Hàng không

Hậu trường chấm thầu nhà ga 35.000 tỷ sân bay Long Thành

Không ai ngờ gói thầu nhà ga 35.000 tỷ đồng dự đoán rất hấp dẫn trước đó lại phải hủy thầu lần một và bước vào đấu thầu lần 2 đầy gay cấn.

Đến thời điểm này, khi "siêu" sân bay Long Thành đang được thi công rầm rộ thì những câu chuyện về quá trình chấm thầu nhà ga này không phải ai cũng biết.

Vượt áp lực cực lớn

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) kể: "Giai đoạn đó vô cùng áp lực, chúng tôi không thể ngờ gói thầu nhà ga 35.000 tỷ đồng rất hấp dẫn lại phải hủy thầu lần một và bước vào đấu thầu lần 2 đầy gay cấn".

Hậu trường chấm thầu nhà ga 35.000 tỷ sân bay Long Thành  - Ảnh 1.

Hàng nghìn công nhân, thiết bị được huy động để thi công xuyên Tết.

Theo ông Thanh, thời hạn hoàn thành dự án vào năm 2025 đã được tính toán rất khoa học. Nếu đấu thầu đợt 1 thành công, kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 là chắc chắn.

"Khi xem xét hồ sơ của nhà thầu tham gia lần 1, dù đã nâng lên hạ xuống nhiều lần, chúng tôi vẫn buộc phải đánh trượt. Quyết định đó của chủ đầu tư là rất đúng, bởi nếu không đến nay phải xử lý hệ lụy là rất lớn", ông Thanh chia sẻ.

Sau khi hủy thầu lần 1, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người đặt vấn đề sao không chia nhỏ gói thầu? Có ý kiến đánh giá về năng lực của ban quản lý dự án. Vì sao không thuê một ban quản lý dự án độc lập để thực hiện? "Giai đoạn đó, có những đêm tôi không chợp mắt được, rất lo. Lo nhất là tiến độ không đảm bảo theo kế hoạch. Nhưng ACV luôn đặt chất lượng lên hàng đầu", ông Thanh nói.

Đợt đấu thầu lần 2 xôm tụ hơn khi có 3 liên danh tham gia. Áp lực lần này càng lớn khi dư luận chú ý nhiều hơn, thời gian càng rút ngắn, một số nhà thầu còn có những thông tin trên truyền thông, khiếu nại lẫn nhau. Tổ chấm thầu thời gian đó phải được bố trí làm việc trong một phòng họp lớn, một tầng riêng, an ninh gác 2 lớp. Thành viên chấm thầu khi vào phòng phải để tất cả điện thoại bên ngoài.

Ông Thanh kể, chưa có dự án nào mà các bộ, ngành cử các chuyên gia vào để hướng dẫn thủ tục từng chi tiết một. Tất cả công việc này đã giúp chủ đầu tư xây dựng bộ hồ sơ một cách chặt chẽ, đúng luật, tránh những sai sót có thể xảy ra sau này.

Cuối cùng, liên danh của những nhà thầu có chất lượng tốt nhất được lựa chọn. Và sau đó, tiến độ dự án "siêu" sân bay Long Thành đã thay đổi từng ngày trên công trường. "Những áp lực từ thực tế giúp chúng tôi rút ra bài học để điều chỉnh phù hợp hơn", ông Lại Xuân Thanh chia sẻ.

Nên hình hài cánh hoa sen

Những ngày đầu năm mới, trên đại công trường sân bay Long Thành, từng đoàn xe ben, xe tải liên tục chở vật liệu, đất đá chạy như con thoi. Máy xúc, máy cuốc, những tháp cẩu cao hàng chục mét hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Tất cả đều khẩn trương, hối hả như không hề quan tâm phía bên ngoài kia, nhiều người đang tất bật đi mua sắm Tết.

Hậu trường chấm thầu nhà ga 35.000 tỷ sân bay Long Thành  - Ảnh 2.

Sau vài tháng khởi công, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các nhà thầu, hình hài hoa sen của nhà ga đã dần lộ diện.

Sau khi đi qua các khu vực thi công đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; đài kiểm soát không lưu; khu vực san nền thoát nước… chúng tôi dừng chân tại khu vực thi công gói thầu 5.10 - nhà ga hành khách. Đây là hạng mục lớn, quyết định thời điểm về đích của toàn dự án.

Công trường chuyển biến rõ nét hàng ngày. Từ chiếc flycam bay trên cao, tất cả dễ dàng quan sát những đường công vụ tạo nên hình cánh hoa sen - thiết kế biểu trưng của nhà ga Long Thành. Các đường công vụ được thảm đá mi để máy móc ra vào thuận lợi hơn. Ban đêm, cả công trường như một thành phố thu nhỏ khi đèn điện sáng trưng cả một góc trời, công nhân chia ca kíp để làm việc.

Gần như tuần nào cũng có mặt trên công trường, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho biết, "bộ não" của ban điều hành dự án đã chuyển về đây để kịp thời xử lý tất cả các công việc một cách nhanh nhất.

Ngước lên nhìn những cần cẩu cao, ông Việt cho biết, đã có 24 cẩu tháp được lắp đặt, hơn 471 thiết bị và 1.000 nhân sự tập trung ở gói thầu thi công nhà ga này. "Họ như những chú ong thợ cần mẫn, làm việc ngày đêm, tất cả đều lo cho tiến độ chung của dự án đã được vạch chi tiết từng ngày trước đó", ông Việt chia sẻ.

Tương tự, đại diện liên danh Vietur cho biết, trong liên danh có hơn chục nhà thầu, mỗi nhà thầu phụ trách một khu vực những tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho hàng nghìn công nhân, kỹ sư, chuyên gia… từ tháng 12/2023, công trường đã rất sôi động khi thiết bị xe tải, máy móc, nhân lực đều được huy động cao độ.

Ở khu vực nhà ga hiện đang thi công phần ngầm. "Tất cả như chạy đua với thời gian, bởi nếu mùa mưa năm tới mà chưa hoàn thành phần ngầm thì việc thi công khó khăn bộn bề", đại diện liên danh Vietur nói.

Ăn Tết ở công trường để duy trì tiến độ

Hơn 10 năm nay đây mai đó trên những công trường giao thông lớn, anh Nguyễn Châu, Chỉ huy trưởng công trường zone 6 (Vinaconex, một trong những nhà thầu thi công nhà ga hành khách) cho biết, đã lên kế hoạch cho anh em thi công xuyên Tết.

Đa phần anh em công nhân, kỹ sư đều ở miền Bắc, miền Trung, Tết nhất đi lại khó khăn, thời gian nghỉ lại ít nên nhiều người đăng ký ở lại công trường để duy trì tiến độ. Công ty cũng sẽ tổ chức bữa tiệc nhỏ, ấm cúng ngay tại công trường để những người ở lại thấy được sự động viên, chia sẻ. Sau Tết, các nhân sự sẽ được sắp xếp để có thời gian nghỉ phép lâu hơn về với gia đình.

Theo ông Nguyễn Tiến Việt, kế hoạch cơ bản trên công trường vẫn làm việc xuyên Tết vì tiến độ đang gấp rút. Thời gian nghỉ chủ yếu là những ngày chính như ngày mùng 1, mùng 2. Những ngày khác anh em vẫn làm việc bình thường để duy trì nhịp làm việc.

Nhắc đến Tết, công nhân Lê Văn Lương (Cà Mau) chia sẻ, ai cũng muốn về với gia đình, chòm xóm dịp này. "Nhưng nếu công ty yêu cầu, tôi sẵn sàng ở lại làm việc. Tết ở công trường anh em cũng ấm cúng, đi làm những ngày Tết thu nhập cao hơn ngày thường nên ráng một chút cũng vui", anh Lương tâm sự.

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia gồm nhiều dự án thành phần. Trong đó, gói thầu 5.10 - xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là hạng mục lớn nhất.

Tham gia đấu thầu gói thầu nhà ga sân bay Long Thành có 3 liên danh gồm: Hoa Lư, Vietur và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors. Trong đó liên danh nhà thầu Vietur đã được công bố trúng gói thầu này.

Liên danh nhà thầu Vietur bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS (được thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ. IC ISTAS được giới thiệu nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.

Đi cùng là các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, SOL E&C, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 39 tháng đã bao gồm cả các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày ký hợp đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.