Pháp đình

Khắc phục hơn 6 tỷ, vì sao nữ cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự không được giảm án?

27/12/2023, 13:42

Hành vi nhận tiền hối lộ của Nguyễn Thị Hương Lan và các bị cáo gây bức xúc trong xã hội, làm mất hình ảnh của cán bộ, công chức nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Lợi dụng dịch bệnh để nhũng nhiễu doanh nghiệp

Trong bản án phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu được Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội công bố sáng 27/12, tòa đã bác kháng cáo của ba trong số bốn bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên án chung thân.

Họ gồm: Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế); Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) và Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Trong số này, Phạm Trung Kiên đã nộp khắc phục toàn bộ khoản tiền nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng. Còn Nguyễn Thị Hương Lan nộp khắc phục 6,2 tỷ đồng trong tổng số tiền bị cáo nhận hối lộ là 25 tỷ.

Khắc phục hơn 6 tỷ, vì sao nữ cựu cục trưởng Cục Lãnh sự không được giảm án? - Ảnh 1.

Cựu cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan bị tuyên y án chung thân.

Theo bản án phúc thẩm, năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Chính phủ có chủ trương giao các bộ, ngành đưa công dân Việt Nam về nước tránh dịch. Quá trình thực hiện cấp phép các chuyến bay giải cứu, những doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị từ chối.

Để tiếp tục được tham gia kế hoạch trên, các doanh nghiệp đã liên hệ với những cán bộ có chức trách, nhiệm vụ liên quan việc cấp phép chuyến bay trong một số bộ, ban, ngành để nhờ giúp đỡ.

Trong đó, một số cựu cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao dù không yêu cầu các đại diện doanh nghiệp đưa tiền, nhưng họ vẫn gặp gỡ và nhận tiền từ doanh nghiệp.

Ở vụ án này, Phạm Trung Kiên là người có số lần nhận tiền lớn nhất (253 lần) và nhận tổng số tiền trên 42 tỷ đồng. Tiếp đó, Vũ Anh Tuấn nhận 49 lần với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Còn bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần, tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Quá trình xét xử phúc thẩm, ba bị cáo nêu trên đều khai báo và thừa nhận hành vi, lời khai của họ phù hợp với kết quả điều tra. Theo đó, các bị cáo đã tham mưu, đề xuất tổ chức cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm kết luận việc tham mưu này lại không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mỗi người. Trái lại, họ còn lợi dụng dịch bệnh để nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho.

"Các bị cáo đã yêu cầu, mặc cả về giá mập mờ và không minh bạch trong cấp phép chuyến bay. Một số bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm, làm mất uy tín, hình ảnh của ngành ngoại giao", bản án nêu rõ.

Khắc phục hơn 6 tỷ, vì sao nữ cựu cục trưởng Cục Lãnh sự không được giảm án? - Ảnh 2.

Cựu Phó chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân được giảm án 1 năm tù, còn phải chấp hành 5 năm tù.

Cần phạt nghiêm khắc để răn đe

Trong nhóm bị cáo nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Anh Tuấn nhận hối lộ với số tiền rất lớn. Nhóm này biết số tiền đã nhận là do doanh nghiệp cảm ơn, song sau khi nhận xong, họ không báo cáo với cơ quan có liên quan mà chiếm đoạt tư lợi cá nhân.

Theo đánh giá của tòa phúc thẩm, hành vi nhận tiền của các bị cáo trên gây bức xúc trong xã hội, làm mất hình ảnh của cán bộ, công chức nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Do đó, bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên cho ba bị cáo trên là phù hợp, nghiêm khắc để mang tính răn đe.

Riêng với cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng, HĐXX kết luận tại phiên phúc thẩm, bị cáo đã khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải.

Bên cạnh đó, Hoàng Văn Hưng cũng tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ số tiền mà anh ta lừa đảo chiếm đoạt là 18,8 tỷ đồng. Đó là lý do tòa giảm án cho Hoàng Văn Hưng từ mức án chung thân còn 20 năm tù giam.

Ngoài những bị cáo trên, dù không kháng cáo nhưng cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) được giảm án từ 5 năm tù còn 4 năm tù. Tương tự, ông Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cũng được giảm án từ 4 năm còn 3 năm tù.

Từ tháng 4/2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương. Người dân chỉ cần trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó, các chuyến bay combo được thực hiện với việc người dân tự trả toàn bộ chi phí.

Quá trình thực hiện, các bị cáo đã lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn.

Từ năm 2020-2021, có 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, 20 doanh nghiệp đã đưa và nhận hối lộ tổng cộng 515 lần, với tổng số tiền 165 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.