Đường bộ

Gấp rút khắc phục sạt lở đèo Ngoạn Mục nối Ninh Thuận - Đà Lạt

19/10/2023, 13:21

Do ảnh hưởng mưa lớn nên đèo Ngoạn Mục trên QL27 xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá tràn xuống đường gây hư hỏng ta luy.

Sáng 19/10, ông Bùi Duy Anh, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ IV.1 (QLĐB IV.1) cho biết, tuyến quốc lộ 27 (QL27) qua địa phận tỉnh Ninh Thuận có hơn 10 điểm sạt lở đất đá, làm hư hại ta luy trên đèo Ngoạn Mục.

Gấp rút khắc phục sạt lở đèo Ngoạn Mục qua Ninh Thuận - Ảnh 1.

Đất đá tràn đường trên đèo Ngoạn Mục đoạn qua huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận được xe cuốc hót dọn.

Nhà thầu bảo trì đang khẩn trương khắc phục các vị trí sạt lở tránh gây ảnh hưởng xe cộ qua đèo Ngoạn Mục (có tên gọi khác là đèo Sông Pha) qua huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

Theo ông Bùi Duy Anh, đất đá sạt tràn xuống đường tuy không gây ách tắc giao thông nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Rất nhiều điểm sạt lở trên đèo. Khối lượng đất đá sạt lở ước tính hơn 2.200m3.

Hiện nay, Văn phòng QLĐB IV.1 yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình (đơn vị bảo dưỡng thường xuyên) thực hiện hót dọn, khắc phục nhằm đảm bảo ATGT.

Gấp rút khắc phục sạt lở đèo Ngoạn Mục qua Ninh Thuận - Ảnh 3.

Mưa lớn gây ngập sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn hai huyện Ninh Sơn, Bác Ái (Ninh Thuận).

Cũng liên quan đến tình trạng sạt lở đường, Phòng Quản lý giao thông hạ tầng, Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, tuyến đường thuộc xã Phước Hòa đi xã Phước Bình của huyện Bác Ái cũng bị sạt lở nhiều vị trí.

Để đảm bảo an toàn cho xe cộ qua lại, Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận đã huy động phương tiện, nhân lực và phối hợp với các đơn vị liên quan dọn dẹp đất, đá tràn ra đường. Đến sáng 19/10, giao thông qua các điểm sạt lở cơ bản được khắc phục.

Đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) trên QL27 kết nối huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Đèo này được mệnh danh là một trong con đèo đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.