh trong các hoạt động vận chuyển hàng hóa và đồ dự trữ, cung ứng của tàu.
3. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với kế hoạch an ninh của tàu.
4. Khi phát hiện những khiếm khuyết và sự không phù hợp trong kế hoạch an ninh của tàu thì báo cáo thuyền trưởng, thông báo cho sỹ quan an ninh của công ty biết và thực hiện các biện pháp khắc phục.
5. Luôn nâng cao ý thức cảnh giác về an ninh trên tàu; tổ chức huấn luyện công tác an ninh cho những người trên tàu; báo cáo sỹ quan an ninh của công ty về mọi sự cố an ninh xảy ra trên tàu.
6. Phối hợp với sỹ quan an ninh của công ty và của cảng biển nơi tàu đến để triển khai thực hiện kế hoạch an ninh của tàu.
7. Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các trang thiết bị an ninh trên tàu ở trạng thái hoạt động tốt, được bảo dưỡng và hiệu chỉnh phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.