Thị trường

Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Bộ Công thương nói "các bộ, ngành không phản đối"

16/10/2023, 19:33

Theo Bộ Công thương, đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN. Không bộ, ngành nào phản đối việc này.

"Các bộ, ngành không phản đối"

Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng liên quan dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã được trình trước đó. 

Theo dự thảo quyết định, Bộ Công thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. 

Bộ Công thương giải thích đề xuất này nhằm giúp chi phí không bị dồn tích nhiều, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN. 

Theo quy định hiện hành, trong thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên thì được tăng giá điện. Tuy nhiên, thực tế, quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần với mức tăng 6,08% vào năm 2017; 8,36% vào năm 2019 và được giữ nguyên trong suốt 4 năm (tháng 5/2023 vừa qua mới tăng thêm 3%).

Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Bộ Công thương nói "các bộ, ngành không phản đối" - Ảnh 1.

Điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN.

Bộ Công thương cũng cho biết thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện. 

"Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường," Bộ Công thương cho hay.

Ngoài ra, Bộ này cũng cho biết các bộ, ngành khác không phản đối khi được lấy ý kiến.

"Không cần thiết thành lập Hội đồng Năng lượng"

Về một số ý kiến chuyên gia liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, đặc biệt là đề xuất cần đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền và cần thành lập Hội đồng Năng lượng Độc lập ngoài EVN, Bộ Công thương cho rằng việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.

Do đó, theo Bộ Công thương, việc thành lập Hội đồng Năng lượng độc lập là không cần thiết.

Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Bộ Công thương nói "các bộ, ngành không phản đối" - Ảnh 2.

Giá than tăng cao là một trong những nguyên nhân gây lỗ cho EVN.

Theo tài liệu của Báo Giao thông, trong 8 tháng năm 2023, EVN ghi nhận số lỗ lũy kế hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.

Thực tế, ngoài khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động quá cao của giá nhiên liệu cho phát điện, EVN còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá các năm trước chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; Năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; Năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, đánh giá thời gian qua và hiện nay EVN đã làm nhiều giải pháp để giảm lỗ, như tiết giảm tối đa các chi phí, lùi thời gian thanh toán nợ, giãn các hoạt động chưa cần thiết.

Tuy nhiên, ông cho rằng những giải pháp nêu trên chỉ mang tính chất hỗ trợ. Do đó, để đảm bảo cân bằng được tài chính thì quan trọng nhất vẫn là điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện.

Bên cạnh đó, cần giảm giá nhiên liệu (giá than) bán cho điện từ các nhà cung cấp trong nước, huy động tối ưu các nguồn phát điện.

Năm 2022, giá thành sản xuất kinh doanh điện được kiểm toán tăng 9,27% nhưng chỉ được điều chỉnh giá tăng 3% (ngày 4/5), chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, đây là nguyên nhân sinh ra thâm hụt dòng tiền trong sản xuất kinh doanh của EVN.

Ông Thỏa nhận định bản chất dòng tiền âm của EVN không phải là lỗ trong sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện làm ăn yếu kém gây ra, mà là do Nhà nước chủ động điều tiết giá phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì thế, Nhà nước phải có cơ chế xử lý cho doanh nghiệp, không để thâm hụt dòng tiền. Nhưng phải tính toán để đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.