Đường bộ

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thông dòng vốn dự án PPP giao thông

29/02/2024, 20:18

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng còn e dè với các dự án PPP, quy định của Luật đối tác công - tư đang được tiếp tục rà soát, kết nối cộng đồng doanh nghiệp được coi là phương án tối ưu để khơi thông dòng vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Điểm sáng huy động vốn PPP

Nhiều năm gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả, ông Dương Ngọc Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội vẫn không quên thời điểm Đèo Cả nghiên cứu triển khai 4 hầm đường bộ xuyên núi: Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2.

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thông dòng vốn dự án PPP giao thông- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Ông Quang cho biết, tổng mức đầu tư của 4 tuyến hầm khi ấy khoảng 21.000 tỷ đồng nhưng "nâng lên đặt xuống" mãi, các bên tham gia đầu tư mới dồn được khoảng 2.000 tỷ đồng.

Luật PPP thời điểm đó cũng chưa có, quy định về đối tác công - tư cũng rất sơ sài. Cái khó ló cái khôn, Đèo Cả đã sáng tạo ra hình thức huy động vốn 3P với P1 là ngân sách Nhà nước, P2 là vốn chủ sở hữu và P3 là vốn vay ngân hàng. Dự án cuối cùng được thực hiện thành công.

"Theo tính toán, nếu để đến hiện nay mới thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống hầm xuyên núi thì tổng mức đầu tư sẽ cao gấp nhiều lần so với con số tổng vốn thực hiện thời điểm đó chỉ hơn 11.000 tỷ đồng cho hầm: Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và hơn 7.000 tỷ đồng đối với hầm Hải Vân 2", ông Quang nói.

Sau thành công với hàng loạt tuyến hầm ở dải đất miền Trung, năm 2021, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục trúng thầu, trở thành nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Mặc dù là dự án có thời gian đàm phán hợp đồng BOT kéo dài nhất trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức PPP, song, cũng với mô hình huy động vốn 3P, Cam Lâm - Vĩnh Hảo lại là dự án thu xếp xong nguồn vốn đầu tiên để triển khai, cũng là dự án PPP giúp ngân sách nhà nước tiết giảm được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, P1 là vốn nhà nước, P2 là vốn chủ sở hữu và P3 là vốn huy động động bao gồm vốn tín dụng và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

Cùng thời điểm ấy, hai dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm vẫn chưa thể gỡ nút thắt về vốn và có nguy cơ phải hủy hợp đồng BOT vì quá thời hạn ký hợp đồng tín dụng.

Sau thời gian dài việc thu hút nhà đầu tư PPP rơi vào tình trạng "ngủ đông", Đèo Cả lại tiên phong tìm giải pháp huy động vốn để cụ thể hóa quyết tâm tham gia đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, bỏ mặc phía sau là sự quay lưng của một số ngân hàng và doanh nghiệp đi cùng trước đó.

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thông dòng vốn dự án PPP giao thông- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Cùng với sự ủng hộ của Quốc hội, cho phép tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án lên đến 70%, Đèo Cả tiếp tục đưa mô hình PPP lên một nấc thang mới là mô hình PPP++, huy động vốn cho dự án từ 3 nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác.

Cấu trúc mô hình PPP++

P1++ là phần vốn NSNN đóng góp bao gồm vốn NSTW và vốn NSĐP với tỷ lệ vốn Nhà nước góp trên 50%

P2++ là vốn chủ sở hữu đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

P3++ vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BBC, nguồn vốn nước ngoài…

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, để huy động các doanh nghiệp khác cùng tham gia đầu tư vào dự án, doanh nghiệp này đã nghiên cứu. phân cấp nhà đầu tư kèm theo các quyền lợi, nghĩa vụ khác nhau.

Trong đó, nhà đầu tư "kiên định" tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, được trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án, hưởng các quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định, được ưu tiên lựa chọn phạm vi thi công, đăng ký khối lượng thi công phù hợp với phạm vi tham gia và năng lực.

Nhà đầu tư "bắc cầu" tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án, được ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng BCC với Tập đoàn Đèo Cả, hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận, nhận khối lượng tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án nhưng có giới hạn.

Nhà đầu tư "tiềm năng" tham gia từ gia đoạn thực hiện dự án, được xem xét tham gia đầu tư vào các dự án trong tương lai, được giao khối lượng thi công phù hợp với năng lực nhưng giới hạn đầu tư nhỏ hơn nhóm nhà đầu tư "bắc cầu".

Mô hình huy động vốn đối tác công - tư của Đèo Cả một lần nữa chứng minh được hiệu quả, giúp dự án tự tin về nguồn lực đầu tư và được khởi công vào ngày đầu năm mới (1/1/2024).

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thông dòng vốn dự án PPP giao thông- Ảnh 3.

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là một trong những dự án thành công nhất của Tập đoàn Đèo Cả trong huy động vốn PPP.

"Phá băng" đầu tư PPP giao thông

Với tinh thần không để thị trường đầu tư PPP giao thông đóng băng, không ngồi chờ đến khi một cơ chế hoàn thiện rồi mới tính đến dự án mới, thời gian qua, Đèo Cả đã chủ động kết nối, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đồng hành.

Nhiều doanh nghiệp trong số đó không chỉ nhận được cơ hội mà còn mạnh hơn về nguồn lực sau cái bắt tay với Đèo Cả.

Đánh giá cao cách thức tổ chức quản trị hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ rủi ro khi tham gia đầu tư thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cùng Đèo Cả, lãnh đạo Công ty Đồng Thuận Hà khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đèo Cả tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng dự kiến sắp triển khai.

Dưới góc độ một ngân hàng lớn, ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Thăng Long (TP Bank) cho biết, Tập đoàn Đèo Cả là đối tác chiến lược tin cậy của TP Bank.

"Ngân hàng này đã cấp cho Tập đoàn Đèo Cả hạn mức khoảng 5.000 tỷ đồng. Đối với dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, TP Bank đã thẩm định và trình cấp hạn mức tín dụng 2.500 tỷ đồng để Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đấu thầu đầu tư dự án", ông Đức thông tin.

"Việc cấp hạn mức đến từ nhìn nhận thực tiễn cách triển khai các dự án đầu tư PPP của Tập đoàn Đèo Cả. Trong đó, có những dự án từng được nhận định rất khó thành công trước đó như: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận… đều được xử lý mạch lạc và nhân văn", ông Đức chia sẻ thêm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.