Bất động sản

Hạ điều kiện thuê nhà ở xã hội, giải quyết “vấn nạn” chung cư mini

22/09/2023, 13:45

Người dân đánh đổi sự an toàn lấy nơi cư trú trong các chung cư mini giá rẻ. Trong khi đó, hàng chục nghìn chung cư tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê đang bỏ hoang.

Nhà ở xã hội bỏ hoang, dân thiếu chỗ ở

Theo thống kê TP Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini. TP.HCM có khoảng 42.000 nhà cho thuê dạng chung cư mini. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là con số thống kê chưa đầy đủ.

Hạ điều kiện thuê nhà ở xã hội, giải quyết “vấn nạn” chung cư mini - Ảnh 1.

Dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai bỏ hoang.

Bởi, chưa có tiêu chuẩn thiết kế để phân biệt chung cư mini với nhà ở riêng lẻ cho thuê đơn thuần, phân biệt với nhà trọ... nên chưa thể thống kê rạch ròi. 

Nhưng qua đó để thấy rằng, ở góc độ thị trường, nhu cầu nhà ở của người dân 2 thành phố, mỗi thành phố 10 triệu người là rất lớn.

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; Trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn nhà ở xã hội trong dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.

Chung cư đầu tư bài bản đòi hỏi phải có đủ diện tích, thẩm định qua nhiều khâu, đồng bộ hạ tầng, thỏa mãn nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, như: An toàn công trình; Bảo vệ môi trường; Phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy (PCCC); Bảo đảm an toàn hạ tầng kĩ thuật; Hành lang bảo vệ công trình; Khoảng cách an toàn; Thiết kế chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt…

Thực tế hiện nay, quỹ đất nội đô không còn, dự án giãn dần ra ven đô. Những dự án chung cư trong nội đô, giá bán trung bình khoảng 40 triệu đồng/m2. Với một căn hộ chung cư diện tích tối thiểu khoảng 50m2 thì số tiền tối thiểu để sở hữu đã tới 2 tỷ đồng. Mức giá này chênh lệch đến 20-30 lần so với mức thu nhập trung bình của người dân thành phố.

Trong khi đó, chung cư mini len lỏi trong nội đô, giá chỉ dao động từ 600-800 triệu đồng/căn, hoặc cho thuê ở từ 1-3 triệu đồng/phòng/tháng. Mức chi trả này nằm trong mức thu nhập bình quân khoảng gần 5 triệu/người/tháng. Do đó, người dân buộc phải đánh đổi sự an toàn lấy nơi lưu trú mà vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người thiệt mạng là một sự việc thương tâm.

Đáng nói, hiện nay 20% quỹ căn nhà ở xã hội cho thuê trong dự án nhà ở xã hội đang ế, gần như không có người thuê. Bộ Xây dựng đã khẳng định điều này trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Hạ điều kiện thuê nhà ở xã hội, giải quyết “vấn nạn” chung cư mini - Ảnh 2.

Dự án khu nhà ở dành cho sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai) bỏ hoang.

Đơn cử, TP.HCM có 10.000, Hà Nội có khoảng 4.000 căn chung cư tái định cư bỏ hoang, rêu mốc, bẩn thỉu, xuống cấp gây mất mỹ quan đô thị.

Chính sách lâu dài, đầu tư nhà ở do thị trường quyết định

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế hạ giá, điều kiện cho thuê, vừa giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội, vừa giải quyết tình trạng nhà đã đầu tư bỏ hoang, lãng phí. 

Lãnh đạo một sở Xây dựng cho hay, hai điểm khó thu hút người thuê nhà ở xã hội, đó là hồ sơ quá khắt khe, như mua nhà ở xã hội và thời gian thuê tối thiếu 5 năm là quá dài với người lao động bình thường. 

Đó là chưa nói đến ngân sách nhà nước còn khoản thu tiền sử dụng đất từ quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội đang thiếu đất đầu tư. 

Nếu lấy khoản này hỗ trợ cho đầu tư nhà ở xã hội, cho người dân vay mua nhà ở xã hội với những chính sách ưu đãi, tương tự như gói vay 30.000 tỷ trước đây thì chắc chắn vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp được giải quyết.

Thị trường bất động sản theo đó từng bước phục hồi. Người dân không phải tìm đến những chung cư mini nhỏ hẹp, chật chội, chiếu an toàn.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nêu quan điểm, bản chất người dân tìm đến những ngôi nhà thiếu an toàn là do chênh lệch cung cầu, thiếu nhà ở giá rẻ.

Hạ điều kiện thuê nhà ở xã hội, giải quyết “vấn nạn” chung cư mini - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội trao đổi với PV Báo Giao thông.

Bản chất của sự việc biến tướng nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini cũng từ thủ tục xin cấp phép đầu tư chung cư quá phức tạp, kéo dài, nhiều khâu, nhiều cửa.

Để đầu tư một dự án, thủ tục trình, thẩm định mất đến 2-3 năm. Điều này khiến giá nhà, giá bất động sản tăng lên.

Trong khi đó ở nước ngoài, ví dụ như Hồng Kông, sau khi phê duyệt quy hoạch phân khu: Mật độ, chiều cao... họ chỉ duyệt dự án online trong 1-3 tháng, giảm được rất nhiều khâu, giai đoạn, chi phí.

Do đó, ông Điệp cho rằng, đất nước đang phát triển thì cần xây dựng cơ chế thông thoáng.

"Nhà nước xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng để ai cũng làm được, quản lý nhà ở bằng quy hoạch, pháp luật: Chiều cao, dân số, đồng bộ hạ tầng, PCCC...

Chủ đầu tư xây chung cư to, chung cư bé tùy thuộc vào cách họ tính toán, miễn đảm bảo phù hợp quy hoạch, phù hợp pháp luật.

Còn người có quyền lựa chọn ngôi nhà phù hợp với điều kiện của riêng mình. Như thế là quy luật thị trường", ông Điệp nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.