An ninh hình sự

Hàng triệu m3 cát sông Tiền đã bị rút ruột như thế nào?

Tăng gấp đôi số lượng xáng cạp, chi tiền tỷ thỏa thuận với dân… là một trong những chiêu thức khiến hàng triệu m3 cát bị lấy đi khỏi sông Tiền.

Dậy sóng sông Tiền

Khoảng ba tuần nay, người dân ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bớt lo lắng khi 13 chiếc xáng cạp cát đã không còn nổ máy, hoành hành trên sông Tiền, đoạn ranh giới giữa An Giang và Đồng Tháp.

Anh T - người dân địa phương, vừa lái chiếc ghe nhỏ, vừa chỉ những vào khúc sông cũng là bến đò ngang đưa khách từ xã Bình Phước Xuân qua tỉnh Đồng Tháp nói: “Mới mấy tháng trước, khúc sông này xáng cạp hoạt động rần rần, sà lan vào ra liên tục “ăn” cát”.

img

Những chiếc sà lan no cát được giữ nguyên hiện trạng trên sông Tiền.

Trên sông Tiền, từ bờ Bình Phước Xuân sang bờ xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 1km, 13 chiếc xáng cạp chia thành từng nhóm đậu sát vào nhau, bất động.

Cách đó không xa, 6 chiếc sà lan, mỗi chiếc áng chừng hơn 500 tấn, tất cả đều no cát, chia làm hai cụm, mỗi cụm ba chiếc cũng đậu sát nhau.

“Trên mấy chiếc xáng cạp, sà lan này đều có cán bộ chia ca trực, giữ nguyên hiện trường để điều tra”, anh T nói.

Người dân ở ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân vẫn còn hồi hộp khi kể lại buổi trưa cuối tháng 7, hàng chục chiếc ca nô, xuồng máy từ tứ phía rồ ga siết chặt vòng vây vào 13 chiếc xáng cạp và sà lan kể trên. “Lúc đó chúng tôi vẫn chưa biết việc gì.

Tầm một tiếng đồng hồ, khúc sông này yên ắng trở lại, lúc đó công an đang làm việc trên từng chiếc xáng, sà lan”, một người dân kể.

Theo người dân, việc hút cát trên khúc sông này diễn ra gần hai năm nay. Ban đầu có 6 xáng cạp, nhưng đầu năm trở lại đây số lượng đã tăng lên 13. Điều này có nghĩa là gần 4,8 triệu m3 cát, trong đó có trên 3,2 triệu m3 trái phép đã được múc lên trong khoảng hai năm.

Xáng thôi múc cát, lòng người dân ở xã Bình Phước Xuân đã dịu trở lại. Tuy nhiên, kể từ khi công an vào cuộc, tuyệt nhiên không một cán bộ ấp, xã, huyện nào ở An Giang đồng ý tiếp xúc, trao đổi thông tin với PV Báo Giao thông.

Người dân hứng chịu hậu quả

img

Hàng chục xáng cạp bất động trên sông Tiền sau khi lộ chuyện hàng triệu m3 cát bị khai thác trái phép.

Ông Bùi Thành Đúng (83 tuổi), nhà sát mé sông Tiền kể, nhà ông ba đời ở khúc sông này, cả trăm năm nay bờ sông phía nhà ông chỉ toàn bồi lấn ra sông, chưa từng xảy ra sạt lở.

“Vậy mà xáng mới múc cát chưa đầy hai năm, phía sau ngôi nhà của con trai sát vách nhà tôi bị nứt toác ra, vết nứt lớn đến mức có thể đưa cả bàn tay vào. Đâu còn lý do gì ngoài việc hút cát, họ hút quá trời”, ông Đúng nói.

Quá bức xúc, ông Đúng in ba tờ giấy khổ A3 đánh máy với nội dung đề nghị không cho khai thác cát nữa rồi treo lên ba cây mít trước nhà mình.

Cách ông Đúng một căn là nhà của anh Bùi Tương Lai (40 tuổi). Phía sau căn nhà của anh Lai, một mảng nền chừng 3m2 đã sụt xuống, sâu gần cả mét.

“Trước khi cát bị hút, phía sau nhà tôi đất còn nhiều lắm, bờ sông này thường xuyên được bồi lắng, đâu có bị lở. Mới mấy năm trước, tôi còn lội bộ ra cách nhà mình mấy chục thước để ra sông, gần bờ sông này cây cối còn mọc. Giờ thì khúc sông ngoài đó sâu lắm, cũng phải 5 - 6m rồi”, anh Lai cho hay.

Những hộ dân có nhà bị nứt cho biết, đã từng phản ánh đến chính quyền xã Bình Phước Xuân nhưng chưa trường hợp nào được giải quyết. Họ cũng chưa rõ việc ở mỏ cát xã Bình Phước Xuân, giáp xã Mỹ Hiệp này đã có 3,2 triệu m3 đã bị múc vượt giấy phép như thế nào.

Họ chỉ biết rằng, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 đã dùng nhiều cách để cát được múc nhanh và nhiều hơn. Trong đó bao gồm cả việc chi hàng chục tỷ đồng để các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Tiền di dời bè cá vào gần bờ hơn để tiện cho việc múc cát.

Gia đình của ông T.V.B (72 tuổi) là một trường hợp như thế. Ông B kể, nghề nuôi cá ba sa, diêu hồng trên sông Tiền đã được ông duy trì hơn 20 năm qua và hiện đã giao lại cho 8 người con của ông.

Hơn 20 bè cá tính từ bờ ra khoảng 140m, dài khoảng 400m, diện tích khoảng 56.000m2. Mỗi năm, một bè cá thu được từ 140 - 150 tấn cá. Cơ ngơi này của gia đình ông B ngót nghét hơn 20 tỷ đồng, chưa tính tiền cá giống nếu thả xuống.

Chi phí bỏ nhiều như vậy, gia đình ông B phản đối quyết liệt việc múc cát gần bờ. Hai năm trước, lúc được thông báo sẽ khai thác cát ở khúc sông này, ông B biết cát sẽ được hút sâu khoảng 16m và cách từ những bè cá của ông ra khoảng 140m. Tức cát sẽ được khai thác đoạn gần giữa sông Tiền.

Nhưng không phải vậy, khi cát múc giữa sông hết rồi thì phía trên dòng chảy những bè cá của ông, các xáng cạp đã hút gần bờ hơn: “Cá ba sa không chịu nước đục, sẽ chết, rồi hàng tấn thức ăn nhà tôi đổ xuống nuôi cá cũng sẽ thất thoát nếu họ khai thác gần bờ”, ông B nói.

Chi 25 tỷ mua chuộc chủ bè cá

img

Sau khi bị lực lượng chức năng truy bắt, những chiếc xáng cạp được tập trung lại một địa điểm, phục vụ công tác điều tra.

Lúc này, một chủ xáng cạp tìm gặp ông B năn nỉ cho xáng được múc cát gần chỗ ông nuôi cá với giá 200 triệu đồng/tháng. “Tôi đâu có chịu, 200 triệu đồng này thì thấm tháp gì với cá tôi nuôi?”, ông B kể.

Để thuyết phục gia đình ông B di dời bè cá, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 đã cử người gặp gỡ gia đình ông và đưa ra một mức bồi thường thỏa đáng khiến gia đình ông phải gật đầu, 25 tỷ đồng.

Số tiền này được xem như “bảo hiểm” cho số cá ba sa của gia đình ông B. Có nghĩa là chỉ cần gia đình ông B đồng ý kéo bè cá gần bờ hoặc đi khúc sông khác hay chỉ đơn giản để xáng tùy ý múc cát gần khu vực ông nuôi cá.

Số cá trong bè vẫn để gia đình ông B nuôi, sống được thì ông bán lấy tiền, còn hư hao, cá chết thì công ty không phải chịu trách nhiệm nữa.

“Vậy là biết cát dưới sông còn nhiều như thế nào nên họ mới bỏ ra chừng đó tiền. Tôi nghĩ nhà tôi di dời bè cá thì họ múc chẳng bao lâu mà lấy lại vốn”, một người con của ông B nói.

Khoảng tháng 6/2023, 8 người con của ông B nhận được tổng cộng hơn 8 tỷ đồng tiền bồi thường, đây là đợt chi trả lần thứ nhất. Theo ông B, số tiền này, thực chất chỉ là khoản bồi thường cho số cá chậm lớn và thức ăn hao hụt trong quá trình cát bị múc.

Số tiền còn lại gia đình ông B chưa kịp nhận, các bè cá chưa phải di dời thì hành vi khai thác cát trái phép của Công ty Trung Hậu - Tổng 68 đã bị Bộ Công an phát hiện và bắt giữ những cá nhân liên quan.

Sông Tiền trở lại bình yên, nhưng sự tổn hại trong lòng sông còn phải mất nhiều thời gian mới chữa lành.

Bắt Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang

Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố 18 bị can với các hành vi vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Trong 18 bị can trên, có ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang và ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu - Tổng 68.

Theo Bộ Công an, Công ty Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 ở một mỏ cát tại xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để cung cấp cho bốn dự án giao thông đang triển khai ở ĐBSCL.

Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê người tổ chức khai thác gần 4,8 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Số tiền này được bỏ ngoài sổ sách, không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.

Để trót lọt, Bình đã chi tiền cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.