Thời sự Quốc tế

Israel tước đặc quyền thị thực của nhân viên Liên Hợp Quốc vì căng thẳng ở Gaza

27/12/2023, 11:15

Bộ Ngoại giao Israel thông báo dừng các đặc quyền thị thực đối với nhân viên Liên Hợp Quốc và cáo buộc cơ quan này đã có những động thái không tích cực với Israel trong xung đột Gaza.

Theo nguồn tin từ RT, hôm 26/12, người phát ngôn cấp cao Chính phủ Israel Eylon Levy đã công bố quyết định nêu trên của Bộ Ngoại giao nước này.

Ông cho biết: “Bộ Ngoại giao Israel thông báo các yêu cầu cấp thị thực của nhân viên Liên Hợp Quốc không còn được cấp tự động. Thay vào đó sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.”

Israel tước đặc quyền thị thực của nhân viên Liên Hợp Quốc - Ảnh 1.

Ông Eylon Levy chỉ trích các quan chức Liên Hợp Quốc vì đã “chuyển hướng đổ lỗi cho Israel” và “bao che cho Hamas”

Vị quan chức cấp cao cũng tuyên bố, Israel sẽ dừng hợp tác với những người mà nước này cho là ủng hộ phong trào Hamas và kêu gọi các nước đồng minh hành động tương tự để bảo vệ sự liêm chính cơ bản trong các thể chế toàn cầu và an ninh thế giới.

Ông Eylon Levy chỉ trích một số quan chức Liên Hợp Quốc, cho rằng họ đã “chuyển hướng đổ lỗi cho Israel” và “bao che cho Hamas” trong cuộc xung đột mới đây tại Dải Gaza.

Động thái này được đưa ra sau khi Liên Hợp Quốc liên tục cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza, nơi lực lượng Israel đã tiến hành và mở rộng các hoạt động quân sự để trả đũa cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 7/10.

Cùng ngày 26/12, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Seif Magango cho biết, các cuộc không kích gia tăng nhằm vào các trại tị nạn và khu dân cư ở Dải Gaza đã khiến nhiều người thiệt mạng, trong khi nhiều nơi tạm trú, bệnh viện đang quá tải, thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Israel tước đặc quyền thị thực của nhân viên Liên Hợp Quốc - Ảnh 2.

Người dân Gaza tại đám tang của nạn nhân thiệt mạng do bom Israel, tổ chức ở trại tị nạn Al-Maghazi (Ảnh: AFP)

Theo cơ quan y tế Gaza, tính đến 26/12, cuộc xung đột kéo dài từ đầu tháng 10 đã khiến 20.915 người thiệt mạng và gần 55.000 người bị thương.

Hơn 9.000 người đã chết vì không được chăm sóc y tế, trong khi 23 bệnh viện đã dừng hoạt động hoàn toàn. Trong khi đó, viện trợ nhân đạo chỉ đáp ứng 2% nhu cầu của hệ thống y tế Gaza.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.