Vận tải

Đủ cơ sở pháp lý rút giấy phép kinh doanh xe Thành Bưởi

Chỉ trong 9 tháng, nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu tới 246 lần; Lái xe bị giữ bằng lái vẫn điều khiển xe gây tai nạn làm 5 người chết; Lập bến lậu hoạt động công khai…

Vi phạm của xe Thành Bưởi điển hình cho vấn nạn nhức nhối đang diễn ra ở nhiều nơi. Báo Giao thông trao đổi với ông Đỗ Công Thủy, Phó phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN xung quanh vấn đề này.

Đủ cơ sở rút giấy phép kinh doanh xe Thành Bưởi - Ảnh 1.

Ông Đỗ Công Thủy - Phó phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái.

Vi phạm gây tai nạn nghiêm trọng rút giấy phép 1-3 tháng

- Dư luận đang rất bức xúc về những vi phạm ngang nhiên, kéo dài của nhà xe Thành Bưởi. Theo ông, có cơ sở rút được giấy phép kinh doanh vận tải của nhà xe này?

Theo Nghị định 10/2020, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm tốc độ là tước phù hiệu. Đơn vị kinh doanh vận tải bị tước thì phải đề nghị cấp lại theo quy định. 

Các hành vi khác sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021, một số hành vi bị xử phạt bổ sung tước phù hiệu từ 1-3 tháng đối với xe vi phạm, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Điểm h khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 7 -10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải từ 1 - 3 tháng.

Trường hợp có vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, nhà xe Thành Bưởi sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm h khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019. Theo đó, ngoài xử phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm để xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên sẽ bị tước giấy phép kinh doanh vận tải từ 1-3 tháng.

Đối chiếu với quy định, Sở GTVT đang thực hiện kiểm tra nhà xe Thành Bưởi để có kết luận cuối cùng. Thẩm quyền tước giấy phép kinh doanh vận tải thuộc đơn vi cấp phép cho nhà xe Thành Bưởi.

Đủ cơ sở rút giấy phép kinh doanh xe Thành Bưởi - Ảnh 2.

Qua kiểm tra bãi xe lậu của nhà xe Thành Bưởi tại 97 Mai Chí Thọ, UBND phường An Phú đã có 8 lần gửi văn bản báo cáo TP Thủ Đức nhưng đến ngày 11/10 vẫn không cơ quan nào xử lý. Chiều 12/10, địa điểm đón khách được Thành Bưởi chuyển qua nơi khác. Ảnh: Chí Hùng.

- Vụ tai nạn cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp rất mờ nhạt, lái xe bị tước bằng lái mà vẫn được điều khiển xe chở khách. Ông nhìn nhận sự việc này thế nào?

Thông tư 12 đã quy định chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải thực hiện quy trình đảm bảo ATGT trong quá trình kinh doanh. Trong đó, quy định cụ thể trước và trong quá trình vận chuyển doanh nghiệp phải làm gì, kiểm tra các điều kiện của phương tiện, người lái ra sao.

Cần xem xét nhà xe Thành Bưởi có kiểm tra giấy phép của lái xe, kiểm định phương tiện, lệnh vận chuyển đối với tuyến cố định, kiểm tra hợp đồng vận chuyển và các giấy tờ khác trước khi thực hiện vận chuyển hay không.

Trong quá trình vận chuyển doanh nghiệp có theo dõi, nhắc nhở các hành vi vi phạm của lái xe qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT) hay không.

- Thực tế cho thấy, tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước về lĩnh vực vận tải đang diễn ra khá phổ biến tại các địa phương. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân nào, thưa ông?

Sau ba năm thực hiện Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, sử dụng thiết bị GSHT; Giúp cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết tai nạn. Đây cũng là công cụ hữu ích để đơn vị vận tải quản lý phương tiện, lái xe.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập giữa điều kiện kinh doanh xe tuyến cố định và xe hợp đồng, du lịch, lực lượng chức năng gặp khó khi xác định vi phạm. Bên cạnh đó, tình trạng xe bỏ bến ra bên ngoài hoạt động để cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình, khiến "xe dù, bến cóc" diễn biến phức tạp.

"GSHT không phải thiết bị vạn năng"

- Ông đề cập đến hiệu quả của thiết bị GSHT trong quản lý vận tải, tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị này chưa ngăn được vi phạm?

Các sở GTVT phối hợp với phòng CSGT thực hiện trích xuất dữ liệu trên hệ thống để thực hiện xử lý vi phạm theo quy định. Cục Đường bộ VN đang đánh giá năng lực của hệ thống để cấp thêm các tài khoản truy cập vào hệ thống cho phòng CSGT 63 tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT.

Tuy vậy, hiện có đến 80% số lượng doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ lẻ, có dưới 5 xe. Vì vậy, việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT để quản lý đối với hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã dịch vụ ứng dụng chưa hiệu quả.

Hệ thống hiện còn hạn chế do được xây dựng thời gian đã lâu (từ năm 2015), công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hằng tháng chưa được kịp thời. Do đó, việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hầu như không có.

- Như ông nói, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào thiết bị GSHT trong đảm bảo ATGT?

Nhà nước yêu cầu lắp thiết bị GSHT hay camera trước tiên là phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp. Khi xảy ra sự việc, cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu của doanh nghiệp để điều tra tai nạn, phân tích nguyên nhân và xử lý vi phạm.

Thiết bị GSHT, camera hay bất kỳ thiết bị nào khác không phải và thiết bị vạn năng ngăn xảy ra tai nạn. Để xảy ra tai nạn trước tiên là doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không quản lý được lái xe.

Ngay cả khi không có thiết bị GSHT, doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm giám sát, đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh.

- Thực tế đòi hỏi dữ liệu GSHT phải ngăn chặn vi phạm của doanh nghiệp, tài xế ngay tức thì. Liệu chúng ta có làm được điều này?

Với quan điểm ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030".

Trong đó, một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành GTVT, Công an, Thuế, Hải quan để phục vụ công tác quản lý.

Khi đó hệ thống tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe để hỗ trợ cơ quan quản lý trong thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội.

Đủ cơ sở rút giấy phép kinh doanh xe Thành Bưởi - Ảnh 3.

Vụ xe Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết trên QL20 có thể được ngăn chặn từ đầu nếu cơ quan chức năng, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Cơ quan quản lý không thể làm thay địa phương

- Để bịt những lỗ hổng như ông đã đề cập, cần phải làm gì?

Kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của mình. Cơ quan quản lý không theo dõi từng xe thay cho doanh nghiệp mà chỉ theo dõi, tổng hợp, kiểm soát, kiểm tra và xử lý khi xảy ra vi phạm.

Việc xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc" là trách nhiệm của địa phương đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, nơi nào xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc" cần xem xét trách nhiệm của địa phương đó.

Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chỉ tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, địa phương thấy vướng chỗ nào có thể đề xuất bổ sung, sửa đổi. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể làm thay cho địa phương việc này.

- Như nhà xe Thành Bưởi, chỉ trong 9 tháng đã bị tước phù hiệu tới 246 lần. Vấn đề đặt ra là việc tước phù hiệu có ý nghĩa gì không? Theo ông, cần giải pháp gì?

Nghị định 10 quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi.

Cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp về cơ quan cấp, cũng như chưa có chế tài bắt buộc phải chấp hành theo quyết định thu hồi.

Để vá lỗ hổng này, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 đang được lấy ý kiến sẽ siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Nếu quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu là 30 ngày, thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ phương tiện. Đây cũng là cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc phải có trách nhiệm hơn với tài xế và phương tiện.

Để phát huy hiệu quả thiết bị GSHT, trước mắt sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 10 theo hướng: Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5km/h), thay vì chờ tổng hợp một tháng 5 lần vượt quá tốc độ mới xử lý như hiện nay.

Để kiểm soát xe hợp đồng trá hình, sẽ có báo cáo cụ thể, phân tích rõ các điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của loại hình xe hợp đồng.

Cảm ơn ông!

LS Hoàng Văn Hướng (Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Nếu thực thi nghiêm, sai phạm khó tồn tại

img

Việc tài xế nhà xe Thành Bưởi dù bị tước bằng lái 3 tháng nhưng vẫn bất chấp, điều khiển ô tô gây tai nạn khiến 5 người tử vong, nếu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp phối hợp ngăn chặn ngay từ đầu thì sự việc đã không xảy ra. Chưa kể, tài xế không bằng lái chạy xe trên một hành trình dài như thế mà không bị phát hiện.

Nếu các cơ quan, đơn vị thực thi nghiêm thì vụ việc thương tâm như tai nạn xe khách Thành Bưởi khó có thể xảy ra.

Tìm nguyên nhân, bịt lỗ hổng từ vụ việc là rất cần thiết, vì chỉ có đề cao trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn chặn và xử lý vi phạm từ sớm, rủi ro mới được hạn chế.


Đại tá Phạm Quang Huy (Phó cục trưởng Cục CSGT):

Cần sự tố giác vi phạm của nhân dân

img

Sau liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên quan đến xe kinh doanh vận tải, có thể thấy, lãnh đạo UBND tỉnh, công an và sở GTVT các địa phương đều đang vào cuộc quyết liệt, tăng cường quản lý hoạt động của các nhà xe, các doanh nghiệp vận tải.

Ngành công an đã xác định sẽ phối hợp liên tuyến giữa các địa phương để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt về phương tiện, người lái.

Cụ thể, sau vụ tai nạn của nhà xe Thành Bưởi khiến 5 người tử vong, công an hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã ký cam kết phối hợp cùng kiểm soát tình hình trật tự ATGT, kiểm soát xe kinh doanh vận tải liên tuyến. Ngoài ra, Cục CSGT cũng sẽ tham gia với vai trò điều hành liên tuyến.

Lực lượng chức năng rất cần sự tham gia tố giác vi phạm của nhân dân, sẵn sàng tiếp nhận, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.


Ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN):

Siết trách nhiệm địa phương

img

Vụ tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra vừa qua cho thấy, nhà xe này đã vi phạm các nguyên tắc ATGT và nguy cơ tai nạn vẫn chực chờ bởi hàng loạt những lỗ hổng trong quản lý xe hợp đồng và quản lý lái xe.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa sát sao trong việc thường xuyên rà soát dữ liệu GSHT để kịp thời chấn chỉnh vi phạm thông qua cấp phù hiệu hoặc thanh tra, kiểm tra. Điều này cần phải được làm rõ.

Điều cần làm bây giờ là nâng cấp hệ thống GSHT để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong quản lý. Như vậy mới mong có thể dẹp được "bến cóc, xe dù".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.