Đô thị

Hà Nội: Tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc

15/10/2023, 19:11

Kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội phát triển mạnh mẽ suốt những năm vừa qua, là tiền đề quan trọng để phát triển đô thị, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông.

Giao thông ngày càng hiện đại

Những năm gần đây, bức tranh giao thông Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, đồng bộ.

Hà Nội: Tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc - Ảnh 1.

Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được khánh thành ngày 30/8 góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, giải quyết áp lực cho giao thông Thủ đô. Ảnh: Tạ Hải.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện cả 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58km) đã được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng. Bảy tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km); Đặc biệt Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6 vừa qua.

Bốn trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư…

Cùng đó, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai; 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành. Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.

Trước đây, khu vực phía bắc sông Hồng tương đối chậm phát triển. Đến nay, với một loạt công trình cầu như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Nhật Tân… đã thúc đẩy phát triển một loạt các khu đô thị mới bên bờ bắc sông Hồng.

Bên cạnh đó, khu vực phía tây, dọc theo trục Láng - Hòa Lạc cũng phát triển nhiều khu đô thị, đời sống người dân nâng cao rõ rệt. Một số tuyến giao thông khung trước đây còn nhỏ hẹp, hạn chế đã có sự thay đổi rõ rệt như: Đường Láng - Hòa Lạc đã đạt quy mô cao tốc; Quốc lộ 32 hướng tâm, quốc lộ 6 cũng đang có một dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Ưu tiên nguồn lực cho giao thông

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau nhiều năm từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Các nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực giao thông vận tải.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

"Những kết quả đạt được góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn trên địa bàn, tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực", ông Thường nói.

Một ý nghĩa quan trọng khác là giao thông vận tải đã xóa đi khoảng cách địa lý giữa đô thị trung tâm với nông thôn, ngoại thành; Giảm thiểu sự khác biệt về chất lượng sống, giúp nhân dân Thủ đô, dù ở bất kỳ địa phương nào cũng được hưởng chính sách, dịch vụ công cộng và có điều kiện phát triển như nhau.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho biết thêm, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã có một không gian phát triển rất lớn, mạng lưới giao thông vận tải thay đổi rất rõ nét. Về chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đã đạt 12%, tăng hơn 5% so với năm 2008.

Hằng năm, Hà Nội dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Thủ đô mỗi năm đều có chương trình phát triển riêng cho giao thông đô thị, các danh mục theo từng nhiệm kỳ, giai đoạn đầu tư càng ngày càng có chất lượng. Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ, chủ động đề xuất, phối hợp cùng các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng Vành đai 4 - tuyến đường liên vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Việc xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội đã được đặt ra với những định hướng mới. Trong đó, phải kể đến các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị liên quan trực tiếp, gián tiếp đến không gian phát triển đô thị của thành phố.

"Các định hướng đối với Hà Nội đã được đặt trong mối quan hệ liên kết vùng, hướng tới mục tiêu khẳng định vị thế, vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tàu phát triển của cả Vùng Thủ đô cũng như cả nước", ông Thành khẳng định.

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung hàng chục tuyến đường

Sau khi rà soát, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ, TP Hà Nội điều chỉnh, bổ sung thêm 34 tuyến đường và 5 cầu vượt sông.

Trong đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm 22 tuyến đường bộ đối ngoại, trên cơ sở kéo dài một số tuyến hiện có kết hợp bổ sung một số tuyến mới, để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận. Trong đó có 5 tuyến kết nối với tỉnh Hòa Bình; 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ; 3 tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; 2 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang; 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh; 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên; 2 tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam.

Đồng thời, đề xuất mạng lưới đường ngoài đô thị sẽ được điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.