Kinh tế

Giá cổ phiếu tân binh QNP tăng gấp đôi sau 2 tuần

03/02/2024, 19:49

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã tăng trần 11 phiên liên tiếp từ mức 19.100 đồng lên 44.700 đồng/cổ phiếu.

Trong những tuần giáp Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán đã ghi nhận một mã cổ phiếu tân binh sàn HoSE với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Theo đó, hơn 40,4 triệu cổ phiếu QNP của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã chính thức lên sàn HoSE từ 18/1 và liên tiếp có 11 phiên tăng trần, đẩy giá mã này từ vùng 19.100 đồng/cổ phiếu lên 44.700 đồng/cổ phiếu, gấp 2,3 lần.

Tuy nhiên, vào cuối phiên ngày 2/2, cổ phiếu QNP từ giá tăng trần 47.800 đồng/cổ phiếu đã bị xả mạnh xuống mức 41.850 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 75.000 đơn vị. Vốn hóa thị trường gần 1.700 tỷ đồng.

Trước những diễn biến bất ngờ, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã phải giải trình nhiều lần trong 2 tuần qua. Lãnh đạo công ty cho biết việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp là do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu QNP nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và doanh nghiệp cam kết không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu QNP trên thị trường chứng khoán.

7 năm chờ đợi niêm yết

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Cảng nằm trong vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm.

Hiện nay, Cảng Quy Nhơn có gần 1.200 m cầu cảng, cầu cảng lớn nhất có chiều dài 480 m và độ sâu trước bến -12,2 m. Dự kiến đến cuối năm 2024, sau khi luồng được nâng cấp và nạo vét sẽ giải phóng được khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải của cảng Quy Nhơn.

Giá cổ phiếu tân binh QNP tăng gấp đôi sau 2 tuần- Ảnh 1.

Cảng Quy Nhơn có gần 1.200 m cầu cảng.

Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tiền thân là Cảng Quy Nhơn, được thành lập từ tháng 1/1976. Từ năm 1993 đến cuối năm 2013, sau nhiều thay đổi, Cảng Quy Nhơn đã cổ phần hóa thành công và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ cảng biển.

Tháng 12/2016, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HoSE. Tuy nhiên, do liên quan đến thanh tra cổ phần hóa, công ty đã nhiều lần bị HoSE dừng xem xét hồ sơ do không thể bổ sung đầy đủ tài liệu theo yêu cầu.

Trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã mua 86,23% vốn Cảng Quy Nhơn, định giá doanh nghiệp thời điểm đó khoảng 500 tỷ đồng. Thời điểm đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều yếu tố bất thường liên quan đến quá trình cổ phần hóa cảng. Dù vậy, đến năm 2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã nhận chuyển giao lại 75% vốn Cảng Quy Nhơn từ Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

Sau hơn 7 năm gặp nhiều thách thức, đến nay, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã được HoSE chấp nhận niêm yết. Cuối 2023, VIMC là cổ đông lớn duy nhất sở hữu 75% vốn Cảng Quy Nhơn. Bên cạnh đó, thành viên HĐQT Nguyễn Thành Nam cùng vợ Võ Thị Đông Phương cũng nắm giữ 32.900 cổ phiếu QNP (bà Phương đã đăng ký bán toàn bộ 29.600 cổ phiếu QNP trong bối cảnh giá tăng).

Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Trần Vũ Thanh Quang cũng đang sở hữu 3.500 cổ phiếu, Kế toán trưởng Nguyễn Kim Toàn sở hữu 8.000 đơn vị và Phụ trách Quản trị công ty Hoàng Quốc Phương có 900 cổ phiếu.

Lợi nhuận năm 2023 tăng hơn 2,5 lần

Theo BCTC quý IV/2023, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu 245 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng trong khi quý IV/2022 lỗ 31 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, doanh thu công ty ở mức 942 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm trước đó. Do không phải ghi nhận chi phí dự phòng phải trả ngắn hạn như 2022 nên lợi nhuận của Cảng Quy Nhơn đã tăng lên gấp 2,5 với 112 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu tân binh QNP tăng gấp đôi sau 2 tuần- Ảnh 2.

Doanh thu năm 2023 của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn 942 tỷ đồng.

Công ty giải trình trong quý IV/2022 đã thực hiện trích lập dự phòng phải trả liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH Vận tải Biển Cửu Long số tiền 53,67 tỷ đồng, trong khi năm 2023 không còn nên lợi nhuận sau thuế tăng.

Hiện tại, Cảng Quy Nhơn đang là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ công nghiệp hàng hải với 20% cổ phần và Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn (16,68% cổ phần).

Trong năm 2023, Cảng Quy Nhơn đã tạm tăng tài sản cố định đối với dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp bên số 1 – Cảng Quy Nhơn với nguyên giá tạm tăng ở mức 363 tỷ đồng. Ngoài ra, để thanh toán chi phí cho dự án trên, Cảng Quy Nhơn cũng đã ghi nhận khoản vay 215 tỷ đồng tại BIDV với thời hạn 120 tháng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản công ty đạt hơn 1.265 tỷ đồng, tăng 17% so với số hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp còn hơn 237,56 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; 138,5 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng TMCP kỳ hạn 6-12 tháng với lãi suất từ 3,9-8,6%/năm.

Năm 2024, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua đạt 11,5 triệu tấn, hàng container đạt 180.000 Teus. Doanh thu hợp nhất đặt mục tiêu đạt 1.274 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 115 tỷ đồng.

Thanh Thắng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.