Y tế

Hết thuốc chống thải ghép ở BV Chợ Rẫy: Bộ Y tế nói gì?

29/04/2022, 16:15

Gần đây, tại BV Chợ Rẫy diễn ra tình trạng hết thuốc chống thải ghép khiến bệnh nhân ghép thận hưởng BHYT phải mua thuốc bên ngoài.

Thiếu thuốc là sự việc ngoài mong muốn

Ngày 29/4, đại diện Bộ Y tế đã lên tiếng về việc bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thiếu thuốc chống thải ghép, bệnh nhân ghép thận hưởng BHYT phải mua thuốc bên ngoài.

Sau khi nắm bắt thông tin, theo Bộ Y tế, việc bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép khiến bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài là sự việc không mong muốn.

img

Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang hết nhiều loại thuốc trong danh mục được BHYT chi trả

Theo báo cáo, Bệnh viện đã có những giải pháp để khắc phục ngay tình trạng này, qua việc khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30/4 – 1/5/2022) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; Đồng thời, liên hệ với các cơ sở y tế có thuốc trên địa bàn TP.HCM để chuyển bệnh nhân đến điều trị và được hưởng chính sách BHYT theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 11/2021, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã đề nghị các cơ sở y tế có trách nhiệm chủ động mua sắm theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.

Về nguyên nhân gây chậm trễ có kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá thuốc. Theo Bộ Y tế, hiện Hội đồng đàm phán giá thuốc đang tích cực triển khai công tác đàm phán giá đối với 66 thuốc biệt dược gốc, trong đó có các thuốc chống thải ghép sử dụng cho bệnh nhân ghép thận... Việc lần đầu tiên tiến hành đàm phán số lượng lớn các thuốc biệt dược gốc cùng với nhân lực phục vụ cho công tác đàm phán giá còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của công tác đàm phán giá.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá; Ngay khi có kết quả, Bộ Y tế (Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia) sẽ thông báo Kết quả trúng thầu và Thỏa thuận khung để các cơ sở y tế triển khai, thực hiện.

"Đấu thầu chậm thuộc trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh"

Liên quan đến việc này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết việc mua sắm, đấu thầu thuốc chia làm ba cấp. Cấp quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục; địa phương đấu thầu tập trung cấp tỉnh do Sở Y tế đứng ra; cơ sở khám chữa trực thuộc Bộ Y tế như bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) được phân cấp tự đấu thầu. Với những gói thầu trên 5 tỷ do Bộ Y tế phê duyệt, dưới mức trên do bệnh viện tự quyết định nếu là đơn vị tự chủ tài chính.

Ông Phúc cho rằng: "Việc đấu thầu chậm thuộc trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh. Khi gần hết thuốc, cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu thầu. Tại các bệnh viện khi gói thầu cũ sắp hết hạn, cần xây dựng kế hoạch cho đợt thầu mới. Quá trình chuẩn bị thường kéo dài vài tháng, nếu tháng 12 hết hạn thì tháng 6 - 7 đã phải lên kế hoạch".

Bên cạnh đó, theo ông Phúc, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có chỉ đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM cùng bệnh viện Chợ Rẫy triển khai đấu thầu thuốc cho người bệnh tham gia BHYT, tránh tình trạng thiếu thuốc, chỉ định bệnh nhân ra ngoài mua thuốc giá cao khiến việc thanh toán khó khăn, không đúng quy định.

Khoảng 10 ngày nay, bệnh viện Chợ Rẫy hết một số loại thuốc trong danh mục BHYT chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn 6 -15 triệu đồng, trong khi nếu được bảo hiểm thanh toán, bệnh nhân chỉ tốn 100.000 đồng.

Theo đại diện bệnh viện Chợ Rẫy, đây là những thuốc thuộc nhóm đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia. Tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân ghép thận là do thời gian chờ kết quả đấu thầu thuốc bị chậm. Trước mắt, bệnh viện chuẩn bị hồ sơ mua sắm trực tiếp khoảng 20% số lượng thuốc, dự kiến vài ngày nữa sẽ có thuốc cho bệnh nhân. Số thuốc còn lại sẽ được đấu thầu rộng rãi, khoảng 15 ngày sau mới có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.