Hàng hải

Gỡ điểm nghẽn phát triển cảng cạn

10/12/2023, 17:29

Cảng cạn là một trong những cấu thành của vận tải, song nhiều năm qua chưa được quan tâm tương xứng. Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn được kỳ vọng sẽ mang tới những "ngã rẽ" mới để thúc đẩy cảng cạn phát triển.

Giảm gánh nặng ùn tắc do thiếu hụt kho bãi

Tháng 10/2023, cảng cạn Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động, là cảng cạn thứ 3 của khu vực phía Nam được đưa vào khai thác, bên cạnh là cảng cạn Tân cảng Nhơn Trạch và Tân cảng Long Bình. 

Cảng cạn Phú Mỹ được hình thành từ nhu cầu tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới các hành lang kinh tế lân cận, trở thành trung tâm hậu cần của cảng biển, kết nối với các cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường thủy. 

Quy hoạch cảng cạn gỡ "điểm nghẽn" để phát triển đột phá - Ảnh 1.

Cảng cạn Phú Mỹ là cảng cạn thứ 3 của khu vực phía Nam được đưa vào khai thác, bên cạnh là cảng cạn Tân cảng Nhơn Trạch và Tân cảng Long Bình.

Từ đó, nâng cao hiệu quả kết nối mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Cùng với cảng cạn Phú Mỹ, thời gian qua cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 11 cảng cạn. Ngoài ra, còn có 5 cảng thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.

Cục Hàng hải VN nhận định, cảng cạn được coi là bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng thời gian dài chưa được quan tâm phát triển. Việc phát triển cảng cạn còn nhiều điểm nghẽn.

Trong đó, hiệu quả khai thác cảng cạn có sự khác nhau giữa các khu vực. Các cảng tại miền Nam phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa, hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực TP.HCM.

Còn tại miền Bắc, các cảng cạn nằm xa cảng biển, có vai trò chủ yếu là tổ chức vận tải hợp lý giữa cảng biển và nguồn hàng. 

Vì vậy, khách hàng chỉ sử dụng cảng cạn khi nhận được lợi ích cao hơn so với việc đi thẳng đến cảng biển. Cộng thêm vận tải container bằng thủy nội địa ở miền Bắc chưa phát triển mạnh nên chưa đem lại hiệu quả cao về chi phí vận tải.

Do đó, tỉ lệ hàng container thông qua các cảng cạn/cảng thông quan nội địa còn thấp, chỉ khoảng 3% hàng container thông qua cảng biển. Tỉ lệ hàng thông qua cảng với vận đơn là cảng đích không đáng kể.

Theo đại diện của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để giải quyết những điểm nghẽn, góp phần giảm sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và phát triển cảng cạn với quy hoạch các lĩnh vực giao thông khác, quy hoạch địa phương.

Đồng thời, thúc đẩy triển khai đầu tư khai thác cảng cạn, giảm gánh nặng ùn tắc do thiếu hụt kho bãi, ùn tắc giao thông trong tổ chức vận tải hàng hóa đến cảng biển và các cửa khẩu đường bộ.

Quy hoạch cũng thúc đẩy hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, đường sắt để giảm thị phần vận tải đường bộ trên các hành lang vận tải container. Từ đó, góp phần tái cơ cấu vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải và ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch cũng là căn cứ để đẩy nhanh hình thành các cảng cạn mới, chuyển đổi các ICD đã được quy hoạch cảng cạn, làm căn cứ để địa phương và doanh nghiệp kết hợp quy hoạch phát triển hiệu quả cảng cạn và trung tâm logistics, đẩy nhanh hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.

Các dữ liệu, dự báo quy hoạch có tính thực tiễn cao

Quy hoạch cảng cạn gỡ "điểm nghẽn" để phát triển đột phá - Ảnh 2.

Quy hoạch cảng cạn thúc đẩy triển khai đầu tư khai thác cảng cạn, giảm gánh nặng ùn tắc do thiếu hụt kho bãi, ùn tắc giao thông trong tổ chức vận tải hàng hóa đến cảng biển và các cửa khẩu đường bộ (Ảnh minh họa).

Thực tế, để có được các số liệu thông tin đầu vào đầy đủ và tin cậy nhất cho quy hoạch cảng cạn, các đơn vị tư vấn đã thực hiện điều tra, thu thập hệ thống dữ liệu thông tin từ nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cấp Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp quản lý khai thác khu công nghiệp/khu chế xuất, doanh nghiệp quản lý và khai thác cảng cạn, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, logistics…

Được biết, các tư vấn đã huy động đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và quy hoạch giao thông, cảng cạn, logistics, dự báo nhu cầu và tổ chức vận tải, cùng chuyên gia các lĩnh vực cảng biển, đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng không.

Với hệ thống dữ liệu, số liệu quan trọng được thu thập, cùng sự dự báo của những chuyên gia có năng lực, trình độ, các dự báo trong quy hoạch được thực hiện bài bản, tính khoa học và thực tiễn cao, làm cơ sở xây dựng các kịch bản cho quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.

Để thực hiện quy hoạch, đại diện Cục Hàng hải VN thông tin hiện nay, cơ quan này đang bước đầu triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công trong quyết định.

Cụ thể, phối hợp với các địa phương quản lý, điều tiết tiến trình, quy mô đầu tư các cảng cạn trong cụm cảng cạn, đảm bảo tổng công suất cụm cảng cạn theo quy hoạch; gắn kết, lồng ghép giữa quy hoạch cảng cạn và quy hoạch trung tâm logistics trong quy hoạch các địa phương để đảm bảo tránh lãng phí về nguồn lực đầu tư, vừa đảm bảo hiệu quả khai thác tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Cùng đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, kiến nghị, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo ban hành chính sách về giá, phí tại cảng cạn để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác cảng cạn; hoàn thiện các quy định về hải quan để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đa phương thức đến, rời cảng cạn.

Đồng thời rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan của pháp luật về đê điều nhằm tận dụng tối đa việc sử dụng tài nguyên đường bờ, bãi sông để phát triển kết cấu hạ tầng cảng cạn gắn với đường thủy nội địa kết nối đến các cảng biển, giảm tải cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ. Triển khai xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất các giải pháp cần thiết để triển khai quy hoạch đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tới năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu Teu/năm đến 17,1 triệu Teu/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.