Thế giới giao thông

Tiền dự án chảy vào túi già làng, Taliban

28/01/2015, 12:53

Con đường từ Kabul tới thung lũng Bamiyan được khởi động tháng 8/2006. Lễ khởi công có sự xuất hiện của TT Hamid Karzai.

111

Cảnh sát Afghanistan đứng gác trên tuyến đường Kabul - Bamiyan nhưng khi họ rút đi thì Taliban lại xuất hiện

Con đường chết

8 năm sau, năm 2014, Mohammed Fahimi, đại diện hội đồng nhân dân tỉnh Warda,  mở một cuốn sổ rách nát và nói: “Mọi chuyện xảy ra thế này. Một chiếc xe đang chạy và đột ngột dừng lại, hành khách ra khỏi xe. Họ bị bịt mặt và lùa vào vệ đường. Và sau đó những xác chết bị bỏ lại. Vụ này xảy ra vào mùa xuân năm 2012”.

Trong những năm trở lại đây, Fahimi ghi lại những vụ việc xảy ra trên đường vào cuốn sổ của mình, đôi khi cả những vụ việc mà ông nghe kể lại. Cuốn sổ này không đầy đủ nhưng nó cũng gây ấn tượng cho bất cứ ai đọc được. 20-30 người chết trong vòng bốn năm chưa kể đến những vụ bắt giữ và bắt cóc đòi tiền chuộc.

Fahimi nói: “Thỉnh thoảng cảnh sát chỉ ở cách 100 m nhưng cũng không khiến mọi người an tâm. Khi có cảnh sát, quân đội thì Taliban biến mất khỏi những con đường, chúng lẩn vào các làng lân cận”. Con đường xây dựng dở dang vì thế được đặt tên là Đường chết.

Ahmad Najafi, người từng phụ trách dự án này vào năm 2005 kể: “Ban đầu, mọi thứ đều suôn sẻ”. Tuy nhiên, tháng 4/2014, Thứ trưởng Bộ Giao thông phụ trách đường bộ bị cách chức. Sau đấy những lời phàn nàn về đường sá không được nâng cấp kịp thời trước khi mùa mưa đến bắt đầu tràn ngập trong dân chúng.

Ahmad Najafi đã làm việc ở Bộ Giao thông 32 năm, ông chứng kiến người Nga, Taliban và phương Tây đến rồi lại ra đi.

Ông nói tiếp: “Giai đoạn khảo sát chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì. Mọi chuyện ổn thỏa. Công ty xây dựng được chọn thi công giai đoạn đầu là Đường sắt Trung Quốc.Giá bỏ thầu của họ thấp nhất nhưng họ mang tới Afghanistan tất cả mọi thứ từ máy móc xây dựng, công nhân, khoảng 300 người. Chúng tôi thành lập những trại xây dựng và mọi thứ đều sẵn sàng. Tuy nhiên các cuộc tấn công xảy ra ngay sau đó. Máy móc bị lấy trộm, bị đốt. Một kỹ sư bị giết chết. Nhân viên phụ trách giám sát tài chính của Trung Quốc bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Vì những cuộc tấn công của Taliban mà chúng tôi phải dừng công việc xây dựng, có lúc tới vài tháng”.

Nhà thầu Trung Quốc “bỏ của”

Công ty xây dựng thậm chí phải vào các làng lân cận nói chuyện với những người cao tuổi để giúp giải quyết các vấn đề rắc rối theo đúng tập tục của Afghanistan. Wardak là một ngôi làng nhỏ của người Pashtun, nơi quyền lực của Chính phủ gần như không có tác dụng gì nhưng dân chúng thì lại có mối quan hệ gần gũi với Taliban.

Ahmad nói: “Chúng tôi đã phải trả tiền cho dân ở những ngôi làng thế này để bảo vệ dự án xây dựng của mình”.

Trên thực tế, đó là một cách kiếm tiền của đôi bên. Đầu tiên, Taliban reo rắc sự sợ hãi rồi người của dự án tìm đến những người cao tuổi, họ thỏa thuận trả tiền. Số tiền sau đó được dân làng chia chác với Taliban. Nói cách khác, một phần của khoản viện trợ 100 triệu euro của người Italia đã chảy thẳng vào túi của Taliban. Vậy mà cũng phải mất tới 5 năm để Chính phủ Afghanistan xây dựng xong 54 km đường.

Kết thúc giai đoạn đó, Trung Quốc cũng không còn thiết tha gì với gói thầu tái thiết Afghanistan. Họ cũng chẳng đề nghị để được thực hiện tiếp giai đoạn hai, Ahmad kể: “Họ rời đi nhanh nhất có thể. Thậm chí bỏ lại tất cả máy móc”. Đoạn đường dự kiến xây dựng trong giai đoạn tiếp theo dẫn tới núi Koh-i-Baba ngang qua Cổng Hajigak. Đó là một vùng đất gồ ghề.

Để tiếp tục, hai công ty đang làm việc cùng nhau thực hiện giai đoạn hai từ Km 54 - 74. Gholghola - một công ty của Afghanistan sẽ thi công. Công ty này thuộc quyền sở hữu của Mohammed Nabi Khalili, anh trai của Phó tổng thống Afghanistan.

Mohammed Nabi Khalili mô tả tình trạng khu vực thi công của mình như sau: “Yên tĩnh. Hai người đã bị bắn, máy móc bị phá hủy, trại bị tấn công bằng tên lửa”. Bản thân ông cũng phải tránh đi lại nhiều bởi xe ô tô của ông đã từng chẹt phải mìn ở gần Maidan Shahr. Nói một cách cụ thể là ông cũng phải xoay xở không ngừng để sống sót.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.